Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam (VNECO, HOSE: VNE) đã có thông báo về việc hủy danh sách cổ đông chốt ngày 23/9/2024 và xác định lại ngày đăng ký cuối cùng để tham dự Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 là ngày 6/1/2025.
Trước đó, ngày 30/8/2024, VNECO đã gửi thông báo tới Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) về việc chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/9/2024. Tuy nhiên, công ty chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ theo kế hoạch do vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết tại các công trình và dự án trọng điểm.
Một trong những vướng mắc lớn đến từ các hạng mục tại dự án đường dây và trạm biến áp 220kV thuộc Cụm nhà máy điện gió Cà Mau 1. Dự án này đã được thi công từ năm 2021-2023 nhưng chưa được chủ đầu tư nghiệm thu và thanh toán cho VNECO. Những khối lượng công việc còn tồn đọng, bao gồm thi công móng và dựng cột thép, đang tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 141 Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty, danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHĐCĐ phải được lập không quá 10 ngày trước ngày gửi thông báo mời họp. Vì vậy, danh sách lập vào ngày 23/9/2024 không còn phù hợp. Để đảm bảo quyền lợi cổ đông và tuân thủ pháp luật, VNECO đã đề nghị VSDC phê duyệt việc hủy danh sách cũ và chốt danh sách mới vào ngày 6/1/2025. Thời gian và địa điểm tổ chức đại hội sẽ được thông báo chi tiết trong thư mời và trên website của công ty.
Trong một nghị quyết khác, Hội đồng Quản trị VNECO đã thống nhất chủ trương chuyển nhượng bất động sản tại số 125 và 219C Nguyễn Đình Chính, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Tài sản này hiện đang được thế chấp tại Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Hải Vân để trả nợ vay.
Việc chuyển nhượng có thể thực hiện với cả các cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược, người nội bộ và các bên liên quan. Mục tiêu là cơ cấu lại tài chính, giảm áp lực trả nợ và chi phí tài chính cho VNECO.
Bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Về tình hình kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2024, VNECO ghi nhận doanh thu thuần đạt 475,7 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng mạnh khiến công ty báo lỗ sau thuế hơn 104 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 vẫn ghi nhận lợi nhuận hơn 569 triệu đồng.
Trước đó, theo báo cáo tài chính bán niên đã soát xét, doanh thu thuần nửa đầu năm 2024 đạt hơn 311 tỷ đồng, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ sau thuế đạt gần 71 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 509 triệu đồng. Kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến khả năng hoạt động liên tục của VNECO.
Kiểm toán nhấn mạnh, trong kỳ kế toán kết thúc ngày 30/6/2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty giảm 49,78%, lợi nhuận thuần âm hơn 56 tỷ đồng, và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 6,2 tỷ đồng.
Theo đó, lãnh đạo VNECO đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ và khó khăn. Thứ nhất, đại dịch COVID-19 kéo dài từ năm 2020-2022 khiến hoạt động thi công đình trệ, chi phí vật tư tăng mạnh và giá đấu thầu cố định khiến nhiều công trình giảm lợi nhuận hoặc lỗ.
Thứ hai, từ năm 2022-2023, việc siết chặt tín dụng của ngân hàng khiến nhu cầu vốn lưu động tăng cao, thời gian giải ngân kéo dài, làm giảm hiệu quả kinh doanh và doanh thu.
Thứ ba, sự chồng chéo trong quy định pháp luật và thiếu cơ sở pháp lý cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến dự án Nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong, nơi VNECO là chủ đầu tư và nhà thầu EPC. Dự án này hoàn tất 8 tuabin vào năm 2021, nhưng chỉ có 5 tuabin được nghiệm thu trước hạn chót để hưởng giá điện cố định, trong khi 3 tuabin còn lại vẫn chưa thể vận hành thương mại.