Lợi nhuận giảm sâu dù giảm trích lập dự phòng
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - mã TPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với thu nhập lãi thuần đạt 2.729 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được đưa ra là do lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong khi lãi suất huy động kỳ hạn dài vẫn ở mức tương đối cao khiến chi phí lãi tăng mạnh trong nửa đầu năm 2023.
Trong quý 2, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 9,2% so với cùng kỳ, xuống mức 162,6 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng giảm 48,3% so với cùng kỳ, xuống còn 237,7 tỷ đồng. Ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ghi nhận mức tăng 18% so với cùng kỳ lên 803,6 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động của TPBank lại tăng 9,5% so với cùng kỳ lên gần 1.931 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh 29% so với quý 2 năm ngoái, xuống còn gần 1.987 tỷ đồng. Nhà băng này đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 368 tỷ đồng trong quý 2, giảm gần 43% so với cùng kỳ.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế của TPBank vẫn giảm mạnh hơn 25% so với cùng kỳ, xuống mức 1.618 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm đạt hơn 3.383 tỷ đồng, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, ngân hàng mới thực hiện được gần 39% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Chất lượng tín dụng đi xuống, nợ xấu tăng vọt
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của TPBank đạt 343.406 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng chiếm 177.113 tỷ đồng, tăng 10% so đầu kỳ. Đáng chú ý, chất lượng tín dụng của nhà băng này đã đi xuống rõ rệt với tổng nợ xấu tại thời điểm 30/6 lên đến 3.913 tỷ đồng, tăng vọt 188% so với đầu năm.
Trong cơ cấu tín dụng tại thời điểm cuối quý vừa qua của TPBank, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng gấp 5,6 lần lên gần 2.147 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nhóm 4) cũng tăng mạnh gấp 2,4 lần lên 1.129 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 26% lên 636 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng theo đó tăng mạnh từ mức 0,84% vào đầu năm lên mức 2,21% vào cuối quý 2/2023.
Thời điểm 30/6, tiền gửi khách hàng của TPBank đã tăng 2,1% so với đầu năm, lên mức 199.127 tỷ đồng. Trong đầu năm 2023, ngân hàng cũng đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên mức 22.016 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 39,19%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel III duy trì ở mức trên 11%.
Năm 2023, TPBank lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt mức 8.700 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước, tổng tài sản dự kiến tăng 7% lên 350.000 tỷ đồng, nguồn vốn huy động thị trường 1 ước tăng 6% lên 306.960 tỷ đồng. Mục tiêu đạt tỷ lệ an toàn vốn 12,6% và tỷ lệ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức thấp.