Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới vấn đề nâng cao sức khoẻ, tập luyện thể dục thể thao. Ngoài việc tham gia các bộ môn thể thao, những sản phẩm, thiết bị giúp thư giãn, nâng cao sức khoẻ tại nhà được nhiều người ưu tiên chọn lựa. Nổi bật trong số đó phải kể đến các sản phẩm ghế massage.
Bên cạnh đó, với việc ngày càng nhiều người trẻ gặp phải vấn đề sức khỏe do thói quen làm việc và sinh hoạt, ngồi văn phòng, lười vận động, việc theo đuổi các trải nghiệm tăng cường sức khỏe ngày càng rõ ràng. Ghế massage với ưu điểm như thoải mái, nhanh chóng, tiện lợi… sẽ dần thay thế massage thủ công truyền thống và trở thành trào lưu mới.
Mặt khác, trước việc gia tăng tốc độ già hóa dân số, nhu cầu sử dụng các sản phẩm massage của người trung niên và cao tuổi cũng sẽ tăng lên. Mỗi loại máy massage đều có ưu thế riêng, nhiều tính năng đa dạng, kiểu dáng và mức giá khác nhau. Theo đó, giá tiền của mỗi chiếc máy cũng dao động từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.
Nắm bắt nhu cầu đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này và cứ mỗi năm, thị trường Việt Nam lại chứng kiến sự ra đời của hàng loạt thương hiệu ghế massage. Điều này cũng góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng lớn của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thương hiệu ghế massage có chất lượng tốt, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, được sản xuất và quảng bá chuyên nghiệp, vẫn còn một số thương hiệu không rõ nguồn gốc được phân phối trên thị trường. Thậm chí, để gia tăng doanh thu, có thương hiệu ghế massage còn không ngại tung ra những 'chiêu' bài quảng cáo sai sự thật về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm để dẫn dụ, thu hút người tiêu dùng. Điều này khiến người tiêu dùng lo lắng bởi không biết sản phẩm có thực sự tốt như quảng cáo của doanh nghiệp hay không.
Điển hình như trường hợp sản phẩm ghế massage Soraka của Công ty TNHH Soraka Việt Nam (có địa chỉ tại số 50 đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Công ty này do ông Phạm Việt Anh làm người đại diện pháp luật. Hiện tại, trên nhiều nền tảng internet, sản phẩm ghế massage Soraka đang được quảng cáo có khả năng trị liệu chuyên sâu, ngăn ngừa, điều trị các bệnh về xương khớp, tim mạch và phòng tránh Covid-19. Đây là nội dung sai sự thật, không đúng chất lượng thực tế của sản phẩm, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Cụ thể, trên trang Facebook Soraka Việt Nam, sản phẩm ghế massage Soraka được phong là “chuyên gia trị liệu” với con lăn massage 4D có tác dụng “giúp điều trị mệt và nắn chỉnh cột sống, khai thông các điểm bị tắc trong hệ thống kinh mạch, hỗ trợ tuần hoàn máu, ngăn ngừa và điều trị các bệnh về xương khớp, tim mạch...”. Các sản phẩm ghế massage Soraka còn được quảng cáo “đã được kiểm định chất lượng chặt chẽ từ các bác sĩ”.
Trang Facebook Soraka Việt Nam cũng quảng cáo ghế massage tích hợp chức năng nhiệt hồng ngoại có thể giúp “tăng cường miễn dịch, phòng ngừa bệnh hô hấp, giảm đau xương khớp, giúp da mềm mại, trắng mịn và hồng hào hơn”.
Có thể thấy, mặc dù quảng cáo ghế massage Soraka có khả năng ngăn ngừa, điều trị các bệnh về xương khớp, tim mạch, phòng ngừa bệnh hô hấp nhưng phía Công ty TNHH Soraka Việt Nam lại không đưa ra bằng chứng hay kết quả nghiên cứu khoa học nào chứng minh sản phẩm ghế massage của công ty có các công dụng này. Bên cạnh đó, công ty quảng cáo chất lượng ghế massage đã được các bác sĩ kiểm định, tuy nhiên, không đưa ra cụ thể thông tin về việc bác sĩ nào kiểm định sản phẩm.
