Phát triển đô thị còn nhiều hạn chế về quy hoạch
Đô thị xanh thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả bền vững, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị.
Hiện nay, việc phát triển đô thị còn nhiều hạn chế như vấn đề quy hoạch chưa phù hợp, sự gia tăng dân số, kinh tế đô thị trong quy hoạch... Các giải pháp nào để khắc phục? Đây là vấn đề đặt ra tại Hội thảo "Kinh tế đô thị trong quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam" do Viện nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị tổ chức chiều 15/11. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi Hội nghị Đô thị toàn quốc Việt Nam năm 2022 và thực hiện Nghị quyết số 06/2022 của Bộ Chính trị.
Với tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam hiện nay đã đạt khoảng 40% với hơn 860 đô thị. Tuy nhiên, tại hội nghị này, nhiều ý kiến chỉ ra rằng vẫn còn nhiều hạn chế như: phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp, cần đẩy mạnh phát triển mô hình đô thị xanh và thông minh và chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế.
Cùng với đó, một vấn đề quan trọng khác là cần có hệ thống các chỉ tiêu đánh giá thực trạng các nhân tố làm tăng trưởng kinh tế đô thị, từ đó, mới có thể giúp đánh giá thực trạng tăng trưởng kinh tế đô thị tốt hơn.
Kết quả của nghiên cứu kinh tế đô thị là căn cứ quan trọng phục vụ cho công tác quy hoạch đô thị và quản lý đô thị. Thông qua nghiên cứu bản chất, quy luật những mối quan hệ kinh tế ở đô thị, các nhà quản lý kinh tế sẽ đưa ra các biện pháp, chính sách phù hợp để quản lý đô thị trên các phương diện hành chính, kinh tế, xã hội.
Chuỗi sự kiện của Hội nghị đô thị toàn quốc 2022 còn có hội thảo chuyên đề khác như phát triển hệ thống hạ tầng về chỉnh trang tái thiết đô thị; cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam.
Đại đô thị - Xu hướng mới của thị trường bất động sản
Khi quỹ đất tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang dần cạn kiệt, việc các doanh nghiệp bất động sản phải đi xa hơn để phát triển các dự án mới là điều tất yếu. Tuy nhiên, để thu hút cư dân, các chủ đầu tư buộc phải xây dựng các đô thị quy mô lớn, phức hợp đa chức năng. Đây cũng là một xu hướng mới trong việc phát triển đô thị tại Việt Nam.
Tại TP.HCM, các dự án đại đô thị có diện tích vài trăm đến 1.000 ha hầu hết đều tập trung ở TP.Thủ Đức, Nhà Bè hoặc các tỉnh lân cận như Đồng Nai. Theo ghi nhận của các sàn giao dịch bất động sản, các đại đô thị này không chỉ thu hút được lượng lớn cư dân tại TP.HCM dịch chuyển nơi ở, mà còn được nhiều nhà đầu tư đến từ phía Bắc quan tâm.
Trước đây, các dự án bất động sản chủ yếu chỉ có tiện ích nhà ở, sau đó chủ đầu tư nâng cấp lên thành các tiện ích trong khuôn viên như: hồ bơi, khu vui chơi trẻ em, khu tập gym… Thế nhưng, đại diện một tập đoàn đầu tư địa ốc cho biết, hiện nay nhu cầu của cư dân về tiện ích tại các đại đô thị đang ngày càng cao hơn.
Theo cà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho hay: "Tiện nghi tiện ích không chỉ trong khuôn viên của toà nhà, mà nó trong khuôn viên của cả một dự án to. Họ sẽ rất vui nếu trong khuôn viên của dự án có trường học mẫu giáo, có đại siêu thị…".
Đại đô thị là sân chơi lớn mà ở đó đòi hỏi những doanh nghiệp phải thực sự có năng lực tài chính, năng lực phát triển và quản lý dự án. Bởi phải mất lên tới hàng chục năm mới có thể hình thành được một dự án có quy mô tầm cỡ. Tuy nhiên bù lại họ có thể phát triển số lượng sản phẩm lớn, từ đó tăng quy mô khách hàng và lợi nhuận.
Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị. Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.