Năm 2023, cuộc chiến giá dầu có còn tiếp diễn?

27/12/2022 08:46

Ngày 26/12, ngân hàng Goldman Sachs đưa ra dự báo: Trong năm 2023, giá dầu Brent (trung bình) sẽ ở mức 98 USD/thùng và dầu WTI ở mức 92 USD/thùng. Giảm so với dự báo trước đó là 110 USD/thùng cho dầu Brent và 105 USD/thùng cho dầu WTI.

OPEC sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với giá dầu thế giới năm 2023. Nguồn: REUTERS.

OPEC sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với giá dầu thế giới năm 2023. Nguồn: REUTERS.

Cũng theo Goldman Sachs, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2023 khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa và hoạt động đi lại trên toàn cầu phục hồi. Vẫn theo ngân hàng này, quý IV/2022, dầu Brent đã giảm gần 6% so với mức đầu năm. Nhưng so với mức đỉnh 136 USD/thùng đạt được vào tháng 3 thì hiện giá dầu Brent đã giảm hơn 40%.

Mặc dù giá dầu gần đây giảm mạnh nhưng theo giới chuyên gia tài chính, năm 2023 cuộc chiến xăng dầu vẫn chưa chấm dứt, khi mà Tổ chức các quốc gia sản xuất dầu mỏ (OPEC), Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) chưa tìm được tiếng nói chung.

Khi năm 2022 sắp kết thúc, phân ban tình báo kinh tế (EIU) trực thuộc Tập đoàn Economist của Anh đã công bố dự báo cho 8 lĩnh vực, trong đó có năng lượng. Theo EIU, tiêu thụ năng lượng sẽ chứng kiến, năm thứ hai tăng trưởng chậm và gia vẫn cao, khi mà khảo sát với 69 quốc gia chỉ tăng 1,3%. Cùng đó, dự báo khủng hoảng năng lượng do thời tiết cực đoan, cũng như nguồn cung dầu mỏ thiếu ổn định sẽ “chống lưng” cho than trỗi dậy, cạnh đó là sự trở lại của năng lượng hạt nhân. Đáng chú ý, Nhật Bản - quốc gia ngừng hoạt động các nhà máy hạt nhân sau thảm họa Fukushima Daiichi năm 2011 hiện đã có kế hoạch khởi động lại 7 lò phản ứng hạt nhân vào mùa hè năm 2023. Tính cả 7 lò này, Nhật Bản có 23 lò phản ứng hạt nhân có thể hoạt động thương mại (nhưng chưa đấu nối vào lưới). Cùng với Nhật Bản, các quốc gia khác là Đức, Ấn Độ và Trung Quốc cũng có khả năng “tính đến” năng lượng hạt nhân trong năm 2023.

EIU cũng cho rằng, tình trạng thiếu hụt năng lượng ở châu Âu sẽ khiến giá khí đốt cao hơn dự kiến vào năm 2023; làm tăng thêm hóa đơn nhập khẩu của nhiều nhà nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi.

Tại thời điểm ngày 25/12, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 40% so với mức đỉnh 123 USD/thùng hồi tháng 3, song khó có thể tiếp tục giảm. Josh Young - người sáng lập Quỹ đầu tư Bison Investments nhận xét: “Trong năm 2023, rất có thể giá dầu cao lên do OPEC đẩy mạnh bán ra và nhu cầu dầu của Trung Quốc tăng mạnh. “Ngay cả khi có khả năng xảy ra suy thoái kinh tế vào năm 2023 thì giá dầu cũng không thể giảm xuống mức thấp hơn thời điểm cuối năm 2022” - TS Josh nói.

Tương tự, ông Tom Marzec Manser - Giám đốc bộ phận phân tích khí tại Công ty tư vấn thị trường năng lượng và hóa chất ICIS ở London (Anh) cho rằng các yếu tố khiến giá dầu giảm hồi cuối năm 2022 sẽ không tiếp diễn vào năm 2023. Ông Manser dẫn nguồn từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho rằng giá dầu dự kiến ở mức trung bình 92 USD trong năm 2023, vẫn cao hơn 30% so với mức năm 2021.

Tuy nhiên, dự báo của EIA không trùng với Ngân hàng Thế giới (WB) khi tổ chức này cho rằng giá năng lượng sẽ giảm 11% vào năm 2023 sau khi tăng 60% vào năm 2022.

Đáng chú ý, EU vẫn bị coi là khu vực “bất ổn” nhất về năng lượng trong năm 2023. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Ủy ban châu ÂU (EC) cho rằng, dù châu Âu có đủ năng lượng năm 2022 nhưng sang 2023 lại là chuyện khác. Giám đốc IEA Fatih Birol và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cùng cho rằng EU có thể thiếu 27 tỷ m3 khí đốt tự nhiên năm 2023. Con số này tương đương 7% tiêu thụ hàng năm của khối này.

Trong một diễn biến liên quan, nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 rất thấp, chỉ đạt 2,3% (năm 2022 là 2,8%). Như thế có nghĩa là nhu cầu tiêu dùng dầu mỏ không tăng lên. Nhóm OPEC+ bao gồm 23 nước xuất khẩu dầu mỏ (13 nước thành viên của OPEC và 10 nước khác, trong đó có Nga) đã tuyên bố chưa thay đổi quyết định giảm khối lượng xuất khẩu dầu mỏ hàng ngày đã được thông qua và áp dụng từ tháng 11 vừa qua cho tới cuối năm 2023.

Như vậy, có thể thấy giá dầu mỏ năm 2023 tương đối ổn định, không thể thấp hơn mức giá trần 60 USD/thùng mà EU, G7 và Australia áp đặt cho xuất khẩu dầu mỏ của Nga.

Trở lại với câu hỏi: Năm 2023 cuộc chiến năng lượng trên phạm vi toàn cầu có chấm dứt? Câu trả lời được nhiều định chế quốc tế đưa ra là nó không căng thẳng như năm 2022, giá dầu thô sẽ ở mức chấp nhận được (có nghĩa là trên 60 USD/thùng). Tuy nhiên, đây vẫn sẽ là “cuộc chiến âm ỉ” vì thực tế gần 100 năm qua dầu mỏ vẫn là vũ khí quan trọng của các quốc gia sở hữu các mỏ thiên nhiên. Đặc biệt, nó còn do việc chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo dù đã khởi động nhưng hiệu quả thực sự vẫn còn ở phía trước.

Theo các nhà phân tích của Bloomberg, nếu giá khí đốt tự nhiên ở Liên minh châu Âu tăng lên mức 210 euro/MWh thì Liên minh này sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Việc từ bỏ năng lượng của Nga đã khiến EU thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm 2022. Vẫn theo Bloomberg, các khách hàng dầu mỏ truyền thống của Nga như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập không những chỉ tiếp tục mà còn tăng cường nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Điều này giúp Nga có thể “chơi được dài lâu cuộc chơi dầu mỏ và năng lượng” với EU và G7.

Bạn đang đọc bài viết "Năm 2023, cuộc chiến giá dầu có còn tiếp diễn?" tại chuyên mục Giá cả. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).