Theo quy định, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào ngày 11/7. Việc áp dụng Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu cũng sẽ có hiệu lực từ ngày này, nên thời gian điều chỉnh giá cũng bắt đầu từ 0h thay vì 15h.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 5/7, xăng RON 92 trên thị trường Singapore có giá bình quân là hơn 138 USD/thùng, còn RON 95 là 147 USD/thùng. Dầu diesel cũng về mốc hơn 150 USD/thùng.
Có thể thấy, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới đã có xu hướng giảm so với chu kỳ trước. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới chu kỳ trước là 147,7 USD/thùng xăng RON 92; 154,8 USD/thùng xăng RON 95; 162 USD/thùng dầu hỏa; 167,4 USD/thùng diesel…
Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, mức giảm giá trong kỳ điều chỉnh ngày 12/7 là rất mạnh. Vừa giảm giá cơ sở vừa kết hợp giảm thuế bảo vệ môi trường, xăng có thể giảm ở mức 4.000 đồng mỗi lít, dầu cũng giảm 3.700 đồng mỗi lít.
Tuy nhiên theo vị này, khả năng cơ quan điều hành sẽ trích lập quỹ bình ổn ở kỳ này để cân đối lại quỹ nên mức giảm có thể sẽ thấp hơn dự báo nêu trên.
Ngày 6/7, với 100% ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ giảm thêm 1.000 đồng, với dầu là 500-700 đồng, áp dụng ngay ở kỳ điều chỉnh tới.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần, chủ yếu là tăng. Hiện giá xăng E5 RON 92 là 30.891 đồng/lít; xăng RON 95 là 32.763 đồng/lít; dầu diesel 29.615 đồng/lít; dầu hỏa 28.353 đồng/lít và dầu mazut 19.722 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, nỗi lo suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu thụ giảm khiến giá dầu thế giới xuống mức thấp nhất trong 2 tháng. Trong nước, giá bán lẻ xăng dầu tăng cao gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng.
Tại kỳ họp vừa diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, do tính chất quan trọng của xăng dầu nên vừa phải đảm bảo nguồn cung nguồn cung xăng dầu - đây là yếu tố then chốt, quyết định và vừa phải bình ổn giá.
Trường hợp giá xăng dầu tiếp tục biến động tăng cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý xem xét một số yếu tố trong điều hành. Một là tiếp tục xem xét để cắt giảm một số loại thuế và Chính phủ có đề xuất liên quan thuế giá trị gia tăng (VAT) thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Thứ hai, đó là thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Hiện nay thuế nhập khẩu có hai loại là thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các cam kết đối với các hiệp định thương mại tự do FTA và thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (MFN).
Ngoài việc cắt giảm thuế, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao các ngư dân đánh bắt thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người thu nhập thấp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại cuộc họp chiều 8/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đề nghị Bộ Tài chính xử lý nhanh giải pháp giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT nếu còn dư địa, tránh tác động lớn đến CPI.
Xăng dầu tuần qua có xu hướng giảm song Phó thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý không chủ quan, lơ là khi xung đột Nga - Ukraine chưa kết thúc. Nhu cầu khí đốt tại châu Âu sẽ tăng lên khi mùa đông tới, khiến giá xăng dầu tăng trở lại, trong khi nguồn cung phụ thuộc nhiều yếu tố...