Hanoimilk nợ gần 18 tỷ tiền bảo hiểm trong suốt 47 tháng

16/02/2023 11:54

CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk) vừa bị Bảo hiểm xã hội Hà Nội điểm tên vì nợ đóng bảo hiểm cho 343 lao động, kéo dài tới 47 tháng (gần 4 năm) với số tiền lên tới 17,8 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội vừa công khai danh sách gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH tính đến thời điểm 30/1/2023. Trong số các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội có Hanoimilk. Theo công bố, Hanoimilk nợ đóng bảo hiểm cho 343 lao động, kéo dài tới 47 tháng (gần 4 năm) với số tiền lên tới 17.8 tỷ đồng.

hanoimilk-no-gan-18-ty-tien-bao-hiem-cua-hang-tram-lao-dong-trong-suot-47-thang-1676521030.jpgHanoimilk nợ gần 18 tỷ tiền bảo hiểm của hàng trăm lao động trong suốt 47 tháng.

Cuối năm 2022 Hanoimilk đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn đợt 1 năm 2022.

Theo đó, Hanoimilk dự kiến phát hành riêng lẻ 24,4 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) gấp 1,22 lần số lượng cổ phần hiện tại (mức 20 triệu đơn vị).

Được biết trong số cổ phiếu sắp phát hành tới đây, có 14,4 triệu cổ phiếu được dùng để hoán đổi nợ. Số còn lại dùng để tăng vốn hoạt động của công ty.

Trước đó, Hanoimilk đã công bố danh sách các nhà đầu tư của lô phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ hồi tháng 9/2022 trong đó có 2 cá nhân là ông Phạm Tùng Lâm (Kế toán trưởng công ty) và ông Hà Quang Tuấn (Chủ tịch HĐQT công ty). Cổ đông còn lại là CTCP Hoàng Mai Xanh.

Trong số này, ông Tuấn dự kiến được mua 9,7 triệu cổ phiếu - tương ứng giá trị nợ hoán đổi là 97 tỷ đồng; CTCP Hoàng Mia Xanh được mua 4,3 triệu cổ phiếu và ông Phạm Tùng Lâm được mua hoán đổi  400.000 cổ phiếu.

Thời gian phát hành lô cổ phiếu này sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 90 ngày kể từ thời điểm được UBCKNN chấp thuận. Cổ phiếu sau phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Với lô 10 triệu cổ phiếu dự phát hành riêng lẻ để tăng vốn, Hanoimilk thông báo sẽ thực hiện trong quý 4/2022 - 1/2023 sau khi được chấp thuận đồng thời cổ phiếu cũng sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong thời hạn 1 năm kể từ sau ngày phát hành.

Đáng nói, toàn bộ số cổ phiếu này sẽ được phát hành riêng cho ông Hoàng Văn Thuật - nhà đầu tư cá nhân. Trước giao dịch, ông Thuật đang nắm gần 712.000 cổ phiếu Hanoimilk. Nếu mua vào toàn bộ số cổ phiếu chào bán, cá nhân này sẽ trở thành cổ đông lớn tại Sữa Hà Nội với tỷ lệ sở hữu 24,13% vốn.

Số tiền huy động 100 tỷ từ lô phát hành này dự kiến sẽ được công ty dùng để mua thiết bị và nguyên liệu sản xuất.

Về kết quả kinh doanh, tại báo cáo tài chính quý 3/2022, Sữa Hà Nội ghi nhận doanh thu đạt 141,3 tỷ đồng - tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ tăng giá vốn bán hàng nhanh hơn cùng kỳ nên lợi nhuận gộp thu về chỉ còn gần 30 tỷ; biên lãi gộp giảm về mức gần 21%.

sua-ha-noi-1676521097.jpgVề kết quả kinh doanh, tại báo cáo tài chính quý 3/2022, Sữa Hà Nội ghi nhận doanh thu đạt 141,3 tỷ đồng - tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm về còn 0,5 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều ghi nhận tăng YoY nên sau cùng, công ty còn khoản lãi sau thuế hơn 11 tỷ - tăng gần 62% so với mức 6,8 tỷ đồng trong quý 3/2021.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, công ty ngành sữa này báo doanh thu tổng đạt hơn 374 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 27,4 tỷ - gần gấp đôi cùng thời điểm năm 2021.

Mặc dù vậy, tính đến hết ngày 30/9, Sữa Hà Nội vẫn đang ghi nhận lỗ lũy kế hơn 51 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của Hanoimilk tăng lên mức 494 tỷ đồng trong đó hàng tồn kho tăng lên mức gần 208 tỷ; nợ phải trả tăng nhẹ lên mức 336 tỷ đồng - gấp hơn 2,1 lần quy mô vốn chủ (chỉ 158 tỷ) trong đó 195 tỷ đồng là vay nợ tài chính.

BHXH thành phố Hà Nội cho biết, tổng số tiền nợ do chậm đóng các loại bảo hiểm này là hơn 1.500 tỷ đồng. BHXH Thành phố sẽ tiếp tục công khai danh sách các doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mục đích của việc làm này là để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Từ đầu năm 2023, BHXH thành phố Hà Nội đã thực hiện 136 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch với 58 cuộc (thanh tra chuyên ngành 12 đơn vị, kiểm tra đơn vị sử dụng lao động 21 đơn vị, phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành 25 đơn vị). Thực hiện thanh tra đột xuất đối với 78 đơn vị. Bên cạnh đó, BHXH thành phố Hà Nội tổng hợp số doanh nghiệp, số tiền nợ đóng BHXH hằng tháng gửi các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã theo từng địa bàn quận, huyện, thị xã. Đồng thời, đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các biện pháp thu, thu nợ đóng BHXH; tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đối với các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng BHXH và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Bạn đang đọc bài viết "Hanoimilk nợ gần 18 tỷ tiền bảo hiểm trong suốt 47 tháng" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).