Phiên giao dịch giữa tuần khép lại với đà tăng hai chữ số của giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới, đưa giá mặt hàng này đóng cửa trên mức 1.800 USD/ounce sau 6 phiên suy yếu liên tiếp.
Cụ thể, giá vàng giao ngay trên sàn New York đêm qua (theo giờ Việt Nam) đã tăng 11,1 USD, đóng phiên ở mức 1.804,6 USD/ounce. Đây cũng là mức giá cao nhất mà vàng vật chất đóng cửa trong hơn một tuần gần nhất.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với giá vàng giao ngay trên sàn Kitco khi tăng vọt từ mức 1.793,5 USD/ounce lên 1.803,3 USD hiện tại, tương đương mức tăng ròng 0,6% trong ngày.
Trên sàn Comex, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 12 hiện cố định ở mức 1.807,1 USD/ounce, cao hơn 12,7 USD so với phiên trước.
Theo ông Gary Wagner, chuyên gia phân tích giá vàng của Kitco, đà tăng giá của kim loại quý phiên giữa tuần có nguyên nhân trực tiếp từ báo cáo của Chính phủ Mỹ chỉ ra rằng chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) nước này đã tăng chậm hơn trong tháng 8.
Thanh khoản giao dịch vàng trong nước vẫn ở mức rất thấp do người dân và doanh nghiệp phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch. Ảnh: Chí Hùng. |
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 0,3% trong tháng 8, sau khi tăng 0,5% trong tháng 7, theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động nước này. Nếu tính trong 12 tháng gần nhất, chỉ số này đã tăng 5,3%.
Dù vẫn giữ xu hướng tăng nhưng mức tăng kể trên thấp hơn so với dự báo 0,4% trước đó của các nhà kinh tế Mỹ.
Báo cáo này đã gây áp lực giảm giá đồng USD trong phiên đêm qua. Bên cạnh đó, việc áp lực lạm phát giảm cũng khiến các nhà đầu tư kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ lùi thời gian giảm các chương trình mua tài sản hàng tháng.
Các yếu tố này đều tốt với giá vàng, và kim loại quý đã trở lại vùng 1.800 USD/ounce quan trọng sau hơn một tuần suy yếu.
Phiên giao dịch tích cực nhất một tuần gần đây của vàng thế giới cũng tác động tương tự lên giá vàng miếng trong nước, bất chấp thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp do người dân và doanh nghiệp đang phải giãn cách xã hội.
Cụ thể, trong phiên hôm nay (15/9), giá vàng miếng do Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết đã tăng 100.000 đồng so với cuối ngày 14/9, hiện phổ biến ở mức 56,65 - 57,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Đây cũng là mức giá cao nhất mà vàng miếng SJC ghi nhận trong một tuần qua.
|
Trong khi đó, giá vàng nhẫn 9999 do SJC chế tác hiện được mua vào với giá 50,75 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 51,65 triệu đồng/lượng, cũng tăng so với đầu tuần.
Tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), do không ghi nhận thanh khoản giao dịch vàng miếng nhiều ngày gần đây, giá mua - bán mặt hàng này hiện cố định ở mức 56,8 triệu/lượng (mua) và 57,6 triệu/lượng (bán).
Giao dịch chủ yếu tại PNJ hiện nay là các mặt hàng vàng do doanh nghiệp tự chế tác. Trong đó, giá mua vào ở mức 50,8 triệu/lượng, cao hơn 200.000 đồng so với hôm qua, nhưng giá bán ra vẫn cố định ở 52,7 triệu đồng/lượng.
Việc duy trì chênh lệch giá mua - bán lên tới 1,9 triệu đồng/lượng khiến người mua vàng PNJ thời điểm này sẽ chịu ngay khoản lỗ 3,6%.
Tương tự, giá vàng miếng tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI nhiều tuần gần đây không phát sinh giao dịch nên vẫn cố định ở 56,6 - 57,8 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện vào khoảng 49,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn các doanh nghiệp trong nước đưa ra từ 7,5 đến 8 triệu đồng.
Như vậy, người dân mua vàng trong nước thời điểm này không chỉ chịu khoản lỗ do chênh lệch giá mua - bán doanh nghiệp đưa ra mà còn chịu mức giá đắt hơn 15% so với thế giới.