Giá xi măng, thép tăng mạnh ở quý I/2022

12/04/2022 08:51

Trong quý I/2022, do ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu đầu vào trong sản xuất xi măng, thép... nên giá vật liệu xây dựng thiết yếu này có sự tăng giá; thậm chí thép ghi nhận tăng giá mạnh (tăng 3,5% so với quý IV/2021), theo thông tin từ Bộ Xây dựng

Giá thép ghi nhận tăng giá mạnh

Hiện cả nước có 90 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 106,6 triệu tấn/năm (thực tế có thể sản xuất 122 triệu tấn/năm). Thị trường xi măng cung vượt cầu ở mức cao. Bên cạnh áp lực dư cung, ngành xi măng còn đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào như:

Than, điện, vỏ bao, đặc biệt là xăng dầu... đều tăng. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng song giá than tăng mạnh. Trong quý I/2022, giá xi măng tăng từ 30.000-50.000 đồng/tấn, tăng 1-3% so với quý IV/2021 và tăng 11-15% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá xi măng, thép tăng mạnh ở quý I/2022 - Ảnh 1
Dây chuyền sản xuất Thép tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Về cát, đất đắp, đá xây dựng: Nhìn chung trong 2 tháng đầu năm, giá đất đắp và cát, đá xây dựng không có biến động nhiều, chủ yếu do các công trình xây dựng đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đang chuẩn bị khởi công và các công trình khác đang tái khởi động lại sau dịch Covid-19.

Giá đất đắp trung bình tại các mỏ là 35.000-40.000 đồng/m3, giá cát trung bình đến hiện trường công trình là 337.000 đồng/m3, giá đá trung bình đến hiện trường công trình là 224.000 đồng/m3. Tuy nhiên, hiện nay giá nhiên liệu đặc biệt là xăng dầu đang tăng cao do xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Vì vậy, dự báo trong quý II/2022 và trong thời gian tới sẽ có sự tăng giá đối với các loại vật liệu này.

Giá thép xây dựng trong nước quý I/2022 có xu hướng tăng mạnh trước ảnh hưởng thị trường thép thế giới và xu thế tăng của các nguyên liệu đầu vào sản xuất thép. Cụ thể, bắt đầu từ giữa tháng 2/2022 đến nay, giá thép xây dựng trên cả nước đã bắt đầu tăng mạnh (từ 600-1.200 đồng/kg). Tính đến ngày 14/3/2022, giá thép lần lượt tăng so với giá tại thời điểm tháng 2/2022 và tháng 1/2022 là 3,5% và 7,5%. Đến nay, giá thép chưa có dấu hiệu giảm xuống.

Giá thép xây dựng các loại hiện nay khoảng 18.600-20.600 đồng/kg tại các khu vực Bắc, Trung, Nam (giá thép tròn tại nhà máy trung bình sau thuế VAT của Hòa Phát, miền Nam, Việt Nhật lần lượt là 18.300 đồng/kg, 18.600 đồng/kg, 19.000 đồng/kg; giá thép hình các loại trung bình khoảng 20.600 đồng/kg). Trung bình quý I/2022, giá thép xây dựng các loại khoảng 18.890 đồng/kg, tăng 3,5% so với quý IV/2021.

Bộ Xây dựng cho biết, đang đánh giá tác động của tình hình căng thẳng, xung đột tại Ukraine tới diễn biến giá cả tăng của một số loại vật liệu xây dựng; cũng như tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng nhằm có giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu.

Lý giải việc giá mặt hàng thép liên tục tăng ''phi mã''

Từ giữa năm 2021, việc giá mặt hàng thép liên tục tăng ''phi mã'', Bộ Công Thương đã lý giải do phụ thuộc vào lượng nhập khẩu và giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, dẫn đến giá thành sản phẩm thép các loại của Việt Nam đều thay đổi theo thị trường thế giới.

Trong thời gian qua, giá thép tăng cao gây ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất sử dụng sản phẩm thép.

Vấn đề này được ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, cùng với biến động của giá nguyên liệu đầu vào thì giá thành phẩm thép trên thế giới tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến giá thành của mặt hàng này.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, trong thời gian vừa qua, nhất là thời điểm từ cuối năm 2020, 4 tháng đầu năm và cho đến thời điểm hiện nay giá thép tăng cao. Phải nói là trong vòng 7-10 năm nay, kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, mới lại thấy có hiện tượng như thế này. Không riêng gì Việt Nam, giá thành phẩm thép cũng như nguyên liệu đầu vào của thép tăng toàn cầu.

Giá nguyên liệu sản xuất thép và giá thép đã tăng liên tục từ cuối năm 2020 và tăng với tốc độ phi mã trong quý II/2021. Giá quặng nguyên liệu đã tăng trên 220 USD/tấn vào ngày 10/5/2021, phá vỡ kỷ lục cũ là 194 USD/tấn cách đây hơn 1 thập kỷ, giá thép phế đã tăng gần gấp đôi trong vòng hơn 9 tháng qua.

Giá xi măng, thép tăng mạnh ở quý I/2022 - Ảnh 2
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp, Bộ Công Thương. (Ảnh: Đức Duy)

Ngoài ra các nguồn nguyên liệu đầu vào khác cũng tăng từ 15 đến 20%, là nguyên nhân chính dẫn đến tăng giá bán thép thành phẩm nói chung.

Cụ thể, chúng ta đang phải phụ thuộc vào những nguồn nguyên liệu nào cho sản xuất thép, và tỷ lệ như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Đối với quặng sắt, Việt Nam đang phải nhập khẩu 80-85%, thậm chí có những thời điểm phải nhập tới 90%.

Trong cơ cấu sản xuất thép xây dựng, với khoảng 14 triệu tấn hiện nay, chúng ta đang dùng 60% công nghệ lò cao (sử dụng nguyên liệu chính là quặng sắt) còn công nghệ lò điện là 40% (sử dụng nguồn nguyên liệu là thép phế)  cũng đang phải nhập khoảng 50-60%.

Mặc dù các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Formosa đã cơ bản chủ động được sản xuất than cốc nhưng than mỡ vẫn phải nhập khẩu; trong khi điện cực thì ta phải nhập khẩu 100%.

Ngày 11/5/2021, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2612/BCT-CN gửi Hiệp hội thép Việt Nam và các doanh nghiệp, các nhà sản xuất thép lớn trong nước; trong đó có một số nội dung liên quan đến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về bình ổn thị trường thép.

Bạn đang đọc bài viết "Giá xi măng, thép tăng mạnh ở quý I/2022" tại chuyên mục Giá cả. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).