Khổ vì nợ đọng
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho hay, hiện có quá nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý, đặc biệt trong khâu thanh quyết toán, dẫn đến tình trạng phần lớn các nhà thầu bị nợ đọng, đặc biệt ở khoảng giá trị khối lượng còn lại từ 20 – 25% dự án.
Chủ tịch VACC thông tin, nhiều dự án đã đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng chưa thể quyết toán, trong khi các nhà thầu vẫn phải chịu lãi suất cao từ nguồn vốn vay ngân hàng, dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Trong khi đó, việc thương thảo hợp đồng, thế thượng phong luôn nằm ở phía chủ đầu tư, doanh nghiệp nhà thầu khó có thể đưa ra được những điều khoản có lợi cho mình.
Thực trạng được VACC chỉ ra rằng nhiều nhà thầu đánh giá 70 - 75% chủ đầu tư đúng đắn, hỗ trợ thương lượng, nhất là thời Covid-19, nhưng phần còn lại là không có năng lực, nên chây ỳ.
Ghi nhận thực trạng trên, ông Hoàng Ngọc Tú, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Delta chia sẻ rằng công tác nghiệm thu, thanh - quyết toán chủ yếu phụ thuộc vào ý chí của các chủ đầu tư.
“Dù đã có những quy định trong điều khoản của hợp đồng, nhưng dù việc chậm tiến độ dự án do lỗi của chủ đầu tư vẫn không được giải quyết rõ ràng, triệt để làm ảnh hưởng lớn đến chi phí thực hiện dự án của nhà thầu” – ông Tú nói.
Với dự án công, lãnh đạo Delta cho hay vẫn còn nợ đọng tại dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ 12 năm. Trong khi đó với dự án tư nhân như Discovery Complex 302 Cầu Giấy và Riverside Garden 349 Vũ Tông Phan cũng nợ đọng 4 năm chưa thanh toán.
Tương tự, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng chia sẻ có những khoản nợ đọng tới 10 năm, gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Tính đến 31/3/2022, tổng số nợ phải thu của doanh nghiệp này lên đến 1.539 tỷ đồng. Trong đó, nợ từ các dự án vốn nhà nước là 1.004 tỷ đồng, tư nhân là 535 tỷ đồng. Nợ từ 1 - 3 năm là 506 tỷ đồng, từ 3 - 5 năm là 539 tỷ đồng, trên 5 năm là 149 tỷ đồng.
Thậm chí, chia sẻ trước đó, đại diện Tập đoàn Hòa Bình cũng “khổ sở” nhiều lần gửi văn bản yêu cầu thanh toán và đề nghị tổ chức họp để xử lý các khoản tồn đọng. Tuy nhiên, chủ đầu tư luôn cố tình trốn tránh nghĩa vụ, nhiều lần yêu cầu hoãn, không tôn trọng tinh thần hòa giải.
Muôn khó bủa vây
Nợ đọng là thế, nhưng lãnh đạo VACC cho biết, nhà thầu có cái khó trong đàm phán với chủ đầu tư bởi nếu nhà thầu kiện, sẽ bị mang tiếng, khó trúng thầu trong các công trình sau đó, dễ đi đến tình trạng thiếu việc làm. Mà nếu được xử thắng thì việc đảm bảo thi hành án thế nào cũng là điều đáng băn khoăn.
Thậm chí, ông Trần Phước Tuấn - Chủ tịch VACC miền Trung còn cho biết, các đơn vị bán vật tư, vật liệu rất ngại bán cho các nhà thầu.
“Nhiều đơn vị mới năm trước còn làm ăn khá, đến thời điểm này đã thua lỗ, nợ nần, phá sản, nhiều công trình dở dang, mà thực sự nguyên nhân không phải lỗi hoàn toàn của doanh nghiệp", ông Tuấn cho hay.
Trăn trở với bài toán “giải cứu” nhà thầu xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị cần thống kê những chủ đầu tư nào chây ỳ, không nghiêm chỉnh thì công bố, công khai trên trang website của các Sở Kế hoạch và Đầu tư…
Theo ông Hiệp, việc công bố để các chủ đầu tư chây ỳ hết cửa quay lại tỉnh đó. Đó là biện pháp tháo gỡ, làm chủ đầu tư nghiêm túc hơn. "Nếu cơ quan chức năng không làm, Hiệp hội nhà thầu sẽ cân nhắc tự làm. Có danh sách đen của nhà thầu thì cũng cần công bằng là có danh sách đen chủ đầu tư chây ỳ", ông nói.