Giao dịch chứng khoán phiên chiều 1/2: Xả hàng ồ ạt, thị trường chao đảo

01/02/2023 16:09

Trái ngược với phiên chiều qua, bước vào phiên chiều nay, lực bán ồ ạt được tung vào, đặc biệt là trong 5 phút từ 14h15 đến 14h20 đã khiến thị trường chao đảo. Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện một vài điểm sáng, trong đó phải kể đến như HDB, NVL.

Trong phiên sáng, thị trường biến động trong biên độ hẹp, nhưng VN-Index đóng cửa giảm nhẹ do lực bán chốt lời sớm diễn ra ở một số nhóm.

Bước vào phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn diễn ra bình lặng trong 50 phút giao dịch đầu tiên, thậm chí VN-Index đã hồi trở lại tham chiếu khi lực cầu túc tắc gom hàng ở một số mã. Tuy nhiên, từ 13h50, lực bắt đầu được tung mạnh vào thị trường, đẩy VN-Index quay đầu giảm trở lại, xuống dưới ngưỡng 1.100 điểm, sau đó được kéo trở lại lên trên ngưỡng này. Tuy nhiên, ngay khi lực cầu bắt đáy bắt đầu hoạt động với kỳ vọng mua vào các mã đang giảm sâu thì lực cung ồ ạt được tung vào thị trường. Chỉ trong vòng 5 phút từ khoảng 14h15 đến 14h20, lực xả hàng ồ ạt với mức giá mỗi lúc một thấp đã đẩy VN-Index mất hơn 30 điểm với khoảng 135 triệu đơn vị dư mua được hấp thụ trên sàn HOSE. Lực bán mạnh diễn ra ở nhóm bất động sản, chứng khoán sau đó lây lan ra khắp bảng điện tử khi tâm lý sợ hãi lấn át lòng tham, kéo nhiều cổ phiếu tăng tốt trong phiên sáng cũng quay đầu giảm như GAS, HPG, HSG… Trong khi đó, nhóm bất động sản, chứng khoán chứng kiến nhiều mã bị đẩy xuống mức kịch sàn.

Lực cầu bắt đáy sau đó giúp chặn đà giảm của thị trường trước khi bước vào đợt khớp lệnh giá đóng cửa (ATC). Tuy nhiên, trong đợt ATC, lực cầu bắt đáy không thấm vào đâu với lực cung bán ra bằng mọi giá, khiến VN-Index bị đẩy trở lại, xuống mức sâu hơn, đóng cửa ở mức đáy của ngày, về gần với đường MA20, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất hơn 1 tháng, trong khi thanh khoản ở mức cao nhất gần 2 tháng.

Chốt phiên, VN-Index giảm 35,21 điểm (-3,17%), xuống 1.075,97 điểm với 89 mã tăng, trong khi có tới 351 mã giảm, trong đó 41 mã giảm kịch sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.030 triệu đơn vị, giá trị 17.623 tỷ đồng, tăng 38% về khối lượng và hơn 30% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 55,8 triệu đơn vị, giá trị 1.230 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng, chỉ còn HDB và VIB giữ được sắc xanh, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, LPB giảm kịch sàn xuống 13.800 đồng, VPB cũng giảm 5,9% xuống 18.300 đồng, STB giảm 5,4% xuống 25.650 đồng, TPB giảm 5,2% xuống 23.700 đồng, BID phiên sáng còn có sắc xanh, chốt phiên cũng giảm mạnh 5,1% xuống 42.800 đồng. Ngoài ra, CTG giảm 4,9% xuống 29.000 đồng, TCB giảm 4,1% xuống 28.200 đồng, OCB giảm 3,7% xuống 18.100 đồng, MSB cũng giảm 3,7% xuống 13.000 đồng, SHB giảm 3,6% xuống 10.600 đồng, MBB cũng mất 3,3% xuống 18.900 đồng, ACB giảm 3,3% xuống 25.200 đồng, “anh cả” cũng mất tới 3,1% xuống 89.100 đồng. Hai mã giảm còn lại là EIB giảm 1,2% xuống 25.700 đồng và SSB giảm 0,7% xuống 33.550 đồng.

Trong khi VIB dù giữ được sắc xanh, nhưng cũng chỉ màu xanh le lói với mức tăng 0,2% lên 23.600 đồng.

