Giá lợn hơi tăng mạnh, vì sao?

28/07/2022 14:20

Theo Cục Chăn nuôi, do nguồn cung thịt lợn thiếu cục bộ ở một số nơi nên dự báo từ nay đến cuối năm, giá lợn hơi tiếp tục duy trì ở mức cao.

Dự báo từ nay đến cuối năm, giá lợn hơi tiếp tục duy trì ở mức cao. Ảnh: Như Yến

Giá lợn hơi tăng 15 - 22% so với cuối năm 2021

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có báo cáo tình hình sản xuất và diễn biến giá cả một số mặt hàng nông sản, vật tư sản xuất tháng 6/2022 gửi Bộ Tài chính.

Báo cáo nêu rõ, Bộ này đã và đang chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; trong đó có mặt hàng thịt lợn.

Số liệu từ Bộ NN&PTNT nêu rõ, 6 tháng đầu năm 2022, giá lợn hơi tại các vùng trên cả nước tăng 15 - 22% so với cuối năm 2021. Nguyên nhân giá lợn hơi tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại do các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, các nhà hàng, nhà ăn tại trường học và nhà máy mở cửa trở lại.

Bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn...

Trong tháng 6, giá lợn hơi tại các vùng biến động tăng giảm tùy địa phương, khu vực, hiện ở mức: Tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 57.000 - 61.000 đồng/kg, tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg. Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi ở mức 51.000 - 57.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng 54.000 - 59.000 đồng/kg, giảm1.000 đồng/kg.

Cùng với chiều tăng của giá lợn hơi, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ 2021 cũng tăng do ảnh hưởng của giá nguyên liệu TACN trên thế giới. Từ đó dẫn đến giá TACN thành phẩm cũng tăng từ 36-38%. Cụ thể, hiện giá TACN hỗn hợp cho lợn thịt vỗ béo từ 9.398 đồng/kg lên 13.000 đồng/kg, tăng 38,3%, giá TACN hỗn hợp cho gà thịt (lông màu) từ 9.440 đồng/kg lên 12.900 đồng/kg, tăng 36,7%...

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, thời gian qua, Bộ này chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm. Đồng thời tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan tiến hành xử lý các vụ việc vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp như phân bón, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi…

Trước diễn biến giá thịt lợn và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan và các địa phương thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt lợn trên thị trường để thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới...

Giá thịt lợn tiếp tục giữ mức ổn định trong khoảng 99.900 - 177.900 đồng/kg tùy loại. Ảnh: Long Vũ

Thúc đẩy chăn nuôi, tái đàn

Dự báo về giá lợn hơi trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định, những ngày qua, giá lợn hơi trên thị trường đã tăng khá mạnh nhưng so với các nước xung quanh, giá lợn hơi của Việt Nam còn thấp hơn nhiều. "Với tình hình hiện nay, chúng tôi nhận định giá lợn hơi sẽ không dừng lại mà tiếp tục tăng, có thể sẽ chạm mức 80.000 đồng/kg" - ông Dương nói.

Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, từ tháng 10/2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh, khiến người chăn nuôi rơi vào cảnh hết sức khó khăn. Nhiều hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ lẻ phải để trống chuồng, hoặc giảm tái đàn...

Theo ông Thắng, sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về giải pháp ổn định nguồn cung, bình ổn giá thịt lợn, Cục Chăn nuôi và Bộ NN&PTNT đã tổ chức các đoàn đi khảo sát tại một số địa phương chăn nuôi trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang... Qua đánh giá, Cục Chăn nuôi nhận thấy nguồn cung thịt lợn thiếu cục bộ ở một số nơi. Vì vậy, Cục Chăn nuôi đang đề nghị các địa phương khuyến cáo người dân trong thời điểm được giá nên vào đàn, tăng quy mô sản xuất, bởi với mức giá này, người chăn nuôi và các trang trại đã bắt đầu có lãi 5-7.000 đồng/kg.

Bàn về giải pháp ổn định giá thịt lợn, ông Thắng cho hay, ngay khi giá lợn hơi tăng cao trở lại, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với Bộ Công thương, các tỉnh phía Bắc và Ban chỉ đạo 389 kiểm tra, siết chặt vấn đề lợn xuất lậu sang Trung Quốc.

Ngăn chặn, xử lý việc vận chuyển lợn qua biên giới

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389); UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển lợn qua biên giới cũng như để ổn định giá cả thịt lợn tại thị trường trong nước.

Theo đó, Bộ này đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tham mưu chỉ đạo, đôn đốc Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam. Ban chỉ đạo thành lập các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trái phép; bảo đảm chấm dứt ngay tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam tại các đường mòn, lối mở,… với các nước. Trường hợp bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển ra, vào Việt Nam bất hợp pháp thì phải xử lý, tiêu hủy theo quy định.

Bạn đang đọc bài viết "Giá lợn hơi tăng mạnh, vì sao?" tại chuyên mục Giá cả. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).