CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco – mã TIS) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu 3.189 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Ngược lại, giá vốn hàng bán tăng 1,8% lên 3.142 tỷ đồng khiến biên lãi gộp co lại từ 12,9% còn vỏn vẹn 1,5% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 46,7 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của Tisco đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 92,5% so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng cũng tăng nhẹ 2,9% lên 14 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm. Kết quả, Tisco lãi ròng 5,8 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ 2021 trong đó lợi nhuận sau thuế cổ đông ty mẹ đạt 6 tỷ đồng. Theo lý giải từ phía công ty, lợi nhuận giảm là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh.
Lũy kế 6 tháng, Tisco ghi nhận doanh thu 6.922 tỷ đồng, tăng 5,7% và lợi nhuận sau thuế đạt 34,9 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ 2021. Năm 2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu đạt 20.105 tỷ đồng, tăng 56% nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ đạt 90 tỷ đồng, giảm mạnh 42%. Với kết quả đạt được, Tisco mới thực hiện được 34,4% kế hoạch doanh thu và 53,2% mục tiêu lợi nhuận.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Tisco đạt mức 10.855 tỷ đồng, tăng 5,1% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng 42,7% lên 2.048 tỷ đồng. Phần chiếm gần 55% cơ cấu tài sản là chi phí xây dựng cơ bản dở dang với 6.192 tỷ đồng, trong đó 99,7% là chi phí cải tạo Tisco giai đoạn 2.
Đến thời cuối tháng 6, tổng giá trị đầu tư của dự án là 6.163 tỷ đồng. Trong đó, lãi vay vốn hóa là 2.951 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong quý II là chi phí lãi vay vốn hóa. Hiện tại, dự án đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, ban lãnh đạo Tisco cùng Tổng Công ty Thép Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với các nhà thầu và phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan để tháo dỡ các khó khăn cho dự án.
Nợ vay tài chính ở mức 4.518 tỷ đồng, tăng 5%, trong đó 61,3% là nợ ngắn hạn. Hiện nợ vay tài chính của Tisco đã gấp đôi vốn chủ sở hữu.