Tài sản đảm bảo xịn cho khoản vay nghìn tỷ đồng
Theo thông tin của Dân Việt, vào ngày 26/9/2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Flamingo (Tập đoàn Flamingo) đã đem toàn bộ các quyền tài sản (bao gồm nhưng không giới hạn: các khoản thanh toán do Thửa Đất bị thu hồi; quyền thụ hưởng số tiền bảo hiểm, bồi thường; lợi ích, các khoản bồi hoàn và các khoản thanh toán khác…) liên quan đến Quyền Sử Dụng Đất và tài sản trên đất hình thành trong tương lai là Dự án Tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo Cát Bà Beach Resort thế chấp cho khoản vay trị giá 1.500 tỷ đồng của mình tại Vietinbank.
Theo đó, tài sản thế chấp bao gồm 3 tổ hợp nghỉ dưỡng, Tổ hợp nghỉ dưỡng ND1, xây dựng trên khu đất có diện tích 2.031 m2 tại bãi tắm Cát Cò 1. Tổ hợp nghỉ dưỡng ND2, xây dựng trên khu đất có diện tích 7.915 m2 tại bãi tắm Cát Cò 2A và Tổ hợp nghỉ dưỡng ND3, xây dựng trên khu đất có diện tích 4.190 m2 tại bãi tắm Cát Cò 2B.
Tất cả đều có địa chỉ tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, xây dựng theo Giấy phép xây dựng số 16/GPXD do Sở xây dựng thành phố Hải Phòng cấp ngày 24/11/2017, Phụ lục điều chỉnh Giấy phép xây dựng ngày 28/08/2018 (giai đoạn 1) và Giấy phép xây dựng số 17/GPXD do Sở xây dựng thành phố Hải Phòng cấp ngày 04/09/2018 (giai đoạn 2).
Được biết, Dự án Flamingo Cát Bà Beach Resort do Công ty Cổ phần Tập đoàn Flamingo làm chủ đầu tư được khởi công vào năm 2017.
Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 7 ha tại bãi biển Cát Cò 1 và Cát Cò 2, đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng tổng số vốn đầu tư gần 2.462 tỷ đồng, gồm hệ thống căn hộ khách sạn, biệt thự trên cao tích hợp hơn 100 dịch vụ tiện ích khép kín. Dự án gồm 3 tòa tháp: Flamingo Cát Bà Beach Resort, Flamingo Wyndham Grand Cát Bà Resort và Flamingo Luxury Resort.
Như đã đề cập ở bài viết "Hé mở" sức khỏe tài chính Chủ đầu tư dự án Flamingo Hải Tiến, Công ty Cổ phần Tập đoàn Flamingo dường như "nguồn lực" chính của Flamingo Holding Group. Câu chuyện tiềm lực của giới chủ phía sau thương hiệu bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp "Flamingo" luôn là chủ đề nóng được dư luận quan tâm.
Hé mở tiềm lực tài chính Tập đoàn Flamingo
Tiền thân Công ty Cổ phần Tập đoàn Flamingo là Công ty Cổ phần Hùng Vương, được thành lập ngày 29/1/2007.
Tại ngày 7/3/2017, Tập đoàn Flamingo đăng ký trụ sở chính tại số 63 Hàng Trống, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Người địa diện pháp luật kiêm tổng giám đốc là bà Nguyễn Thị Hạnh (SN1970). ông Trịnh Ngọc Dũng giữ chức Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp.
Đến ngày 31/7/2019, doanh nghiệp dời địa chỉ về Tổ dân phố 18, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng.
Tính đến cuối năm 2020, vốn điều lệ của Tập đoàn Flamingo đạt 825 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm ông Trịnh Quốc Trung sở hữu 9,96%; Vũ Hồng Nguyên sở hữu 25%; ông Trịnh Ngọc Dũng sở hữu 65%.