Chưa dừng lại ở đó, Công ty TNHH Soraka Việt Nam còn quảng cáo ghế massage Soraka có khả năng giúp người dùng “phòng tránh, giảm thiểu di chứng hậu Covid-19”. Cụ thể, trang Facebook Soraka Việt Nam quảng cáo ghế massage Soraka có thể “đẩy lùi Covid-19, phòng tránh hậu Covid-19, giúp phổi mở rộng, phòng tránh Cô vít, tăng cường đề kháng mùa dịch”. Tuy nhiên, phía công ty cũng không đưa ra bằng chứng hay kết quả nghiên cứu khoa học nào cho thấy ghế massage Soraka có khả năng đẩy lùi Covid-19 và di chứng hậu Covid-19 như đã quảng cáo.
Trong khi đó, trên thực tế, những loại ghế massage chủ yếu có chức năng massage, thư giãn, tạo cảm giác sảng khoái, dễ chịu cho người dùng. Phần lớn bệnh như xương khớp, cột sống là bệnh mãn tính, cần điều trị lâu dài và khoa học. Việc ghế masage được quảng cáo sử dụng chế độ sưởi ấm giúp tăng tuần hoàn, trị bệnh là không đúng sự thật. Đây là những phương pháp chữa bệnh chưa được chứng minh một cách khoa học và chưa được Bộ Y tế khuyến cáo nên sử dụng.
Có thể thấy, dù đưa ra nhiều ngôn từ hoa mỹ để quảng cáo cho sản phẩm của mình nhưng Công ty TNHH Thương mại Tokuyo lại không đưa ra bằng chứng khoa học hay bất cứ tài liệu nào chứng minh sản phẩm ghế massage Tokuyo có công dụng ”trị liệu“ và phòng bệnh như quảng cáo.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao những nội dung quảng cáo như trên lại xuất hiện trên các website, Facebook của Công ty TNHH Soraka Việt Nam? Căn cứ nào để Công ty TNHH Soraka Việt Nam quảng cáo sản phẩm ghế massage Tokuyo có khả năng trị liệu, thậm chí có thể điều trị các bệnh về xương khớp, tim mạch? Đây có phải hành vi lừa dối người tiêu dùng thông qua việc quảng cáo sai sự thật về công dụng, chất lượng sản phẩm hàng hoá?
Liên quan tới vấn đề trên, theo ý kiến của chuyên gia, ghế massage hiện là mặt hàng chiếm thị phần lớn nhất và có giá trị gia tăng cao nhất trong các thiết bị massage. Và trong những ngày đầu, với lợi thế tiếp cận sớm các nền tảng thương mại điện tử và kinh nghiệm làm tiếp thị, một số công ty sản xuất và OEM ghế massage giá rẻ đã nhanh chóng tiến vào thị trường, thu hút người tiêu dùng với chiến lược giá thấp.
Trước đây, những chiếc ghế massage được xem là thiết bị gia dụng cao cấp, có giá lên tới cả trăm triệu đồng thì giờ đây, bạn dễ dàng có thể sở hữu chỉ với 40-50 triệu đồng, thậm chí đặt mua từ Trung Quốc về với giá chỉ 15-20 triệu đồng kể cả phí vận chuyển.
Tuy nhiên, do thiếu tích lũy kỹ thuật, các nhà sản xuất nhỏ nói trên có xu hướng đẩy sản phẩm của mình lên tầm cao hơn bằng cách cải thiện hình thức bên ngoài và đa dạng tính năng phụ trợ, thay vì chú trọng vào chất lượng và độ an toàn. Kinh nghiệm non kém, dịch vụ hậu mãi khó được đảm bảo khiến thị trường ghế massage đang dần trở nên hỗn tạp.
Bên cạnh các thương hiệu ghế massage truyền thống thì ngày càng có nhiều thương hiệu, sản phẩm ghế massage mới từ trung cấp đến cao cấp, thậm chí cả thương hiệu đồ gia dụng nổi tiếng cũng lấn sân sang lĩnh vực ghế massage. Người tiêu dùng như bị đưa vào ma trận.
Trước tình trạng này, người dùng không nên vội vàng tin vào những quảng cáo không có cơ sở, vượt ngoài tầm công dụng của một sản phẩm. Đồng thời, trước khi chọn mua cần quan tâm tới chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, không mua các sản phẩm không thể chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.