Ngày 15/2, ông Lê Trung Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn cho biết, ông và một số cấp dưới trong đơn vị đang làm đơn trình báo cơ quan công an về việc bị quấy rối bởi hàng nghìn cuộc điện thoại mỗi ngày để đòi nợ. "Chúng tôi thật sự chịu hết nổi rồi. Thật phiền phức", ông Sơn bức xúc nói.
Theo ông Sơn, những cuộc gọi quấy rối bắt đầu từ 3 ngày trước. "Cuộc gọi đầu tiên, một người đàn ông nói giọng miền Nam hỏi đây có phải số của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn không?. Sau khi tôi xác nhận đúng, anh ta bảo cô T. - Hiệu phó của một trường mầm non trên địa bàn có vay tiền nhưng chưa trả, yêu cầu tôi phải có trách nhiệm. Tôi có trả lời là việc nợ nần là giao dịch dân sự bên ngoài nhà trường, tôi chỉ quản lý chuyên môn nhưng tôi cũng sẽ nhắc nhở cô T.. Tuy nhiên, sau đó anh ta quay sang chửi bới, bảo là tôi bao che", ông Sơn kể.
Kể từ đó, mỗi ngày ông Sơn nhận hàng nghìn cuộc gọi quấy rối, chửi bới. "Chúng sử dụng hàng trăm số điện thoại khác nhau. Tất cả đều có đầu số 058. Tôi có làm việc với phía nhà mạng nhưng họ cũng bất lực. Như hôm nay, chỉ trong vòng 1 tiếng tôi nghỉ trưa dậy thì thấy 292 cuộc gọi nhỡ từ chúng. Trong khi điện thoại tôi thì không thể tắt được, vì còn công việc nữa", ông Sơn nói.
Không chỉ ông Sơn, 3 ngày nay, nhiều lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Nam Đàn cũng lâm vào cảnh tương tự. "Cứ khoảng 1 phút chúng lại gọi 1 cuộc. Chúng gọi cả ngày lẫn đêm. Tôi chặn hết số này, chúng lại dùng số khác", ông Đặng Hoài Nam - Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn nói.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn sau đó cũng đã xác minh từ phía hiệu phó trường mầm non. Vị nữ hiệu phó này thừa nhận, 3 năm trước cô có vay tín chấp 40 triệu đồng của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (hay còn gọi là FE Credit, một công ty con của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng). Thời hạn trả cả gốc lẫn lãi là 2 năm. Tuy nhiên, khi trả được hơn 1 năm thì cô không còn khả năng trả tiếp.
"Khi phía ngân hàng gọi thì tôi có trình bày điều kiện và xin khất khi nào ổn định kinh tế thì trả. Nhưng sau đó mấy tháng thì tôi bị đăng lên mạng xã hội, rồi người thân, bạn bè bị gọi điện quấy rối liên tục. Tôi gọi lại thì được biết khoản nợ đó đã được chuyển sang cho bên chuyên đòi nợ rồi và còn tăng tiền phạt nữa....", cô T. kể và cho hay, khi làm hồ sơ vay tiền tín chấp, phía cho vay chỉ yêu cầu cung cấp 2 số điện thoại là số của chồng và 1 đồng nghiệp. Tuy nhiên, không hiểu sao họ lại có số điện thoại của các lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo để quấy rối đòi tiền.