Gỗ Trường Thành (TTF) quay lại "vòng xoáy" thua lỗ, nâng lỗ lũy kế lên tới 3.044 tỷ đồng

02/08/2022 10:26

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE - Mã: TTF) đã quay trở lại lỗ trong quý II. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 10,78 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 42 tỷ đồng. Nâng lỗ lũy kế lên tới 3.044 tỷ đồng, bằng 74% vốn điều lệ.

Cụ thể, trong quý II/2022, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 622,89 tỷ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 10,78 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 42 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 16,4% về chỉ còn 12%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 4% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 2,9 tỷ đồng lên 74,72 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 991,2%, tương ứng tăng thêm 19,13 tỷ đồng lên 21,06 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 133,7%, tương ứng tăng thêm 19,04 tỷ đồng lên 33,28 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm tăng 91,3%, tương ứng tăng thêm 40,2 tỷ đồng lên 84,23 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 14,84 tỷ đồng lên 12,12 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 2,72 tỷ đồng) và các các hoạt động khác biến động không đáng kể.

ctcp-tap-doan-ky-nghe-go-truong-thanh-1659410406.jpg
CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF - sàn HoSE)

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý II, Công ty ghi nhận lỗ 42,79 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 13,55 tỷ đồng, tức giảm thêm 56,34 tỷ đồng.

Như vậy, hoạt động kinh doanh cốt lõi âm, Công ty chỉ giảm lỗ bằng việc ghi nhận doanh thu tài chính và lợi nhuận khác tăng đột biến.

Công ty thuyết minh doanh thu tài chính tăng đột biến chủ yếu do lãi tiền gửi cho cho vay ghi nhận 26,8 tỷ đồng so với cùng kỳ 0,56 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng chủ yếu do lãi tiền vay ghi nhận 30,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 15,5 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng chủ yếu ghi nhận dự phòng phải thu khó đòi 1,29 tỷ đồng so với cùng kỳ hoàn nhập 26,4 tỷ đồng.

Trái với lợi nhuận quý II lỗ trở lại, trước đó tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành đã đưa ra kịch bản tươi sáng khi cho rằng Công ty đã qua điểm hòa vốn, từ bây giờ là giai đoạn Gỗ Trường Thành tăng trưởng. Nếu không bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong năm 2021 thì báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đã đẹp hơn rất nhiều. Nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ là nhiệm kỳ tăng tốc của Gỗ Trường Thành.

Được biết, Gỗ Trường Thành vừa trải qua 4 quý liên tiếp có lãi. Trong đó, quý II/2021 lãi gần 42 tỷ đồng; quý III/2021 lãi 1,62 tỷ đồng; quý IV/2021 lãi 9,55 tỷ đồng; và quý I/2022 lãi 18,54 tỷ đồng.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu tài chính đạt 1.159,18 tỷ đồng, tăng 54,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng thêm 5,04 tỷ đồng lên 7,76 tỷ đồng. Như vậy, tính tới 30/6/2022, Gỗ Trường Thành vẫn còn lỗ lũy kế lên tới 3.044 tỷ đồng, bằng 74% vốn điều lệ.

Trong năm 2022, Gỗ Trường Thành đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.268,85 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72,76 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành được 10,7% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục âm trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh chính âm 33,7 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 76,76 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 61,4 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 9,83 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Như vậy, trong kỳ Công ty đã tăng huy động vốn bên ngoài bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Được biết, Gỗ Trường Thành vừa trải qua hai năm dòng tiền âm liên tiếp. Trong đó, năm 2020 ghi nhận âm 170,07 tỷ đồng và năm 2021, Công ty tiếp tục ghi nhận dòng tiền âm 252,92 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Gỗ Trường Thành tăng nhẹ 0,1% so với đầu năm lên 2.842,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 735,3 tỷ đồng, chiếm 25,9% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 655,7 tỷ đồng, chiếm 23,1% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 387,5 tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng tài sản; tài sản ngắn hạn khác đạt 380,4 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng tài sản và các tài sản khác.

Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý II, tổng nợ ngắn hạn là 2.334,1 tỷ đồng, tổng tài sản ngắn hạn là 1.977,8 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn 356,3 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa Công ty đang có sự mất cân đối dòng tiền khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho 356,3 tỷ đồng tài sản dài hạn.

Trên thị trường, tạm dừng phiên giao dịch sáng ngày 1/8, cổ phiếu TTF tạm dừng tại mức 7.950 đồng/cổ phiếu.

dien-bien-co-phieu-ttf-trong-3-thang-gan-day-1659410460.png
Diễn biến cổ phiếu TTF trong 3 tháng gần đây. Nguồn: CafeF

 

Quý I/2022 thoát lỗ nhờ hưởng lợi tỷ giá

 

Trong quý I/2022, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu tăng 71,7% so với cùng kỳ lên 536,29 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 18,54 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 39,28 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 108% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 38,86 tỷ đồng lên 74,83 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 783,5%, tương ứng tăng thêm 20,84 tỷ đồng lên 23,5 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 8%, tương ứng tăng thêm 1,92 tỷ đồng lên 26,03 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 4,6%, tương ứng tăng thêm 2,4 tỷ đồng lên 54,63 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2022, lợi nhuận cốt lõi tiếp tục lỗ 5,83 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 40,37 tỷ đồng. Như vậy, trong kỳ lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Công ty chỉ có lãi nhờ việc ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến.

