'Giấc mơ Mỹ' bay màu?

18/06/2022 16:27

Đại dịch Covid-19, chi phí sinh hoạt cao, sự chia rẽ chính trị gia tăng và thảm họa khí hậu hoành hành đang gây ra cảm giác bất ổn nói chung đối với người dân ở Mỹ

"Giấc mơ Mỹ" từng được định nghĩa là có một công việc lý tưởng, sở hữu một căn nhà lớn và ôtô riêng. Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi khi đại dịch Covid-19 ập đến, thị trường bất động sản không ngừng tăng giá, cuộc khủng hoảng giá xăng và ôtô đã qua sử dụng trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục trong 40 năm qua ở Mỹ.

Khi người Mỹ... di cư

Khi cuộc sống ở nền kinh tế số 1 thế giới trở nên căng thẳng và đắt đỏ hơn, nhiều công dân Mỹ đã đầu tư vào "Golden Visa" (Thị thực vàng), bằng cách mua căn nhà thứ hai ở một quốc gia khác, qua đó người mua có hộ chiếu thứ hai hoặc cơ hội trở thành công dân quốc gia đó.

Báo cáo mới có tiêu đề "Làn sóng di cư của người Mỹ" của Công ty Hộ chiếu Get Golden Visa dự báo năm 2022 sẽ là "năm bận rộn nhất". Báo cáo cho thấy vấn đề chính trị, hạn chế đi lại, chi phí sinh hoạt cao hơn và mong muốn làm việc từ xa ở nước ngoài đã khiến giới siêu giàu tìm kiếm tấm hộ chiếu thứ hai với giá dao động từ 280.000 - 500.000 euro (tương đương từ 6,8-12,2 tỉ đồng).

Ông Murat Coskun, giám đốc Công ty Get Golden Visa, nói với tạp chí Fortune rằng ông dự đoán "cơn sốt thị thực vàng" diễn ra trong năm nay, với việc cả những người không giàu có cũng bắt đầu tìm kiếm tấm hộ chiếu thứ hai.

Những yêu cầu để có được tấm hộ chiếu thứ hai tùy thuộc vào chương trình và quốc gia được lựa chọn, trong đó Bồ Đào Nha đang là điểm đến được nhiều người Mỹ cân nhắc. Để có hộ chiếu Bồ Đào Nha, người nộp đơn phải đầu tư vào bất động sản, một loại quỹ cụ thể hoặc quyên góp một khoản tiền nhất định để đổi lấy giấy phép cư trú và cuối cùng là quyền công dân.

Một khách hàng mua sắm trong siêu thị khi lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến giá tiêu dùng ở TP Los Angeles, bang California - Mỹ hôm 13-6. Ảnh: REUTERS

Ông Coskun cho biết nhiều người Mỹ không từ bỏ quốc tịch của họ và chỉ xem chương trình này là kế hoạch B. "Họ không có ý định sống ở Bồ Đào Nha hầu hết thời gian nhưng họ muốn có sự lựa chọn, họ muốn sự linh hoạt về địa lý" - ông Coskun giải thích.

Xu hướng đó lan rộng trên khắp nước Mỹ sau khi các cuộc bầu cử và thông tin về những tranh cãi chính trị thúc đẩy từ khóa "Tôi sắp chuyển đến Canada" phủ sóng mạng xã hội Twitter. Theo trang CanadaVisa, hàng chục ngàn người chuyển đến Canada để theo đuổi cơ hội việc làm và giáo dục, bao gồm hơn 10.000 người nhập cư từ Mỹ mỗi năm.

Nhất thời hay tất yếu?

Theo báo cáo của Get Golden Visa, bất ổn xã hội và chính trị là động lực hàng đầu cho những người nộp đơn xin thị thực, chiếm tỉ lệ 42%. Ông Coskun tiết lộ Get Golden Visa đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về số lượng người nộp đơn thuộc cả 2 đảng chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Vấn đề lạm phát và làm việc từ xa đã và đang giúp cho thị thực vàng không ngừng được săn đón, trở thành lý do ra đi của hơn 1/4 người nộp đơn tiềm năng từ Mỹ được ghi nhận trong báo cáo của Get Golden Visa.

Ông Coskun cũng chỉ ra rằng việc nghỉ hưu sẽ dễ dàng hơn ở các quốc gia có bảo hiểm y tế rẻ hơn. Get Golden Visa ghi nhận những người nộp đơn là dân du mục kỹ thuật số (chỉ những người làm việc từ xa bằng công nghệ kỹ thuật số), điều này có thể là dấu hiệu lâu dài cho mô hình làm việc tại nhà (hoặc làm việc từ châu Âu).

Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn ở những quốc gia này, nơi người dân làm việc ít giờ hơn người Mỹ, là một điểm hấp dẫn khác trong khi việc cư trú ở nước ngoài giúp giới siêu giàu đa dạng hóa các khoản đầu tư. Dù vậy, định cư ở nước ngoài không đồng nghĩa với việc giảm thuế, bởi Mỹ là một trong số ít quốc gia áp dụng thuế trên toàn cầu đối với thu nhập của công dân Mỹ, bất kể họ ở đâu.

Rất khó để biết liệu sự quan tâm ngày càng gia tăng dành cho tấm hộ chiếu thứ hai sẽ là trào lưu nhất thời hay xu thế tất yếu. Theo ông Coskun, người Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm hộ chiếu thứ hai trong những năm tới bất chấp sự thu hút ban đầu chỉ gắn liền với đại dịch và bất ổn xã hội, bởi tính linh động trên toàn cầu sẽ phổ biến hơn.

"Giờ đây, mọi người đều biết rằng có thể làm việc từ xa" - ông nói. Chính vì vậy, từ chỗ từng là biểu tượng địa vị trong giới thượng lưu, thị thực vàng giờ đây dễ tiếp cận hơn đối với tầng lớp trung lưu.

Bạn đang đọc bài viết "'Giấc mơ Mỹ' bay màu?" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).