Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng tại Trung tâm thương mại chợ Bát Tràng. |
Nợ thuế khủng, Sứ Bát Tràng “rơi” thẳng cánh
Cục thuế Hà Nội mới công bố danh sách các đơn vị chây ỳ nộp thuế, tiền sử dụng đất. Bên cạnh cái tên “quen thuộc” Lũng Lô 5, Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng cũng nhận được sự quan tâm của dư luận khi bị “điểm danh” nợ 26 tỷ đồng tiền thuê đất. Từ đây, bức tranh tài chính bết bát của Sứ Bát Tràng dần hé lộ.
Năm 2016, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã thoái gần hết 64% vốn Sứ Bát Tràng. Kể từ đó, “thời đại” tư nhân đã mở ra với Công ty này. Tuy nhiên, không rõ chủ nhân mới không đủ năng lực điều hành hay có mục đích khác khi thâu tóm Sứ Bát Tràng mà Công ty không thể bước sang một trang mới. Năm 2016 là năm đầu tiên Sứ Bát Tràng về tay tư nhân, doanh thu Công ty cải thiện mạnh nhưng vẫn là con số vô cùng khiêm tốn, chỉ 5,5 tỷ đồng. Sau đó, chuỗi ngày bấp bênh xuất hiện với đà “rơi tự do” hiện lên rõ nét.
Cụ thể, trong các năm 2017, 2018, 2019 và 2020, doanh thu chỉ còn đạt 3 tỷ đồng, 3,3 tỷ đồng, 643 triệu đồng và 1,3 tỷ đồng. Ở năm “đáy” 2019, doanh thu của Sứ Bát Tràng chỉ là 643 triệu đồng, giảm 4,857 tỷ đồng, tương đương 88,3% so với năm “đỉnh” 2016. Nhìn vào các con số này có thể thấy hoạt động bán hàng không phải là mục tiêu chính của cổ đông mới.
Doanh thu quá thấp để có thể bù đắp được chi phí nên Sứ Bát Tràng chìm đắm trong thua lỗ. Các khoản thua lỗ trong 5 năm vừa qua lần lượt là 1,2 tỷ đồng, 9 tỷ đồng, 3,7 tỷ đồng, 3,2 tỷ đồng và 1,7 tỷ đồng. Thua lỗ khiến vốn của Sứ Bát Tràng hao hụt đáng kể. Đến năm 2019, công ty chính thức âm vốn chủ sở hữu với số âm 2,3 tỷ đồng. Tới thời điểm cuối năm 2020, công ty âm vốn 3,9 tỷ đồng.
Hapro “ôm mớ tiền” nhờ thoái vốn
Không phải đến lúc về tay tư nhân, Sứ Bát Tràng mới bết bát. Trước đó, khi vẫn là thành viên thuộc Hapro, công ty đã cho thấy bộ mặt kém khởi sắc. Khi quyết định thoái 64% vốn Sứ Bát Tràng, báo cáo tài chính của Công ty mới được công bố. Theo đó, năm 2013, Sứ Bát Tràng chỉ đạt 5 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 375 triệu đồng. Những con số này trong 2014 là 3,9 tỷ đồng và lỗ 485 triệu đồng.
Với bức tranh tài chính “xấu” như vậy của Sứ Bát Tràng, Hapro vẫn mạnh dạn đưa ra con số đấu giá lên đến 140.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn khá lạc quan với phiên đấu giá này vì Sứ Bát Tràng không hấp dẫn ở hoạt động kinh doanh mà có giá nhờ… đất.
Trong phiên đấu giá diễn ra cuối tháng 3/2016, Hapro đã chào bán 120.810 cổ phần, tương đương 63,58% vốn điều lệ Sứ Bát Tràng. Dù có giá khởi điểm 140.000 đồng/CP nhưng một nhà đầu tư cá nhân đã sẵn sàng trả giá 421.600 đồng/CP. Nhờ đó, Hapro thu về khoảng 51 tỷ đồng. Ở thời điểm đấu giá, Sứ Bát Tràng, có được hợp đồng thuê đất với diện tích đến hơn 10.000m2 tại thôn Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Trong đó, trung tâm thương mại chợ Bát Tràng tại Xóm 5 thôn Bát Tràng là một trong số những khu đất thuộc danh mục trên, với tổng diện tích 12.155,3 m2.
Theo tài liệu định giá, khu đất này gồm 11.958,5 m2 đất ngoài chỉ giới, thuê trả tiền hàng năm trong thời hạn 50 năm và 196,8 m2 đất trong chỉ giới trả tiền hàng năm. Lô đất này mặc dù đang sử dụng làm Trung tâm thương mại chợ Bát Tràng. Ngoài ra, Sứ Bát Tràng có nắm trong tay quỹ đất khủng khác. Đa số các lô đất này đều nằm ở những vị trí khá đắc địa bên sông Hồng, chỉ cách một số khu đô thị lớn trong vùng từ một đến vài km.
Sau khi Hapro rời khỏi Sứ Bát Tràng, nhiều lùm xùm đã xảy ra tại Công ty này. Đầu tháng 2/2017, nghĩa là không lâu sau khi về tay tư nhân, gần 100 tiểu thương chợ gốm làng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, Hà Nội phản ứng trước việc đóng cổng chợ của Sứ Bát Tràng.