Hàng hoá Việt bị điều tra phòng vệ thương mại ngày càng tăng

01/07/2022 22:40

Từ năm 2011 trở lại đây số vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh, tới 161 vụ, chiếm tỷ lệ 77% trong tổng số 208 vụ việc tính đến năm 2021...

dieu-tra-1656670207.jpg Mặt hàng thép thép trên thị trường quốc tế thường xuyên là đối tượng của các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất áp dụng rất cao.

Tại hội thảo “Phòng vệ thương mại trong hiệp định RCEP: Quy định và thực tiễn” diễn ra ngày 30/6/2022, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, cho biết một thực trạng không mấy vui, đó là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Trên thực tế, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây.

Thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 208 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 161 vụ, chiếm tỷ lệ 77%.

Hoa Kỳ là quốc gia có số vụ điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam với 41 vụ, Ấn Độ là 28 vụ, Thổ Nhĩ Kỳ 24 vụ, Canada 18 vụ, Indonesia 11 vụ, Malaysia 10 vụ, Thái Lan 8 vụ…

Các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại khá đa dạng, tập trung nhiều ở các sản phẩm kim loại, nông - lâm - thủy sản và sợi.

dieu-tra-2-1656670251.jpg Số vụ việc bị điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh từ năm 2011 đến nay là 161 vụ - Ảnh: SG.

Một trong những nguyên nhân lý giải cho thực trạng trên là do mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với thế giới.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là: Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 được đánh giá là “đòn bẩy” mới trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào một số thị trường quan trọng như Trung Quốc và khu vực ASEAN.

Điều này tạo nên một thị trường rộng lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước RCEP đạt 132,32 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với năm 2020 và nhập khẩu 238,5 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2020.

Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng nhanh chóng của xuất khẩu trong những năm qua đã cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường.

Tuy nhiên, điều này cũng tạo áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải đề nghị Chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các hàng rào thuế quan thông thường sẽ được giảm dần theo các cam kết của Việt Nam trong RCEP. Khi thuế nhập khẩu giảm, hàng nhập khẩu dễ dàng thâm nhập vào thị trường Việt Nam, trong đó, có một số mặt hàng có những hành vi cạnh tranh không công bằng như bán phá giá hay nhận được trợ cấp của Chính phủ nước ngoài.

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiểu biết về phòng vệ thương mại chưa sâu nên vẫn còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra, không hiểu rõ các công việc cần thực hiện.

Ngay khi vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã phải đối mặt với việc đảo lộn và thay đổi kế hoạch kinh doanh, đầu tư sản xuất, chiến lược mặt hàng để đáp ứng những thay đổi mới của thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong các vụ phòng vệ thương mại, vai trò của các hiệp hội ngành nghề Việt Nam còn mờ nhạt. Đặc biệt, rất ít luật sư Việt Nam am hiểu về phòng vệ thương mại. Theo ông Phan Khánh An, Phó trưởng phòng pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, cần đẩy mạnh công tác đào tạo luật sư về phòng vệ thương mại.

Các doanh nghiệp cần chủ động và tích cực phối hợp với nhau vì lợi ích chung của ngành sản xuất trong nước, cũng như cần xây dựng hệ thống kế toán minh bạch và theo chuẩn kế toán Việt Nam.

“Công cụ phòng vệ thương mại nếu được áp dụng hợp lý sẽ là “tấm khiên” để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu”, đại diện Cục Phòng về thương mại nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết "Hàng hoá Việt bị điều tra phòng vệ thương mại ngày càng tăng" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).