Vài ngày trước, đến chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) mua một số trái cây, anh Mạnh (TP Thủ Đức) tá hỏa vì tiểu thương báo giá nhãn tiêu 140.000 đồng/kg, cóc trái 70.000 đồng/kg, bưởi 100.000 đồng/kg, thanh long 60.000 đồng/kg, chuối 40.000 đồng/kg,...
"Vô tình thấy chợ mở cửa nên tôi ghé mua, không ngờ giá trái cây lại cao như vậy. Giá của quầy ngoài chênh lệch so với quầy bên trong 10.000 đồng/kg", anh nói và cho biết hiện chợ này chỉ có khoảng 6 quầy bán trái cây hoạt động phía ngoài. Các tiểu thương này đều đã được tiêm 2 mũi vaccine.
Thực tế hiện nay, khi kênh phân phối, lưu thông, vận chuyển không còn gặp nhiều khó khăn như trước, giá các loại thực phẩm bán lẻ ngoài kênh siêu thị đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao, mỗi nơi mỗi giá.
Tại chợ Bà Chiểu, hiện có khoảng 6 quầy bán trái cây hoạt động phía ngoài. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Cải ngọt, cà chua vẫn 40.000 đồng/kg
Khảo sát của Zing, trên các trang chợ online trên mạng xã hội các loại rau củ, thịt cá, trái cây vẫn được rao bán ở mức giá cao. Đơn cử, tại gian hàng online của anh Hào (quận 7, TP.HCM) cải ngọt, cà chua, chanh, bí đỏ, dưa leo có giá 40.000 đồng/kg, rau muống 50.000 đồng/kg, xà lách 60.000 đồng/kg,...
Thịt heo cũng ở mức 235.000 đồng/kg đối với sườn non, 200.000 đồng/kg ba rọi, 160.000 đồng/kg cốt lết, thịt đùi...
Tương tự, chị Lê, bán trái cây online cũng cho biết chôm chôm, nhãn, ổi nữ hoàng ở mức 40.000 đồng/kg, xoài 45.000 đồng/kg, mãng cầu 55.000 đồng/kg... "Hiện nay việc nhập hàng vận chuyển vẫn gặp nhiều khó khăn nên không thể bán giá như trước dịch", chị nói và cho biết hiện nay do người dân chưa được đi chợ, siêu thị nên vẫn phải đặt hàng qua các kênh online.
Trong khi đó, các loại thực phẩm chế biến, đồ khô tại các siêu thị ở mức giá ổn định nhưng lại xuất hiện tình trạng khan hiếm hàng. Khảo sát tại siêu thị Co.opmart, Go! tại TP.HCM các loại bột đều hết sạch trên quầy kệ. Nhân viên siêu thị Go! Nguyễn Thị Thập (quận 7) cho biết các mặt hàng này đang tạm hết hàng.
Trên chợ mạng, các loại rau củ vẫn được rao bán ở mức cao.từ Facebook chợ online quận 7. |
Tuy nhiên, trên các kênh online chợ mạng các loại bột này vẫn được rao bán nhộn nhịp với mức giá cao từ 40.000-45.000 đồng. Đơn cử, bột mì, bột gạo, bột bánh xèo, bột năng giá 40.000 đồng/kg, nui 35.000 đồng/kg...
Chưa kể, giá các loại đồ ăn chế biến được bán mang đi cũng tăng giá 5.000-10.000 đồng. Trước đây, chị Quỳnh (quận Bình Thạnh) mua một suất cơm tấm sườn chỉ khoảng 35.000 đồng, nhưng nay thấy tăng lên 40.000-50.000 đồng/suất.
"Giá ship ít nhất cũng khoảng 30.000 đồng nên ăn một suất cơm cũng phải chi gần 100.000 đồng", chị than.
Tại các cửa hàng thực phẩm, chuỗi siêu thị, giá rau củ, thịt vẫn ổn định, tuy nhiên vẫn ở mức khá cao. Đơn cử tại siêu thị Go! Nguyễn Thị Thập ngày 17/9, cà chua có giá 28.900 đồng/kg, cà rốt 23.400 đồng/kg, cải ngọt 32.000 đồng/kg... Các thịt ba rọi của G Kitchen giá 219.000 đồng/kg, heo xay 176.000 đồng/kg, nạc vai 17.000 đồng/kg.
Có tình trạng lợi dụng đẩy giá?
Trao đổi với Zing, ông Hoàng Thanh Hải - Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hải Nông (TP.HCM) - cho biết, hiện nay, rau xanh bán ra ở TP.HCM đã hạ nhiệt so với thời điểm 2 tháng trước. "Các loại rau cải dao động 10.000-15.000 đồng/kg thay vì 20.000-30.000 đồng/kg như trước, cà chua cũng chỉ ở mức 15.000-20.000 đồng/kg giảm hơn một nửa so với trước... ", anh nói.
Theo anh Hải hiện nay khâu vận chuyển cũng đã được thông suốt, đi lại dễ dàng hơn nên đơn vị có thể nhập thêm nhiều nguồn hàng từ các tỉnh so với trước. Tuy nhiên, hiện nay một số hộ sản xuất, người nông dân do giãn cách kéo dài, khó đi lại giữa các chốt nên có tâm lý không muốn tập trung sản xuất, gieo trồng.
"Chính vì vậy, thời gian tới, tất cả nguồn hàng sẽ bị thiếu chứ không kể rau củ", Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hải Nông nhìn nhận.
