Hải Hà Petro bị Bộ Tài chính nêu tên vì "không hiểu luật" về kinh doanh xăng dầu

26/10/2022 17:15

Dù là một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có tiếng ở miền Bắc, nhưng Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà vừa bị Bộ Tài chính nêu tên vì "không hiểu luật" về kinh doanh xăng dầu.

Qua theo dõi diễn biến thị trường xăng dầu và những kiến nghị của Bộ Công Thương tại Công văn số 6436/BCT-TTTN đề nghị rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… cũng như gỡ bỏ các hình thức xử lý bằng biện pháp hành chính do nợ thuế và tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, chiều ngày 21/10, Bộ Tài chính đã có văn bản số 10859/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương về việc tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh xăng dầu.

Đối với kiến nghị của Bộ Công Thương về việc thực hiện thông quan cho một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang có nợ thuế lớn cũng như chưa đáp ứng được quy định về nhập khẩu, phân phối xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính cho biết: Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3642/TCHQ-GSQL ngày 31/8/2022 chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu 24/7, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Ngay trong ngày 21/10/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có công văn số 10855/BTC-VP gửi Tổng cục Hải quan đề nghị báo cáo những kiến nghị của Bộ Công Thương về việc hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định pháp luật.

cong-ty-van-tai-thuy-bo-hai-ha-1666778029.jpg
Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà bị Bộ Tài chính nêu tên vì "không hiểu luật" về kinh doanh xăng dầu
Đối với kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu về thủ tục hải quan, Bộ Tài chính nêu rõ: "Riêng đối với kiến nghị của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà về việc được sử dụng chứng thư chất lượng do nhà cung cấp đi theo tàu nhập khẩu để xem xét thông quan là không phù hợp với quy định tại Quyết định số 3810/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ vì mặt hàng xăng dầu nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan và cơ quan kiểm tra là Cục quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng".

Trong khi đó, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil có phát sinh số tiền thuế quá hạn nộp (số tiền cưỡng chế là 684.420.492.218 đồng) nên Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị cơ quan hải quan tạm dừng thủ tục theo quy định tại khoản 8 Điều 33 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Việc dừng làm thủ tục đối với Công ty để đảm bảo tránh nguy cơ thất thu thuế của nhà nước theo đúng quy định pháp luật về quản lý thuế.

Còn Công ty CP Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ thì đến ngày 10/8/2022 các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập khẩu phải thực hiện trang bị và kết nối thiết bị đo mức bồn bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất/nhập/tồn kho với cơ quan hải quan để kiểm soát buôn lậu, trốn thuế.

Nhưng, sau nhiều lần đôn đốc của cơ quan Hải quan, đến nay Tổng kho xăng dầu Nam Sông Hậu vẫn không triển khai việc lắp đặt và kết nối thiết bị nên không đủ điều kiện để nhập khẩu xăng dầu.

Quay trở lại với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, mới đây doanh nghiệp này cũng bị Cục Thuế tỉnh Thái Bình nêu tên vì nợ trên 1.709 tỷ đồng. Đặc biệt, số nợ thuế của doanh nghiệp này chiếm phần lớn trong tổng số nợ vừa được Cục Thuế tỉnh Thái Bình công khai.

Trước đó, vào năm 2019 Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà cũng đã bị Tổng Cục thuế “bêu tên” vì nợ 1.221 tỷ đồng tiền thuế.

Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà được thành lập vào tháng 9/2003, trụ sở chính đặt tại số nhà 132, tổ dân phố số 6, thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu và vận tải thủy bộ.

Ngày 09/3/2012 Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của Công ty này.

Tháng 6/2019, Vận tải thủy bộ Hải Hà đã khởi công công trình xây dựng kho cảng xăng dầu Hải Hà - Quảng Trị với quy mô gần 32.000m2, tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng. Công trình này dự kiến đầu tư xây dựng hệ thống đường ống, kho bồn bể chứa xăng dầu có tổng sức chứa 30.200 m3 và đầu tư xây dựng cầu cảng xuất nhập xăng dầu tiếp nhận tàu có trọng tải 5.000 DWT.

Tuy là một trong những đơn vị đầu mối nhập khẩu xăng dầu lớn và hoạt động lâu năm, nhưng việc vừa bị Bộ Tài chính nêu tên vì "không hiểu luật" trong chính lĩnh vực kinh doanh chủ đạo và có thế mạnh của mình, thì có thể đặt dấu nhiều hỏi nghi ngờ về năng lực lãnh đạo và sự nhạy bén trong kinh doanh của doanh nghiệp này.

Bạn đang đọc bài viết "Hải Hà Petro bị Bộ Tài chính nêu tên vì "không hiểu luật" về kinh doanh xăng dầu" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).