Ảnh minh họa.
Cụ thể, dữ liệu chi tiết thị trường bất động sản thời điểm tháng 1/2022 của Batdongsan.com cho thấy, mức độ quan tâm bất động sản Hà Nội tăng 14% so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Mức độ quan tâm của sản phẩm biệt thự, liền kề tăng cao nhất 29%, tiếp theo là đất với 17% và chung cư với 14%. Giá rao bán bất động sản Hà Nội tăng 4,6% trong tháng 1/2022.
Về giá, giá rao bán chung cư Hà Nội trong tháng 1/2022 tăng 4,6% so với thời điểm tháng 12/2021. Giá rao bán biệt thự liền kề cũng tăng mạnh. Riêng tại Long Biên, mức độ tăng ở 38% và Gia Lam tăng 27% so với thời điểm cuối năm 2021.
Trái ngược với Hà Nội, tại TP.HCM, mức độ quan tâm bất động sản có xu hướng giảm nhẹ, với mức giảm 1% so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mức độ quan tâm giảm ở hầu hết các phân khúc như căn hộ chung cư, nhà riêng, đất nền, nhà mặt phố. Còn biệt thự liền kề thì lại tăng 30%.
Về giá, giá chung cư TP.HCM tăng nhẹ 1,8% so với thời điểm cuối năm 2021. Giá biệt thự liền kề tại TP.HCM cũng tăng so với thời điểm cuối năm. Trong đó, quận 7 có tốc độ tăng mạnh nhất với 24% và Nhà Bè tăng 22% so với tháng 12/2021.
Tại các thị trường khác trên toàn quốc cũng ghi nhận sự quan tâm của nhà đầu tư tăng cao như Khánh Hòa, Long An, Hưng Yên, Quảng Nam.
Nhận định về thị trường năm 2022, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng thị trường bất động sản nhà ở nhìn chung vẫn chịu áp lực tăng giá vì: nguồn cung thấp, giá đất tăng (giải phóng mặt bằng, thuế đất, nguyên vật liệu và thiết bị, nhân công…). Nguồn cung đất nền trên thị trường phần lớn không nằm ở các dự án được phê duyệt quy hoạch mà chủ yếu ở các dự án đấu giá của địa phương và dự án tự phát của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trong khi đó, giá đất trúng đấu giá ở hầu hết các địa phương đều rất cao. Cộng với lạm phát có thể tăng cao hơn, ngân hàng dự kiến tiếp tục siết chặt tín dụng bất động sản, các ngành nghề khác còn nhiều rủi ro… Đó là những nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao hơn mức giá trung bình của năm 2021.