Toàn cảnh dự án của Cty bò Mông.
Thực tế không như kế hoạch
Dự án bò Mông do Cty Cổ phần Đầu tư & Phát triển bò Mông Việt Nam (Cty bò Mông) đầu tư, xây dựng tại thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới. Dự án được UBND tỉnh Bắc Kạn chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 4/2017 và điều chỉnh lại vào tháng 9/2017.
Ban đầu, dự án được kỳ vọng sẽ bảo tồn gen, qua đó lai tạo và phát triển giống bò Mông quy mô 300 bò cái sinh sản, 30 bò đực thuần; nuôi vỗ béo 1.000 con bò thương phẩm/tháng; chế biến thức ăn TMR 50 tấn/ngày. Tại đây, dự kiến sẽ giết mổ tập trung 100 con/ngày đêm, liên kết phát triển 800 – 1000 HTX/Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt thương phẩm chất lượng cao ở Bắc Kạn và các địa phương khác; dự kiến sẽ có 6 công nhân làm việc.
Đó chỉ là dự án thể hiện trên giấy, còn trên thực tế thì lại khác xa. Có mặt tại tại địa phương, PV ghi nhận hình ảnh đìu hiu của dự án từng được nhiều người kỳ vọng “sẽ mang lại luồng gió mới khởi sắc cho địa phương”.
Dự án không có khu trồng cỏ mà phải mua bên ngoài, DN chỉ trồng lác đác vài cây cỏ quanh khu vực cổng vào, diện tích nhỏ hẹp, số lượng bò đang nuôi chỉ gần 70 con và chỉ có đúng 1 người quản lý và ở tại đây. Được biết, người quản lý tại đơn vị này chính là ông Vũ Công Trình, Tổng GĐ Cty bò Mông.
Vào cuối 2021, Sở TN&MT Bắc Kạn đã có kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về đất đai và bảo vệ môi trường của dự án bò mông của Cty bò Mông tại thôn Đồng Luông.
Quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra nhận thấy Cty chưa thực hiện việc cắm mốc giới ngoài thực địa theo biên bản bàn giao đất ngày 22/12/2017; tại thửa đất số 34, diện tích 3652,2m2 đất được Nhà nước giao để quản lý lại để bị người dân lấn chiếm sử dụng trồng cây keo; tại khu đất 4.342,2m2 Cty thuê của hộ ông Nguyễn Quang Tiếp và bà Lương Thị Sen để thực hiện dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan thẩm quyền.
KLTT cho rằng, theo quy định tại Điều 18,19 Luật Bảo vệ môi trường 2014, phụ lục II Nghị định 18/2015/NĐ-CP, dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được thẩm định và phê duyệt. Tại thời điểm kiểm tra, Cty không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định.
Nhiều dự án bò Mông chưa phát huy hiệu quả?
Liên quan đến những nội dung nêu trên, trao đổi với PV, ông Vũ Công Trình, Tổng GĐ Cty bò Mông cho biết: “Do Cty có nhiều sự điều chỉnh, trước đó dự án dự kiến sẽ thực hiện trên diện tích 50ha, nhưng sau đó lại điều chỉnh lại còn 3ha nên Cty vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật. Về báo cáo đánh giá tác động môi trường, Cty vẫn chưa biết các bước thực hiện thế nào. Còn có nguyên nhân do dịch bệnh nên khó khăn”.
Theo ông Trình, về việc người dân lấn chiếm đất của Cty; phía Cty đã thỏa thuận với người dân khi nào cần Cty sẽ lấy lại và buộc người dân phải chặt cây keo đã trồng.
Về việc cắm mốc giới, ông Trình cho biết Cty đã cắm lại mốc giới. Còn vi phạm trong việc tự ý thuê sử dụng đất của dân khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, ông Trình giải thích do thời điểm đó Cty do ông Nguyễn Quang Tiếp điều hành, nhưng ông Tiếp lại không để Cty đứng tên quyền sử dụng đất mà để tên cá nhân ông Tiếp. Hiện thủ tục này đã được khắc phục, tuy nhiên khi PV hỏi về hồ sơ pháp lý cụ thể thì ông Trình cho biết hiện ông không cầm hồ sơ, đề nghị lên Sở TN&MT lấy thông tin.
Nói về dự án bò của Cty bò Mông, ông Lục Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Quảng Chu thừa nhận thực tế hiệu quả dự án mang lại chưa rõ nét. Không những thế, ông Cường còn cho biết: “Hiện trên địa bàn còn có nhiều HTX nuôi bò Mông chưa mang lại hiệu quả. Cụ thể, có 8 HTX nuôi bò Mông nhưng chỉ “lắt nhắt” vài chục con. Tuy nhiên, các dự án đều gắn với từ “bảo tồn gen và lai tạo”, nên chính quyền địa phương cùng các ngành cũng khó có lí do để kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả để đưa ra giải pháp đối với những đơn vị này”.
“Việc xin thành lập hàng loạt các dự án nuôi bò mông trên địa bàn một xã, nhưng tính hiệu quả trên thực tế không được phát huy, đang đặt ra nghi hoặc về việc một số tổ chức, cá nhân có xin đất rồi sử dụng với mục đích khác?”, một người dân địa phương nêu ý kiến