Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (Mã chứng khoán: KDH) đang đối mặt với nhiều vấn đề như phải phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo khiến nợ tăng vọt, hàng tồn kho cao ngất ngưởng và một phần phải nhờ khoản tiền khách hàng bồi thường vì “lật kèo” mới thoát tăng trưởng âm.
Khang Điền phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo, vẫn bảo lãnh cho “công ty con” vay hàng ngàn tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, Khang Điền vẫn bảo lãnh cho “công ty con” là Khang Phúc vay 1.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty con này cũng trong tình trạng nợ nần “leo thang”.
Thoát tăng trưởng âm nhờ "thu nhập khác"
Công ty Khang Điền vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022. Đáng chú ý, lợi nhuận tăng mạnh dù doanh thu giảm sâu. Có được điều này là do một phần Khang Điền nhận được bồi thường từ việc “bồi thường chấm dứt hợp đồng” của khách.
Cụ thể, trong quý 3/2022, Khang Điền ghi nhận doanh thu chỉ đạt 805 tỷ đồng, giảm 394 tỷ đồng (32,9%) so với quý 3/2021; lợi nhuận sau thuế đạt 345 tỷ đồng, tăng 28 tỷ đồng.
Doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm giảm 1.467 tỷ đồng (46,6%) chỉ còn 1.681 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng từ 790 tỷ đồng lên 971 tỷ đồng.
Những con số nói trên có được là do Khang Điền ghi nhận thu nhập khác lên đến 147 tỷ đồng trong quý 3 và 478 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, lần lượt tăng mạnh so với những con số 3,8 tỷ đồng và 35,8 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Trong chỉ tiêu thu nhập khác của quý 3/2022, có tới 123 tỷ đồng là tiền “bồi thường chấm dứt hợp đồng”. Nếu không có khoản này, có thể lợi nhuận quý 3 và 9 tháng đầu năm của Khang Điền sẽ “lao dốc” theo doanh thu.
Hàng tồn kho và nợ tăng mạnh, phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo
Một trong những vấn đề lớn của Khang Điền chính là hàng tồn kho và nợ cũng tăng mạnh.
Tại ngày 30/9/2022, hàng tồn kho của Khang Điền lên tới 12.729 tỷ đồng, tăng 4.996 tỷ đồng, tương đương 64,6% so với hồi đầu năm 2022 và chiếm 59,3% tổng tài sản.
Hàng tồn kho tăng mạnh trong khi doanh thu giảm sâu và chi phí bán hàng tăng mạnh (hàng tồn kho tăng từ 7,8 tỷ đồng lên 42,3 tỷ đồng trong quý 3/2022) cho thấy hoạt động bán hàng của Khang Điền gặp rất nhiều khó khăn và kém hiệu quả hơn trước. Điều đó khiến tình trạng âm nặng dòng tiền trầm trọng hơn.
Hồi cuối quý 3/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Khang Điền là âm 2.316 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 854 tỷ đồng hồi đầu năm 2022.
Bức tranh tài chính của Khang Điền càng “u ám” hơn khi nợ phải trả cũng tăng rất mạnh, tăng 5.633 tỷ đồng, tương đương 136% so với hồi đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 815 tỷ đồng lên 1.030 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng từ 1.738 tỷ đồng lên 6.176 tỷ đồng.
Trái phiếu “đóng góp” không nhỏ vào nợ vay của Khang Điền. Tại ngày 30/9/2022, giá trị trái phiếu dài hạn tại Khang Điền tăng từ 300 tỷ đồng lên 1.110 tỷ đồng, lãi suất là 12% theo hình thức tín chấp (không tài sản đảm bảo).
Bảo lãnh công ty con “nặng nợ” vay ngàn tỷ
Có thể thấy, bức tranh tài chính của Khang Điền không hề tươi sáng. Tuy nhiên, công ty vẫn mạnh tay bảo lãnh cho “công ty con” vay vốn.
Cụ thể, mới đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Khang Điền đã thông qua việc bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc (Công ty Khang Phúc) để vay vốn và thế chấp tài sản tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).
Số tiền vay tối đa là 1.000 tỷ đồng. Mục đích của đợt vay vốn này là để nộp tiền sử dụng đất của dự án khu nhà ở cao tầng tại phường An Lạc, quận Bình Tân, Tp. HCM và thanh toán chi phí xây dựng chung cư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án.
Khang Điền cam kết bảo lãnh cho toàn bộ nghĩa vụ trả nợ thay cho Khang Phúc đối với khoản vay nêu trên trong trường hợp đơn vị này vi phạm nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn.
Trước đó, vào đầu tháng 10, HĐQT Khang Điền cũng cũng thông qua phương án đảm bảo cho Khang Phúc vay không quá 1.220 tỷ đồng tại Ngân hàng OCB - Chi nhánh quận 4.
"Công ty con" của Khang Điền là Khang Phúc đang nặng nợ.
Khang Điền phải bảo lãnh vay cho Khang Phúc trong bối cảnh công ty con này đã rất “nặng nợ”.
Tại ngày 31/12/2021, dù đã giảm rất sâu nhưng nợ phải trả tại Khang Phúc vẫn lên đến 2.363 tỷ đồng. Bước sang nửa đầu năm 2022, Khang Phúc “tăng tốc” vay nợ tại nhiều ngân hàng.
Ngày 14/6/2022, Khang Phúc ký hợp đồng tín dụng với VietinBank – Chi nhánh Tp.HCM.
Tài sản đảm bảo là Toàn bộ các quyền tài sản phát sinh từ tối thiểu 50ha đất đã hoàn thành bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thuộc Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu Trung tâm dân cư Tân Tạo – Khu A, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM. Tại thời điểm nhận thế chấp, giá trị tài sản thế chấp này là gần 5.042 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 14/6, Công ty Khang Phúc ký hợp đồng khác với VietinBank – Chi nhánh Tp.HCM. Tài sản đảm bảo là toàn bộ quyền tài sản, lợi ích hình thành hoặc phát sinh từ các Dự án thành phần 2B, 2C, 2D thuộc Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu Trung tâm dân cư Tân Tạo – Khu A. Tại thời điểm nhận thế chấp, giá trị tài sản thế chấp là 16.398 tỷ đồng.