Gói thầu số 2 Mua sắm phân bón lần 2 năm 2021 do Công ty CP Tổng hợp Dương Minh Tây Nguyên mời thầu. Ảnh minh họa: Gia Khoa |
Theo kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 2 thì Công ty CP Tiến Nông Gia Lai - nhà thầu xếp thứ 3 trúng thầu với giá 5,942 tỷ đồng, giảm khoảng 3 triệu đồng so với giá gói thầu, tương đương với tỷ lệ tiết kiệm 0,05%. Gói thầu áp dụng đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng.
Về 2 nhà thầu bị loại, CĐT cho biết, 2 nhà thầu xếp thứ nhất và thứ hai có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại tỉnh Hà Tĩnh, không được lựa chọn với lý do “từ chối đàm phán, thương thảo hợp đồng”. Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Khắc Châu, cán bộ thuộc Bên mời thầu (BMT) tiếp tục khẳng định: “Cả nhà thầu xếp thứ nhất và thứ hai đã có văn bản gửi Chủ đầu tư từ chối vào thương thảo hợp đồng”.
Tuy nhiên, trong đơn kiến nghị gửi Báo Đấu thầu, CĐT/BMT cùng các cơ quan chức năng mới đây, nhà thầu xếp thứ nhất khẳng định: Việc CĐT nói Nhà thầu từ chối đàm phán, thương thảo hợp đồng như thông báo là không đúng. Trong Thư mời Nhà thầu đến thương thảo hợp đồng, CĐT đã dựng “rào cản” về thời gian với việc yêu cầu Nhà thầu phải có mặt tại văn phòng CĐT trong một thời gian quá ngắn, theo hướng đánh đố Nhà thầu.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Tiến Nông Gia Lai (có địa chỉ tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) trong thời gian từ tháng 8/2020 đến nay đã trúng thầu 15 gói thầu chủ yếu trên địa bàn Tây Nguyên, trong đó có 3 gói thầu do Công ty CP Tổng hợp Dương Minh Tây Nguyên mời thầu.
Nhà thầu phản ánh, ngày 8/9/2021, CĐT có thư mời Nhà thầu đến thương thảo hợp đồng, trong đó nêu rõ, trong vòng 2 ngày (chậm nhất 14 giờ ngày 10/9/2021) phải mang đầy đủ bản gốc của bảo lãnh thực hiện hợp đồng và hồ sơ dự thầu... Nếu tính đúng, tính đủ thì CĐT chỉ cho Nhà thầu vẻn vẹn có 1,5 ngày để đi một quãng đường khoảng gần 800 km từ Hà Tĩnh vào Tây Nguyên trong bối cảnh tại thời điểm đó đường hàng không đang tạm dừng hoạt động, duy nhất chỉ có đường bộ mà phải đi qua 6 tỉnh/thành. Trong khi để đi qua mỗi tỉnh Nhà thầu phải mất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục khai báo y tế… Việc đưa ra yêu cầu như vậy có khác gì đánh đố nhà thầu?!
Ngày 9/9/2021, Nhà thầu xếp thứ nhất đã có văn bản gửi CĐT, trong đó đề nghị CĐT áp dụng hình thức thương thảo hợp đồng qua email/zalo/điện thoại theo chủ trương của Nhà nước về khuyến khích các cơ quan, đơn vụ, doanh nghiệp là làm việc trực tuyến. Trường hợp không thể thương thảo trực tuyến thì lùi thời gian thương thảo trực tiếp vào lúc 8 giờ sáng ngày hôm sau (ngày 11/9/2021), tức là chậm hơn thời gian yêu cầu 1 ngày, song CĐT từ chối.
Nhà thầu đặt nghi vấn: “Có hay không việc định hướng trong xét chọn nhà thầu”.
Nhà thầu xếp thứ nhất có giá dự thầu là 5,877 tỷ đồng; nhà thầu xếp thứ 2 có giá dự thầu 5,921 tỷ đồng.
CĐT giải thích việc phải mời nhà thầu thứ 3 vào thương thảo, ký kết hợp đồng với lý do là cung ứng phân bón không thể chậm trễ, vì nếu không sẽ gây thiệt hại kinh tế lớn cho Công ty và ảnh hưởng đến đời sống hàng ngàn người lao động, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số cũng như tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn…
Bày tỏ quan điểm về tình huống trên, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, nếu nhà thầu xếp thứ nhất, thứ hai từ chối thương thảo, ký kết hợp đồng thì CĐT có quyền mời nhà thầu tiếp theo vào thương thảo, ký kết hợp đồng. Pháp luật về đấu thầu hiện không có quy định từ lúc nhà thầu nhận được thư mời thương thảo trong thời gian bao lâu phải có mặt để tham gia thương thảo. Tuy nhiên, cách CĐT lý giải việc mời nhà thầu thứ ba vào thương thảo như trên cho thấy CĐT đang làm khó nhà thầu xếp thứ nhất, thứ hai. Tại thời điểm CĐT gửi thư mời tới nhà thầu, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, quãng đường bộ mà nhà thầu phải di chuyển cũng tương đối xa mà thời gian để nhà thầu di chuyển đến địa điểm thương thảo hợp đồng lại rất ngắn như phản ánh thì đúng là “đánh đố” nhà thầu.