Chưa kể, sắp tới ở một số tỉnh sẽ vào mùa mưa, ngập gây ảnh hưởng đến việc gieo trồng của người nông dân. "Đặc biệt ở một số vùng thấp, trũng như Tiền Giang, Long An. Chỉ còn một số tỉnh như Đà Lạt vẫn có thể gieo trồng nhưng không đáng kể", ông Hải nói.
Rau củ từ các tỉnh nhập về điểm trung chuyển chợ Bình Điền tối 9/9. Ảnh: Chí Hùng. |
Tương tự, ông Đào Đặng Vân Phi - Giám đốc hợp tác xã thương mại, dịch vụ Vân Dương (huyện Hóc Môn, TP.HCM) - cho biết khi TP.HCM mở cửa trở lại, nguồn rau cung ứng cho người dân thành phố có thể bị thiếu hụt do hiện nay người nông dân tại huyện rất hạn chế xuống giống.
Theo ông Phi, hiện nay giá các loại rau tại huyện đã tăng lên mức ổn định hơn so với thời điểm trước. "Rau ăn lá dao động 8.000-10.000 đồng/kg, rau muống xô tại vườn 3.000-3.500 đồng/kg, rau muống tốt khoảng 5.000 đồng/kg", ông nói và cho biết hiện nay khâu vận chuyển chủ yếu vẫn là các xe luồng xanh.
Người dân vẫn luôn bán giá như vậy, quan trọng là khâu trung gian, người bán ở TP.HCM đẩy giá lên cao.
Ông Đào Đặng Vân Phi - Giám đốc hợp tác xã thương mại, dịch vụ Vân Dương (huyện Hóc Môn, TP.HCM)
Ông Phi cho rằng chỉ khi các chợ mở cửa trở lại thì người dân mới có thể mua hàng ở mức giá ổn định hơn. "Người dân vẫn luôn bán giá như vậy, quan trọng là khâu trung gian, người bán ở TP.HCM đẩy giá lên cao. Hiện một số nơi ở huyện Hóc Môn bán cho người dân với giá 20.000-30.000 đồng/kg còn tôi vẫn bán ra các loại rau ăn lá ở mức bình ổn là 15.000-20.000 đồng/kg", Giám đốc hợp tác xã thương mại, dịch vụ Vân Dương nói.
Cách nào để hạ nhiệt giá sản phẩm
Hiện Sở Công Thương và UBND TP.HCM đã từng bước tháo gỡ khó khăn cho nguồn cung nông sản về TP.HCM. Theo đó, 3 chợ đầu mối tại thành phố đã được khởi động trở lại dưới hình thức các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Tối 20/9, chợ đầu mối Hóc Môn đã mở cửa trở lại sau gần 3 tháng đóng cửa.
Ngày 20/9, tức ngày đầu tiên chợ có 16 tiểu thương hoạt động, trung chuyển 60-80 tấn hàng hóa rau củ các loại. Tùy vào tình hình hoạt động chợ sẽ có kế hoạch tăng số lượng hàng hóa trong những ngày sắp tới.
Tương tự, điểm tập kết hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền sau một tuần hoạt động, hàng rau củ quả, thủy hải sản, thịt heo về chợ đã tăng dần gần 100 tấn với khoảng 18 thương nhân. Điểm tập kết ở chợ đầu mối Thủ Đức cũng hoạt động trở lại với mặt hàng trái cây là chủ yếu. Sản lượng hàng nhập chợ trong ngày 17/9 khoảng 110 tấn.
Nhiều người cho rằng phải mở lại các chợ ở TP.HCM mới có thể từng bước hạ nhiệt giá thực phẩm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết hiện nay qua theo dõi, Sở Công Thương thấy rằng giá cả hàng hóa hiện nay tương đối ổn định, giá có tăng hơn so với trước đây tuy nhiên không có tình trạng lúc tăng lúc giảm.
Hiện các quận, huyện đã bắt đầu có phương án từng bước mở lại chợ an toàn. Khi mạng lưới phân phối ngày càng mở rộng, hàng hóa đưa về chợ đầu mối nhiều hơn sẽ giúp hạ nhiệt giá thực phẩm.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM.
Đơn cử, ngày 21/9, cải bẹ xanh ở Bách Hóa Xanh là 23.000 đồng/kg, Đồng Nai 17.100 đồng/kg, Tiền Giang 14.400 đồng/kg, Cần Thơ 25.000 đồng/kg; cải ngọt ở TP.HCM 23.000 đồng/kg, Đồng Nai 16.000 đồng/kg, Tiền Giang 14.100 đồng/kg...", ông Phương nêu ví dụ.
Theo ông Phương, giá cả ở các kênh bán hàng chính thống, siêu thị lớn có tên tuổi vẫn ở mức ổn định. Người dân có thể đăng ký mua ở các hệ thống phân phối lớn để có thể mua mức giá phù hợp.
Về các giải pháp để hạ nhiệt giá thực phẩm, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết theo quy luật cung cầu, khi nguồn cung tăng giá sẽ giảm xuống. Do đó cách tốt nhất là làm sao để đưa hàng hóa về TP.HCM nhiều nhất.
"Hiện các địa phương bắt đầu có phương án từng bước mở lại chợ an toàn để cung ứng lương thực thực phẩm. Tôi nghĩ rằng khi mạng lưới phân phối ngày càng mở rộng, hàng hóa đưa về chợ đầu mối nhiều hơn sẽ giúp hạ nhiệt giá thực phẩm", ông Nguyễn Nguyên Phương nói.