Thị trường vẫn chưa thoát khỏi trạng thái ảm đạm trong những phiên giao dịch gần đây. VN-Index liên tục phá đáy của năm và trong phiên sáng nay ngày 15/11, chỉ số này đã có thời điểm rớt về sát ngưỡng 900 điểm trước khi bật hồi đôi chút về cuối phiên.
Diễn biến phiên chiều cũng không có nhiều biến chuyển khi áp lực bán tháo vẫn diễn ra ồ ạt khiến thị trường chìm trong sắc đỏ với hàng trăm mã nằm sàn, thậm chí, có thời điểm chỉ số VN-Index đe dọa vùng giá 900 điểm.
Mặc dù thực tế, thị trường tăng mạnh thì sẽ có giảm, đó là quy luật và không có gì là tăng mãi mãi, nhưng với diễn biến thị trường liên tục giảm mạnh vừa qua, dường như tâm lý nhà đầu tư đang ngày càng tiêu cực hơn.
Điều gì có thể ngăn thị trường rơi lúc này đang là niềm hy vọng của giới đầu tư. Có thể những biện pháp can thiệp như trong lịch sử trước trước đây đã từng sử dụng vào năm 2008, khi VN-Index mất hơn 55% chỉ trong vòng 6 tháng có được tính đến?
Đóng cửa, sàn HOSE có 43 mã tăng và 429 mã giảm (208 mã giảm sàn), VN-Index giảm 29,14 điểm (-3,1%) xuống 911,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 692,34 triệu đơn vị, giá trị 9.797,2 tỷ đồng, giảm 6% về khối lượng và 10,87% về giá trị so với phiên hôm qua ngày 14/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 103,3 triệu đơn vị, giá trị 2.049 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng ảm đạm hơn khi có tới 11 mã giảm sàn, cùng 15 mã mất điểm chủ yếu trong biên độ khá lớn. Tuy nhiên, vẫn có những mã ngược dòng khởi sắc.
Trong đó, cổ phiếu lớn VIC tiếp tục đóng vai trò là má phanh khá tốt khi đóng cửa giữ mức tăng 3,6% lên 57.000 đồng/CP. Ngoài ra, một số mã hiếm hoi khác cũng ngược dòng thành công như HPG, MSN, TPB.
Đáng chú ý, trong khi thị trường tiếp tục rớt sâu, nhóm cổ phiếu thép cũng đi giật lùi, thì HPG là điểm sáng của ngành khi lấy lại đà hồi phục và nới rộng biên độ tăng. Đóng cửa, HPG tăng 2,5% lên vùng giá cao nhất ngày 12.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất đạt 40,42 triệu đơn vị.
Tương tự, ở dòng bank, cổ phiếu TPB là đại diện duy nhất “quay xe” thành công khi kết phiên tăng 1% lên mức giá cao nhất ngày 19.900 đồng/CP. Trong khi đó, nhiều mã khác trong ngành cũng không tránh khỏi bão với BID, MBB, VPB, EIB, SHB, LPB đều đóng cửa giảm sàn, với EIB dư bán sàn lên tới hơn 42,92 triệu đơn vị.
Ở nhóm bất động sản, bên cạnh anh cả VIC khởi sắc, một số mã hiếm hoi đảo chiều tăng khá tốt như LGC, IJC với mức tăng trên dưới 5%, hay KBC nhích nhẹ, còn lại sắc xanh lam cũng la liệt. Điển hình một số mã vẫn dư bán sàn chất đống như PDR là 76,42 triệu đơn vị, DIG là 20,26 triệu đơn vị, HPX là 15,13 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu song hành cùng thị trường là chứng khoán cũng không thoát khỏi tình trạng chung. Trong đó, VCI tiếp tục dư bán sàn tới hơn 6,21 triệu đơn vị, ngoài ra có VIX, HCM, CTS, FTS, BSI, AGR cũng đều trong trạng thái trắng bên mua và dư bán sàn khá lớn.
Trên sàn HNX, thị trường tiếp tục nới rộng đà giảm điểm ở phiên chiều khi số mã giảm sàn vẫn không ngừng gia tăng.
Đóng cửa, sàn HNX chỉ có 26 mã tăng và 182 mã giảm (107 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 7,66 điểm (-4,18%), xuống 175,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 58,22 triệu đơn vị, giá trị 613,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,31 triệu đơn vị, giá trị gần 69 tỷ đồng.
Cổ phiếu TIG tiếp tục giữ vững đà tăng cả về giá và thanh khoản. Đóng cửa, TIG tăng 6,4% lên mức sát trần 5.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 1,25 triệu đơn vị.
Ngoài TIG, trong nhóm HNX30 còn có DDG giữ được mốc tham chiếu, còn lại đều giảm sâu, ngoại trừ duy nhất THD giảm nhẹ 0,5%. Trong đó, hơn 1/2 số mã này đã giảm sàn.
Trong top 10 mã thanh khoản tốt nhất thị trường, ngoại trừ TIG ngược dòng thành công, còn lại 9 mã đều đóng cửa tại mức giá sàn. Trong đó, cổ phiếu sôi động nhất là SHS khớp 11,88 triệu đơn vị, kết phiên giảm 10% về mức 5.400 đồng/CP và dư bán sàn xấp xỉ 4 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cặp PVS và IDC khớp trên dưới 5 triệu đơn vị, đều đóng cửa trong trạng thái dư bán sàn chất đống hơn 4,3 triệu đơn vị.
Các mã khác như CEO, TNG, HUT, MBS, AMV, IDJ có khối lượng khớp lệnh 1 đến vài triệu đơn vị cũng đều đóng cửa giảm sàn.
Một trong những mã đáng chú ý khác TIG là PVL cũng được dòng thành công khi đóng cửa giữ mức giá trần 1.700 đồng/CP và khớp lệnh 1,19 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần vài chục nghìn đơn vị.
Trên UPCoM, sắc đỏ cũng bao trùm phần lớn bảng điện tử.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 3,51 điểm (-5,25%), xuống 63,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 38,87 triệu đơn vị, giá trị 388,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,38 triệu đơn vị, giá trị 423,52 tỷ đồng.
Cặp đôi dầu khí là BSR và OIL đều đóng cửa giảm sàn với thanh khoản dẫn đầu thị trường, lần lượt đạt 9,25 triệu đơn vị và hơn 2,4 triệu đơn vị. Trong đó, BSR dư bán sàn lên tới hơn 6,16 triệu đơn vị.
Các mã đáng chú ý khác như C4G, ABB, VHG, TCI, VGT, SBS, DDV đều giảm sàn hoặc trên dưới 10%, với khối lượng khớp lệnh hơn 1-2 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm. Trong đó, VN30F2211 đáo hạn gần nhất giảm 37 điểm, tương đương -4% xuống 895 điểm, khớp lệnh hơn 533.660 đơn vị, khối lượng mở hơn 41.354 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, trong đó dẫn đầu thanh khoản là CMBB2211 khớp 7,65 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 50% xuống 30 đồng/CQ.
Đứng ở vị trí thứ 2 là CHPG2220 khớp hơn 2,74 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 50% xuống mức giá sàn 10 đồng/CQ.