Tính đến trưa qua (19-7), giá vàng SJC đã giảm sốc lần thứ hai chỉ trong hơn một ngày với tổng mức giảm lên đến hơn 6 triệu đồng/lượng. Nếu thời điểm mở cửa sáng cùng ngày, giá vàng SJC bán ra thị trường ở mức 64,8 triệu đồng/lượng thì đến thời điểm trên rớt chỉ còn khoảng 62 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm gần tiệm cận mốc 60 triệu đồng/lượng.
Đây là mức mất giá mạnh nhất đối với vàng SJC chỉ trong thời gian ngắn hơn một ngày.
Giảm vì bất ngờ có lực bán cực mạnh
Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải nhận định hiện nay diễn biến giá vàng SJC vẫn không theo quy luật cung cầu vì thị trường không hoàn hảo, không liên thông, cùng nhịp với quốc tế. Chính vì vậy, chỉ có một lực bán ra cực mạnh mới dẫn đến chuyện vàng SJC buộc phải giảm giá sâu.
Giao dịch vàng tại một cửa hàng vàng ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) chiều 19-7. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Đừng nghĩ rằng giá vàng SJC tự nhiên giảm mạnh trong thời gian ngắn như vậy. Bởi vì ba nhà kinh doanh vàng lớn trên thị trường hiện nay gồm DOJI, PNJ và SJC không dại gì giảm giá mạnh nếu vẫn bán được giá cao. Chỉ có nguồn bán ra cực mạnh mới khiến họ buộc phải giảm giá xuống. Nên nhớ thứ Bảy tuần trước (16-7), họ vẫn bán và mua vào với mức giá gần 68 triệu đồng/lượng thì không có lý do gì bỗng nhiên họ giảm quá sâu để chịu lỗ” - ông Hải giải thích.
Nói cách khác, theo ông Hải, việc giảm giá vàng rất mạnh đến từ yếu tố bên ngoài. Đó có thể là một lực bán cực mạnh từ các ngân hàng hoặc quỹ đầu tư muốn tái cơ cấu danh mục (mua vàng nhẫn thay vì vàng SJC để tái cơ cấu danh mục vàng) của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng bán ra mạnh vì thấy rằng giá vàng thế giới lao dốc.
Cũng theo ông Hải, hiện nay, các nhà kinh doanh vàng SJC quy mô lớn vẫn đang trong quá trình phòng thủ. Bằng chứng là khoảng cách giữa giá mua và bán đã kéo giãn lên mức trên 2,5 triệu đồng/lượng. Hiểu một cách đơn giản, các đơn vị kinh doanh vàng đang tìm cách giảm tối đa rủi ro cho mình và đẩy rủi ro về phía khách hàng.
Kẻ cười, người khóc vì vàng giảm sốc
Sáng 19-7, theo quan sát của PV tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai cho thấy lượng khách đến giao dịch khá đông. Tuy nhiên, khách chủ yếu có nhu cầu bán vàng miếng thay vì mua vào.
Bà Hải (nhà ở quận Phú Nhuận) cho biết: “Tôi có ít vàng đem bán vì thấy giá hai hôm nay xuống ghê quá. Tôi sợ rằng vàng miếng SJC có thể sẽ còn xuống nữa nên bán chốt lời”.
“Tôi đến đây lúc 9 giờ sáng, giá vàng khi đó đang ở mức 62-64,5 triệu đồng/lượng. Thế nhưng vừa tới lượt tôi bán thì bảng giá bán nhảy xuống còn 63,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ có mấy phút mà tôi mất 1 triệu đồng” - bà Hải nói.
Ở chiều ngược lại, bà Thúy Thanh đến để mua vàng và mong giá xuống nữa. “Mới có 30 phút mà tôi đã lời được gần 2,5 triệu đồng. Bởi lúc tôi đến nhận số thứ tự, giá bán đang ở mức 64,5 triệu đồng/lượng nhưng 10 phút sau, giá xuống còn 62,5 triệu đồng/lượng” - bà Thanh khoe.