Tích cực nhất nhóm ngân hàng chính là HDB. Bất chấp áp lực bán ra mạnh mẽ từ các mã ngân hàng, nhưng HDB vẫn đứng vững với mức tăng tốt 1,9% lên 19.000 đồng. Cổ phiếu này đã phát tín hiệu tăng từ tuần cuối trước kỳ nghỉ Tết và duy trì đà tăng sau Tết Nguyên đán với 4 phiên tăng liên tiếp. Nếu so với mức giá khi bước vào tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, HDB đã tăng hơn 14% với thanh khoản khoảng 2 triệu đơn vị mỗi phiên.

Theo kết quả kinh doanh vừa công bố, trong năm 2022, HDBank đạt lợi nhuận 10.268 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 105% kế hoạch cổ đông giao. Mảng dịch vụ tăng trưởng cao, các chỉ tiêu an toàn và hiệu quả hoạt động trong nhóm dẫn đầu.

Lãnh đạo HDBank cho biết, trong giai đoạn 5 năm sắp tới, ngân hàng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trung bình trên 25%/năm, tiếp tục khẳng định năng lực đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán không còn sắc xanh nào, chỉ có APG may mắn giữ mức tham chiếu, còn lại đều giảm, trong đó có hàng loạt mã giảm sàn như VND, HCM, BSI, VIX, CTS, VCI, FTS, còn SSI dù thoát mức sàn, nhưng cũng giảm tới 6,7% xuống 20.150 đồng.

Nhóm thép cũng đồng loạt quay đầu, trong đó NKG còn về hẳn mức sàn 14.800 đồng, còn HPG giảm 4,5% xuống 21.100 đồng, HSG giảm 5,5% xuống 14.650 đồng, TLH giảm 5% xuống 6.990 đồng…

Nhóm bất động sản cũng chứng kiến hàng loạt mã quay đầu giảm giá, số mã tăng chỉ đếm được trên 2 đầu ngón tay, trong đó sắc tím tại HPX và KHG đã biến mất, dù trước khi bước vào giờ nghỉ trưa còn dư mua sàn hàng triệu đơn vị. Trong đó, KHG tăng 6,5% lên 5.270 đồng, còn HPX chỉ còn tăng 0,6% lên 5.300 đồng. Giữ phong độ ổn định là NVL với mức tăng 2,5% lên 14.550 đồng, trong khi PDR cũng chỉ còn tăng nhẹ 0,4% lên 13.900 đồng. Có lúc cả NVL và PDR đều đã được kéo lên mức trần, nhưng lực cung mạnh sau đó đã khiến cả 2 mã hạ độ cao.

Ở chiều ngược lại, hàng loạt mã bị đẩy xuống mức sàn như DXG, IJC, HTN, NTL, FCN, ITA, CII, DIG, VCG, HDC, SZC, NBB, LHG, LDG, SCR, CTD, DRH. Các mã khác dù không giảm sàn, nhưng cũng giảm biên độ lớn là HBC, KBC, HQC…

Nhóm Vingroup cũng nới đà giảm với VHM và VRE cùng giảm 5,7% xuống 48.000 đồng và 28.000 đồng, còn VIC giảm 3,3% xuống 55.200 đồng.

Các mã bluechip giảm mạnh khác có GVR giảm sàn xuống 15.550 đồng, MSN giảm 5,8% xuống 95.200 đồng. Trong khi ngoài HDB, NVL, thị trường còn nhận được sự hỗ trợ từ một số mã bluechip khác, dù không lớn, như GAS, MWG, VNM, trong đó GAS hãm đà giảm khá lớn khi chỉ còn tăng 0,3% lên 106.600 đồng, thậm chí có lúc còn bị đẩy xuống dưới tham chiếu.

Về thanh khoản, HPG vẫn giữ vị trí số 1 với 51,9 triệu đơn vị, tiếp đến là VND khớp 47,9 triệu đơn vị, NVL 33,6 triệu đơn vị, VPB với 32,2 triệu đơn vị, HSG khớp 31,4 triệu đơn vị, HPX khớp 27,8 triệu đơn vị, NKG khớp 26,8 triệu đơn vị, SSI khớp 26,6 triệu đơn vị. Các mã khớp trên dưới 20 triệu đơn vị có SHB, DXG, VIX, GEX, DIG, HAG, PDR.

