Tại thôn Phù Yên xã Trường Yên huyện Chương Mỹ, Hà Nội, PV được chứng kiến nước thải sản xuất của công ty TNHH sản xuất và chế biến thực phẩm Alishan, doanh nghiệp chuyên sản xuất chân gà cay ăn liền, được xả thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước của cụm công nghiệp Đồng Sen. Dư luận lên tiếng đã lâu nhưng không hề có động thái tích cực từ phía Công ty hay chính quyền.
Theo phản ánh của người dân sống tại khu vực xã Trường Yên cũng như một số doanh nghiệp nằm trong cụm công nghiệp Đồng Sen, hiện nay doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm Alishan, chuyên sản xuất chân gà ăn liền với số lượng lớn, đang hàng ngày xả thải trực tiếp nước thải sản xuất ra môi trường.
Công ty TNHH sản xuất và chế biến thực phẩm Alishan tự ý san lấp hệ thống thoát nước của cụm công nghiệp
Trao đổi với phóng viên của Tạp chí Môi trường xây dựng người dân nơi đây cho hay: “khoảng gần một năm trở lại đây, doanh nghiệp này thuê về đây để sản xuất chân gà ăn liền, không biết họ sử dụng các loại hóa chất gì, mỗi lần xưởng vận hành sản xuất thì mùi rất khó chịu. Nguy hiểm hơn, nước thải trong quá trình sản xuất, họ không có bất kỳ biện pháp xử lý gì, mà xả thẳng ra hệ thống thoát nước chung của cụm công nghiệp và xả ra môi trường xung quanh. Những hôm trời hanh, mùi hôi thối tại hệ thống thoát nước nơi đây bốc lên rất khó chịu”
Hệ thống thoát nước điểm chạy qua phía sau của nhà xưởng sản xuất chân gà đã bị doanh nghiệp tự ý san lấp, đặt cống bi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông nước thải chung của cụm công nghiệp. Nước thải sản xuất của công ty không chảy qua bất kỳ hệ thống xử lý thải nào, và được xả thẳng trực tiếp từ khu vực sản xuất của công ty chảy ra hệ thống thoát nước chung của cụm công nghiệp. Những váng mỡ màu vàng, màu xám được lưu cữu lâu ngày, tạo thành từng mảng, nổi lềnh phềnh. Cùng với đó là mùi hôi thối dường như xộc thẳng lên não mỗi khi có cơn gió nhẹ thoảng qua, khiến cho chính bản thân phóng viên có cảm giác nôn nao, khó thở, thậm chí là tức ngực.
Tại đây, không chỉ là mùi hôi, thối bốc lên từ hệ thống thoát nước của cụm công nghiệp Đồng Sen mà còn là việc ô nhiễm nghiêm trọng về không khí qua việc công ty THNN sản xuất và chế biến thực phẩm Alishan vận hành sản xuất hàng ngày: Mùi khét và khói đen mỗi khi doanh nghiệp vận hành đốt nồi hơi phục vụ mục đích sản xuất, cùng với đó là “mùi lạ” của các loại gia vị tẩm ướp trong sản phẩm, dường như tăng thêm sự bức xúc của người dân.
Cách đây khoảng 1 tháng, phía công ty Alishan có thuê máy múc về nạo vét, khơi thông dòng chảy, tuy nhiên dường như đây chỉ là giải pháp tạm thời của doanh nghiệp khi biết có phóng viên về tác nghiệp. Nhưng không cải thiện được là bao
Hoạt động xả thải trực tiếp ra môi trường của công ty Alishan gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và an toàn sức khỏe của người dân và người lao động trong cụm công nghiệp…
Ngày 8/10/2022 phóng viên của Tạp chí Môi trường và xây dựng đã trực tiếp trao với ông Trần Văn Hiển - chủ tịch UBND xã Trường Yên, về sự việc trên, ông Hiển khẳng định: “xã xin tiếp thu và sẽ cho người đi kiểm tra cùng phóng viên”. Tuy nhiên, đã hơn 20 ngày trôi qua, kể từ khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên, xã không có bất cứ phản hồi nào với PV.
Để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân nơi đây, Chính quyền sở tại cần sớm vào cuộc làm rõ hành vi vi phạm theo đúng thẩm quyền.
Về phía công ty cần: Đảm bảo toàn bộ chất thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải vào môi trường. Chủ dự án và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp có thể tự mình hoặc ký hợp đồng với các đơn vị đủ điều kiện để xử lý chất thải theo quy định của pháp luật. Thực hiện chương trình quan trắc môi trường báo cáo theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả quan trắc cho chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp…
Nghị định 155/2016/NĐ-CP
Các quy định về hành vi vi phạm và nghiêm cấm xả chất thải ra môi trường
Theo điều 7 luật bảo vệ môi trường 2014 quy định các hành vi mà tổ chức, cá nhân không được làm bao gồm các chất thải rắn, lỏng, khí gây hại, tài nguyên thiên nhiên cụ thể có nhắc đến: Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đã phê duyệt; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá uy chuẩn kỹ thuật môi trường..
Các yếu tố xác định hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 điều 33 Nghị định 19/2015/NĐ/CP, cụ thể như sau:
+ Đối với hành vi xả nước thải, khí thải, bụi vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường: căn cứ vào lượng nước thải, lưu lượng khí thải, bụi của cơ sở; số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của các thông số môi trường đặc trưng và số các thông số môi trường đặc trưng vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải có trong nước thải, khí thải, bụi của cơ sở.
Các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản sinh nước thải trong quá trình kinh doanh, dịch vụ mà không đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn thì dựa vào báo cáo phân tích mẫu nước thải mà có những hình phạt tiền, đối với các cá nhân doanh nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng thì còn có khả năng chịu trách nhiệm hình sự.
Theo điều 4 nghị định 155/2016/NĐ-CP thì doanh nghiệp có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị áp dụng một trong hai hình phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức xử phạt tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP đã được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tiễn áp dụng.Cụ thể, tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi cố tình xả trộm, xả lén,xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường như: xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, không xây lắp công trình bảo vệ môi trường…đến mức tối đa (1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức) để đảm bảo tính răn đe. Nghị định đã quy định áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: các vi phạm xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; các hành vi xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật nhiều lần, nghiêm trọng đến mức bị đình chỉ; hành vi vi phạm quy định của cơ sở xử lý chất thải nguy hại đến mức bị đình chỉ hoạt động…việc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đồng nghĩa với việc tổ chức, cá nhân đó không đủ điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra
+ Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này.