“Vàng SJC có khả năng tiếp tục giảm giá nếu như giá vàng thế giới tiếp tục đi xuống và lực bán ra từ các ông lớn còn tiếp tục. Giá vàng cũng đang chịu tác động sau khi thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ xem xét sửa quy định tại Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng” - ông Hải nhận định.
Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia kinh tế, phân tích việc giá vàng SJC giảm mạnh có thể xuất phát từ ba lý do. Thứ nhất, có động thái bán ra với số lượng lớn từ các tổ chức hoặc doanh nghiệp trong nước. Thứ hai, các công ty vàng lớn đánh giá rằng thị trường đang theo xu hướng giảm nên không có lý do gì họ giữ giá và mua vào ở mức cao. Thứ ba, áp lực từ các đại biểu Quốc hội, báo chí xung quanh việc giá vàng SJC cao bất thường so với giá thế giới và cần phải sửa những quy định bất hợp lý để khắc phục tình trạng này.
Giảm nhưng vẫn quá đắt
Dù giảm sốc nhưng giá vàng SJC hiện vẫn rất cao so với vàng thế giới. Trong hai ngày qua, dù thị trường đã chứng kiến hai phiên lao dốc cực mạnh nhưng giá vàng SJC vẫn cao hơn vàng thế giới hơn 16 triệu đồng/lượng.
Một chuyên gia về vàng thừa nhận trong mấy chục năm gắn bó với nghề kinh doanh vàng, ông chưa từng thấy chỉ trong mấy giờ đồng hồ mà giá vàng SJC rớt đến 5-6 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, ngay cả khi rơi sâu như vậy mà khoảng cách chênh lệch giữa vàng miếng SJC với giá vàng thế giới vẫn còn khoảng 16 triệu đồng/lượng.
Điều này cho thấy giá vàng SJC lên xuống không theo quy luật thị trường vì tính độc quyền. Nó xuất phát từ một số điểm bất cập trong Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo nghị định này, NHNN được độc quyền sản xuất vàng miếng SJC. Nghị định này cũng cấm doanh nghiệp được phép nhập khẩu vàng, khiến chênh lệch giá trong nước và quốc tế ngày một nới rộng ra.
“Việc chỉ sử dụng một thương hiệu vàng miếng SJC độc quyền là không phù hợp với thông lệ quốc tế, không mang tính cạnh tranh. Hơn nữa, Nhà nước chỉ nên thực hiện vai trò quản lý thị trường vàng chứ không nên làm thay nhà kinh doanh. Tất cả hệ lụy nảy sinh từ bất cập của Nghị định 24 cuối cùng người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phải chịu. Tôi cho rằng đã đến lúc NHNN xem xét sửa Nghị định 24 theo hướng đa dạng hóa nguồn cung, cho nhập vàng nguyên liệu… nhằm kéo giảm chênh lệch giá vàng miếng SJC và vàng thế giới, trả vàng về đúng giá trị thực” - vị chuyên gia nêu quan điểm.
Tăng cường thanh tra các công ty vàng
Tại Nghị quyết 77 phiên họp thường kỳ tháng 5-2022, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng theo Nghị định 24/2012. Trong đó, yêu cầu cơ quan quản lý tiền tệ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kinh doanh vàng, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế vĩ mô. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm trên thị trường vàng, phải xử lý nghiêm.
Người dân đang theo dõi diễn biến giá vàng. Ảnh: THÙY LINH
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan để sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) liên quan việc quản lý và vận hành thị trường vàng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngành ngân hàng mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết cơ quan này sẽ nghiên cứu một cách thấu đáo và đặt ra lộ trình xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012 trong thời gian tới sao cho phù hợp. Qua đó để đạt mục tiêu lớn và vẫn bảo đảm nhu cầu thị trường đối với vàng miếng cũng như vàng trang sức.