Ảnh hưởng từ sàn HOSE, các nhà đầu tư trên sàn HNX cũng không thể giữ được sự bình tĩnh và cũng đua nhau bán ra cùng thời điểm sàn HOSE bị bán tháo, khiến HNX-Index cũng lao dốc theo.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 6,42 điểm (-2,89%), xuống 216,01 điểm với 54 mã tăng và 123 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 131,8 triệu đơn vị, giá trị 1.957 tỷ đồng, tăng 49% về khối lượng và 48% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,7 triệu đơn vị, giá trị 88,8 tỷ đồng.

Các mã đáng chú ý trên sàn HNX đều bị bán tháo và đồng loạt lao dốc, trong đó CEO bị đẩy xuống mức kịch sàn 22.200 đồng, khớp 15 triệu đơn vị. Trong khi SHS vẫn giữ được vị trí số 1 về thanh khoản với 34,3 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa cũng giảm 7% xuống 9.300 đồng.

Có giao dịch sôi động nữa là PVS với 7,86 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 6,3% xuống 24.000 đồng.

Các mã có thanh khoản trên 4 triệu đơn vị có IDC, HUT, TNG và MBS cũng đều đóng cửa trong sắc đỏ, dù phiên sáng HUT và TNG tăng tốt. Trong đó, HUT đóng cửa giảm 8,3% xuống 15.400 đồng.

NRC phiên sáng tăng tốt, thậm chí có lúc tăng trần lên 5.200 đồng, nhưng đóng cửa phiên chiều giảm 2,1% xuống 4.700 đồng, khớp 3,85 triệu đơn vị.

Trong các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị hôm nay trên HNX chỉ có 2 mã tăng giá và đều tăng trần là AAV lên 5.300 đồng và TC6 lên 7.500 đồng, còn lại đều giảm trong đó ngoài CEO, còn có 3 mã nữa giảm sàn là PVC về 14.100 đồng, TAR về 12.600 đồng và BII về 2.300 đồng.

Diễn biến tiêu cực trên 2 sàn niêm yết cũng ảnh hưởng tới sàn UPCoM khi chỉ số chính của sàn này sau ít phút đầu cầm cự, đã lao theo 2 sàn niêm yết sau đó.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,9 điểm (-1,19%), xuống 74,93 điểm với 113 mã tăng và 155 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 53,5 triệu đơn vị, giá trị 662,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,5 triệu đơn vị, giá trị 10,5 tỷ đồng.

Cũng giống 2 sàn niêm yết, các mã đáng chú ý trên UPCoM đều giảm mạnh hôm nay. Trong các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, cũng chỉ có 2 mã tăng giá lúc đóng cửa là LCM tăng trần lên 2.700 đồng và VGT tăng nhẹ 0,9% lên 11.800 đồng, còn lại đều giảm.

Trong đó, BSR dẫn đầu về thanh khoản với 13,59 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,4% xuống 16.200 đồng, dù phiên sáng có sắc xanh. Tiếp đến là SBS khớp 4,68 triệu đơn vị, đóng cửa cũng quay đầu giảm 5,2% xuống 5.500 đồng, dù phiên sáng tăng 1,7%. VHG khớp gần 4 triệu đơn vị, đóng cửa trái ngược 180 độ với phiên sáng khi giảm 3,8% xuống 2.500 đồng. C4G khớp 3,67 triệu đơn vị, đóng cửa cũng giảm 5,7% xuống 11.600 đồng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm tương đương với thị trường cơ sở (giảm trên dưới 3,2% như VN30-Index). Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 2 giảm 36,5 điểm (-3,2%), xuống 1.088,5 điểm với 321.317 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 47.488 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, đóng cửa cũng chỉ còn 8 mã tăng, 6 mã đứng giá, còn lại đều giảm. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất và đột biến là CHPG2221 do SSI phát hành với 7,88 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 110 đồng. CHDB2208 do KIS phát hành có thanh khoản gần 2 triệu đơn vị và là một trong số mã hiếm hoi tăng giá lúc đóng cửa với mức tăng 11,4% lên 490 đồng. Ngoài ra, còn có thêm 4 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị đều do SSI và HSC phát hành và là chứng quyền của VHM, VPB, TCB và STB.

Bạn đang đọc bài viết "Giao dịch chứng khoán phiên chiều 1/2: Xả hàng ồ ạt, thị trường chao đảo" tại chuyên mục Giao dịch. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).