Hateco: Khi thực tế không giống quảng cáo

20/04/2021 09:28

Trong 22 dự án lùm xùm quỹ bảo trì chung cư 2% tại Hà Nội, có tới 2 dự án của Tập đoàn Hateco thực hiện không đúng chủ trương của Bộ Xây dựng.

Được thành lập vào năm 2004, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco là một trong những doanh nghiệp hoạt động đa ngành đa nghề, với hai thế mạnh là bất động sản và logistics.

Với bất động sản, Hateco nổi tiếng với hàng loạt dự án tầm trung và bình dân, như khu đô thị Trần Lãm (Thái Bình); Hateco Hoàng Mai, Hateco Apollo, Hateco Green City, Hateco Green Park; Hateco Laroma. Hiện tại, Hateco tiếp tục triển khai một số dự án tại Quảng Ninh, Lào Cai, Hải Phòng, Bắc Ninh;...

Cư dân Hateco Hoàng Mai đã từng xin dừng cấp sổ hồng, do thiếu diện tích.

Cư dân Hateco Hoàng Mai đã từng xin dừng cấp sổ hồng, do thiếu diện tích.

Cho dù hoạt động dưới bất kỳ ngành nghề nào, lãnh đạo Hateco vẫn nhất quán với chủ trương trở thành doanh nghiệp có giá trị cốt lõi: “Sự chính trực Lòng đam mê và Tinh thần trách nhiệm. Không ngừng nâng cao lợi ích cho các cổ đông và người lao động”.

Đồng thời, Tập đoàn Hateco nhấn mạnh, phương châm của doanh nghiệp “chất lượng - uy tín - hiệu quả - hợp tác cùng phát triển”, doanh nghiệp cam kết tất cả vì sự hài lòng của khách hàng, khi mang đến những dịch vụ và sản phẩm tốt nhất.

Trái ngược với triết lý kinh doanh, những dự án bất động sản của Hateco lại gặp nhiều “scandal”, liên quan tới quỹ bảo trì hoặc chất lượng dịch vụ không như quảng cáo.

Ví dụ, vào năm 2018, trên một số cơ quan báo chí, đăng tải sự việc cư dân của dự án Hateco Hoàng Mai xin dừng cấp sổ đỏ do căn hộ bị thiếu diện tích. Hoặc tại dự án Hateco Apollo Xuân Phương, vào năm 2020, cư dân liên tục phản ánh tình trạng mất nước liên tục.

Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có kết luận thanh tra 22 dự án chung cư tại Hà Nội, có hiện tượng chậm bàn giao quỹ bảo trì chung cư 2% cho ban quản trị tòa nhà. Riêng Tập đoàn Hateco có tới 2 dự án nằm trong kết luật thanh tra.

Thứ nhất là dự án tòa nhà hỗn hợp Hateco Hoàng Mai, tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội. 

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, chủ đầu tư và ban quản trị tòa nhà có thiếu sót về việc chậm quyết toán, chuyển giao quỹ bảo trì cho ban quản trị tòa nhà, vi phạm tại khoản 6, Điều 36, Thông tư 02/2016/TT-BXD về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Theo đó, từ tháng 8/2018, ban quản trị tòa nhà đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì phần sở hữu chung của tòa nhà.

Sau đó 1 năm, Hateco mới chuyển giao 19,5 tỷ đồng kinh phí bảo trì thành 2 đợt. Tuy nhiên, do chưa thống nhất được số liệu, nên chủ đầu tư chưa bàn giao 140 triệu đồng số tiền còn lại của quỹ bảo trì.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Xây dựng còn nêu rõ, Hateco đã để ra sai sót về việc lập kế hoạch bảo trì. Theo đó, chủ đầu tư đã lập kế hoạch bảo trì 1 năm mà không dự kiến các hạng mục sẽ thực hiện cho 3 - 5 năm sau đó, để báo cáo hội nghị nhà chung cư lần đầu. Điều này thực hiện không đúng quy định Thông tư 02 của Bộ Xây dựng.

Trước những thiếu sót của chủ đầu tư tại dự án Hateco Hoàng Mai, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu xem xét, xử lý các cá nhân, tổ chức có liên quan và khắc phục tồn tại. Thống nhất với quản trị tòa nhà lập hồ sơ quyết toán số liệu kinh phí bảo trì, căn cứ vào số liệu do 2 bên thống nhất, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển kinh phí bảo trì còn lại thuộc diện phải chuyển giao theo quy định của pháp luật.

Thứ hai là dự án khu chung cư nhà ở Hateco 6, tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Dự án này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 17/8/2020. Trong đó, kinh phí bảo trì tầng thương mại là gần 2,7 tỷ đồng, kinh phí đã thu của các căn hộ tại dự án là gần 35 tỷ đồng. Tổng cộng là gần 37,5 tỷ đồng.

Sau khi đi vào hoạt động, chủ đầu tư đã 4 lần nộp kinh phí bảo trì chung cư 2% vào tài khoản ngân hàng, với tổng số tiền là 35 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư đã nộp thiếu quỹ bảo trì chung cư 2%, thực hiện chưa đúng tại khoản 1, Điều 109 Luật Nhà ở 2014. Sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, ngày 8/1/2021, chủ đầu tư đã ký 2 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng, tổng số tiền là 37,7 tỷ đồng. Điều đáng nói, dự án này được đưa vào sử dụng vào tháng 8/2020. Như vậy, chủ đầu tư “quên” nộp phí bảo trì trong 5 tháng.

Trước vi phạm trên, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan và khắc phục các thiếu sót đã nêu. Đồng thời chủ đầu tư phải báo cáo quá trình thực hiện lên Thanh tra Bộ Xây dựng sau 30 ngày có văn bản kết luận.

Bạn đang đọc bài viết "Hateco: Khi thực tế không giống quảng cáo" tại chuyên mục Dự Án. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).