Tháng 6/2021, vốn điều lệ Tập đoàn Flamingo được nâng lên 875 tỷ đồng. Lúc này, bà Nguyễn Thị Hạnh được giới thiệu với chức vụ Chủ tịch HĐQT.
Giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu của Tập đoàn Flamingo (báo cáo riêng lẻ) quanh quẩn mức trên dưới 100 tỷ đồng, chỉ đến năm 2020 doanh thu doanh nghiệp mới "bứt phá" lên đỉnh với 472,4 tỷ đồng.
Thông tin từ https://duan-flamingocatba.com/ cho biết, tháng 6/2020 cũng chính là thời điểm bàn giao và vận hành tòa khách sạn đầu tiên tại dự án.
Trái ngược với mức đỉnh doanh thu ghi nhận được, năm 2020 cũng là năm Tập đoàn Flamingo "bất ngờ" báo lỗ sau thuế 17,4 tỷ đồng. Trước đó, trong cùng giai đoạn 2016 - 2019, lợi nhuận doanh nghiệp đưa về khá mỏng, ngoại trừ mức đỉnh 11,4 tỷ đồng năm 2016, những năm tiếp theo lãi sau thuế Tập đoàn Flamingo "lao dốc" về còn 1,5 tỷ đồng (năm 2017), 810 triệu đồng (năm 2018) và 2 tỷ đồng năm 2019.
Tính luôn 5 năm kể trên, Tập đoàn Flamingo đem về hơn 768 tỷ đồng doanh thu, song lại báo lỗ lũy kế gần 2 tỷ đồng. Một chỉ số khá bất ngờ với thương hiệu cũng như khối tài sản doanh nghiệp sở hữu.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản Tập đoàn Flamingo đạt 3.105 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 810,9 tỷ đồng, nợ phải trả xấp xỉ 2.294 tỷ đồng.
Như vậy, ngoài kết quả kinh doanh kém khả quan, Tập đoàn Flamingo cũng đang sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao khi hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đang là 3,1 lần. Một chỉ số đáng chú ý đối với khách hàng cũng như nhà đầu tư của Tập đoàn Flamingo.
Những mảng màu kém sắc của hệ thống công ty con Tập đoàn Flamingo
Không chỉ Tập đoàn Flamingo, dữ liệu Dân Việt có được về kết quả kinh doanh các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Flamingo cũng có kết quả kinh doanh thụt lùi theo từng năm.
Đơn cử, đối với Công ty Cổ phần Flamingo Redtours - đơn vị được đổi tên từ HanoiRedtours - nơi Tập đoàn Flamingo nắm đến 92,8% cổ phần (tính đến cuối năm 2020) ghi nhận cú lao dốc doanh thu từ ngưỡng 204,5 tỷ đồng năm 2019 về 0 đồng năm 2020.
Trước đó, từ năm 2016 - 2018, Flamingo Redtours luôn duy trì doanh thu trong khoảng 150 - 200 tỷ đồng, nhưng cũng tương tự như công ty mẹ là Tập đoàn Flamingo, khoản lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp thu về có thể được xem như "tượng trưng" với chỉ vài trăm triệu đồng.
Tiếp đến, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển dự án Proland - doanh nghiệp mà Tập đoàn Flamingo sở hữu 95% (tính đến cuối năm 2020) thậm chí không ghi nhận doanh thu trong các năm 2019 và 2020, đồng thời báo lỗ sau thuế lần lượt 4,5 triệu đồng và 14,6 triệu đồng.
Ngoài ra, Tập đoàn Flamingo đang nắm 51% (tính đến cuối năm 2020) vốn của Công ty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải - chủ đầu tư của Flamingo Đại Lải Resort, nằm trong Top 10 resort đẹp nhất hành tinh.
Tại Hồng Hạc Đại Lải, ông Trịnh Ngọc Dũng là cổ đông lớn với 40,2% số cổ phần. Số phận của Flamingo Đại Lải Resort và bức tranh tài chính của Công ty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải sẽ được Dân Việt hé mở trong bài viết tiếp theo.