Cụ thể, tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá mua vàng miếng được niêm yết ở mức 64,9 triệu đồng/lượng, tăng 1,7 triệu đồng/lượng. Ở chiều bán ra, doanh nghiệp này niêm yết ở mức 66,4 triệu đồng/lượng, tăng 1,2 triệu đồng/lượng so với giá chốt phiên chiều qua.
Trong khi đó, tại hệ thống cửa hàng vàng Mi Hồng giá vàng miếng SJC được điều chỉnh tăng thêm 2 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều so với giá đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, niêm yết giá mua – bán hiện ở mức 65 – 66,2 triệu đồng/lượng.
So với thời điểm giá vàng miếng SJC rơi xuống mức 62 – 64,5 triệu đồng/lượng trong ngày 19-7 – ghi nhận vùng giá thấp nhất trong vòng ba tháng gần đây thì hiện giá vàng thương hiệu do Ngân hàng Nhà nước sản xuất đã tăng tới 2-3 triệu đồng/lượng.
Các loại vàng nữ trang 24K đang giao dịch phổ biến ở mức 51,5 – 52 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 100.000 đồng/lượng so với chiều qua.
Giá vàng miếng SJC hoàn toàn thoát ly so với giá vàng thế giới. Bởi ngay cả khi giá vàng miếng tăng hoặc giảm sốc trong vài ngày gần đây thì kim loại quý trên thị trường thế giới chỉ nhích nhẹ vài USD/ounce.
Hiện trên thế giới, giá vàng giao dịch quanh mức 1.730 USD/ounce, tăng gần 10 USD/ounce so với phiên giao dịch trước. Qui đổi theo tỉ giá tại ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 49 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng khoảng 17 triệu đồng/lượng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng: Chỉ khi nào thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới thì người dân mới hết cảnh phải mua vàng miếng với giá quá cao. Mức chênh lệch bất thường từ 15-20 triệu đồng/lượng giữa vàng miếng SJC và giá vàng thế giới chủ yếu xuất phát từ việc nguồn cung loại vàng này ngày càng khan hiếm trong khi NHNN không nhập khẩu vàng nguyên liệu từ chục năm nay”.