Theo thuyết minh, doanh thu tài chính tăng đột biến do công ty ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá là 21,3 tỷ đồng so với cùng kỳ là 0,3 tỷ đồng. Như vậy, công ty thoát lỗ nhờ hưởng lợi tỷ giá.

Xét về dòng tiền, trong quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính quay lại âm 9,8 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 44,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 60,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 2,98 tỷ đồng.

Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của Gỗ Trường Thành giảm 2,1% so với đầu năm về 2.779,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 890 tỷ đồng, chiếm 32% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 441,7 tỷ đồng, chiếm 15,9% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 374,5 tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng tài sản; tài sản ngắn hạn khác đạt 362,9 tỷ đồng, chiếm 13,1% tổng tài sản và các tài sản khác.

Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý I/2022, tổng tài sản ngắn hạn là 1.886 tỷ đồng, nhỏ hơn nợ ngắn hạn là 2.258,7 tỷ đồng. Như vậy, công ty đang sử dụng khoảng 372,7 tỷ đồng nợ ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn và tạo sự mất cân đối kỳ hạn khi dùng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn.

 

Liên tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm huy động vốn

 

Mới đây, Gỗ Trường Thành đã công bố nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022. Trong đó, nhà sản xuất và chế biến gỗ này dự kiến chào bán riêng lẻ hơn 41,1 triệu cổ phiếu, tương đương 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành.

HĐQT Gỗ Trường Thành chốt giá chào bán cho mỗi cổ phiếu phát hành riêng lẻ là 11.000 đồng dựa trên chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH định giá Bến Thành Hà Nội thực hiện vào cuối tháng 6 vừa qua.

Với mức giá này, Gỗ Trường Thành dự kiến thu về 452,3 tỷ đồng sau giao dịch. Đáng chú ý, giá chào bán riêng lẻ kể trên của cổ phiếu TFF cũng cao hơn nhiều so với thị giá giao dịch trên thị trường chứng khoán, ở mức 8.120 đồng/cổ phiếu (cuối ngày 7/7).

Nhà đầu tư sẽ đứng ra mua toàn bộ lượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ này là Công ty CP Marina 2, một doanh nghiệp được thành lập vào tháng 10/2018, có trụ sở tại tầng 9, Tòa nhà Sunshine Center (số 14 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Gỗ Trường Thành cũng cho biết kế hoạch sử dụng với hơn 452 tỷ đồng vốn dự kiến huy động kể trên. Cụ thể, ngoài việc dành gần 286 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động trong thời gian dự kiến quý IV/2022 đến quý III/2023, công ty sẽ dành 167 tỷ đồng còn lại để mua cổ phần của Công ty CP Tekom Central. Giao dịch dự kiến diễn ra trong năm 2023.

Được biết, Tekcom Central là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ và ván ép. Công ty này hiện sở hữu 2 nhà máy chế biến gỗ tại Bình Dương với tổng diện tích 115.000 m2. Theo thông tin công bố vào năm 2016, Tekcom cho biết công ty nắm tới 60% thị phần xuất khẩu ván plywood của Việt Nam và 19% thị phần nội địa.

Trước đó, Gỗ Trường Thành đã mua lại 16,95% vốn Tekcom Central thông qua hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ vào tháng 4/2022, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch công ty cho biết bản chất của giao dịch này là để Gỗ Trường Thành sở hữu 49% nhà máy chuẩn bị xây dựng tại miền Trung. Chiến lược trung gian này giúp công ty khép kín được chuỗi sản xuất và có năng lực sản xuất tốt kế thừa từ Tekcom.

Để huy động vốn, từ cuối năm 2021 đến nay Gỗ Trường Thành đã liên tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ. Cụ thể, thời điểm cuối tháng năm 2021, TTF đã phân phối thành công toàn bộ hơn 59 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 18 nhà đầu tư cá nhân, tổng giá trị ròng từ đợt chào bán 595 tỷ đồng. Tổng số cổ phiếu mà các cá nhân này sở hữu sau đợt chào bán xấp xỉ 89 triệu cổ phần, tương ứng chiếm 21,63% vốn.

Bên cạnh chào bán cổ phiếu riêng lẻ, TTF cũng đã phát hành thành công 40,5 triệu cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ khoảng 405,3 tỷ đồng, với chủ nợ là ông Bùi Hồng Minh. Tỷ lệ hoán đổi nợ là 10.000 đồng hoán đổi thành 1 cổ phiếu ưu đãi, với cổ tức cố định là 6,5%/năm.

Bạn đang đọc bài viết "Gỗ Trường Thành (TTF) quay lại "vòng xoáy" thua lỗ, nâng lỗ lũy kế lên tới 3.044 tỷ đồng" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).