Thời gian qua, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, cộng với cách làm ẩu, coi thường pháp luật của nhiều chủ đầu tư và sự buông lỏng quản lý nhà nước đã khiến nhiều khu đô thị tại tỉnh Quảng Nam rơi vào tình trạng loang lổ như tấm “da beo”. Dự án này làm ẩu trót lọt sẽ khiến gia tăng mức độ làm liều tại dự án khác, hiệu ứng không mong muốn đó tạo nên những “bãi rác” dự án làm xấu đô thị dù chẩn được “bệnh”, nhưng đã chuyển qua giai đoạn “ung thư”.
Cảnh ngập úng cục bộ tại Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn
Bài 1: Bất thường tại Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn
Nhiều diện tích đất lúa đã được giao cho Công ty cổ phần Địa ốc Newland Quảng Nam thực hiện Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn, Quảng Nam bất ngờ “cắt giảm”... bộc lộ nhiều tác động môi trường.
Dự án “xây hồ” cho nhà cửa, đồng ruộng
Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư tại Công văn số 6754 ngày 4/12/2017. Dự án do Công ty cổ phần Địa ốc Newland Quảng Nam làm chủ đầu tư, diện tích khoảng 9,8 ha, với tổng số 328 căn (đất ở chia lô). Trong đó, 323 căn đất ở phân lô, 5 căn đất ở phân lô tái định cư, tương ứng quy mô dân số khoảng 1.600 người.
Thời gian qua, khi Newland Quảng Nam tiến hành đổ đất san nền tại Dự án, thì xảy ra thảm cảnh ruộng đồng, nhà cửa của nhiều người dân các thôn Thạnh Hòa, Đàn Trung chìm trong biển nước, nhất là khi có mưa lũ. Theo người dân thôn Đàn Trung, đây là cảnh tượng họ chưa từng thấy. Trước khi khởi công Dự án, chủ đầu tư hứa rằng, khi thi công, sẽ không gây ảnh hưởng đến đời sống, ruộng vườn của người dân.
Ông Ngô Văn Thắng (53 tuổi, trú tại thôn Đàn Trung) cho biết, vừa qua, người dân địa phương bất đắc dĩ phải kéo ra khu vực dự án đòi chủ đầu tư sớm tổ chức đối thoại, có hướng xử lý ổn thỏa. UBND huyện Phú Ninh sau đó đã chủ trì đối thoại với người dân, nhưng đến nay người dân chưa nhận được biên bản cuộc họp, dù có nhiều ý kiến phản ánh.
“Bán kính ngập úng đến 500-700 m, không chỉ gây ngập ruộng đồng, mà cả nhà ở. Chúng tôi không thể sống trong tình cảnh này quá lâu”, ông Thắng thở dài và cho rằng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm với người dân, nếu tiếp tục thi công mà tình trạng ngập úng chưa được giải quyết dứt điểm, thì nhất định sẽ vấp phải sự phản ứng, ngăn cản.
Vì sao điều chỉnh diện tích đất lúa đã giao?
Theo đề nghị của Newland Quảng Nam và Sở Xây dựng, ngày 31/7/2020, ông Huỳnh Khánh Toàn, lúc đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Quyết định số 2087 phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) Khu phố chợ Chiên Đàn.
Theo đó, 5 lô đất tái định cư gồm các lô số 1, 2 , 3 của khu B1 và các lô số 1, 2 của khu B2 (tổng diện tích 600 m2) được điều chỉnh thành đất ở liền kề. Cùng với đó, 5 lô đất liền kề gồm các lô 16, 17 (khu A4), các lô số 4, 5 (khu A6), lô số 10 (khu A11) với tổng diện tích 611,68 m2 thành đất ở tái định cư. Như vậy, sau khi điều chỉnh, quỹ đất tái định cư tăng khá khiêm tốn, chỉ 11,68 m2.
Cũng ông Huỳnh Khánh Toàn, ngày 30/10/2020, đã ký Quyết định số 2971 đính chính ký hiệu trong Bảng cơ cấu sử dụng đất tại khoản 2, Điều 1, Quyết định số 2087 ngày 31/7/2020 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) Khu phố chợ Chiên Đàn. Cụ thể, ký hiệu đất tái định cư từ 16-A14, 17-A14 được thay đổi thành 16-A4, 17-A4.
Đáng chú ý, ngày 18/9/2020, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Quyết định 2578 điều chỉnh một số nội dung tại các quyết định số 3588/QĐ-UBND ngày 11/11/2019, 4257/QĐ-UBND ngày 26/12/2019 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất, giao đất cho Newland Quảng Nam để thực hiện Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn.
Quyết định số 2578 điều chỉnh khoản 1 của Quyết định số 3588/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của UBND tỉnh từ “giao toàn bộ diện tích đất 76.639,7 m2” thành “giao toàn bộ diện tích đất 76.093 m2” (vị trí, ranh giới không thay đổi), giảm 546,7 m2 (giảm từ các loại đất: đất trồng lúa nước 473,6 m2 và đất bằng trồng cây hàng năm khác 73,1 m2).
Quyết định 2578 còn điều chỉnh khoản 2, Quyết định số 3588/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của UBND tỉnh thành “diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa: 61.829,2 m2”, “mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa: 70% x 45.000 đồng/m2 x 61.829,2 m2 = 1.947.619.800 đồng”.
Đặc biệt, Quyết định 2578 giao diện tích đất nằm ngoài ranh giới quy hoạch 546,7 m2 (gồm đất trồng lúa nước 473,6 m2; đất bằng trồng cây hàng năm khác 73,1 m2) cho UBND xã Tam Đàn quản lý theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam điều chỉnh khoản 1, Quyết định số 4257/QĐ-UBND ngày 26/12/2019 từ “giao toàn bộ diện tích đất 18.898 m2” thành “giao toàn bộ diện tích đất 18.834 m2” (vị trí, ranh giới khu đất không thay đổi), giảm 64 m2 (giảm từ các loại đất: đất trồng lúa nước 44,9 m2; đất bằng trồng cây hàng năm khác 19,1 m2).
Khoản 2, Quyết định 4257 được điều chỉnh thành “diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải nộp tiền để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa: 16.995,8 m2”, “mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa: 70% x 45.000 đồng/m2 x 16.995,8 m2 = 535.367.700 đồng”.
UBND tỉnh Quảng Nam giao diện tích đất nằm ngoài ranh giới quy hoạch 64 m2 (gồm: đất trồng lúa nước 44,9 m2; đất bằng trồng cây hàng năm khác 19,1 m2) cho UBND xã Tam Đàn quản lý theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Xuân Vinh, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam xác nhận, việc giao đất lúa cho Newland Quảng Nam thực hiện Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 40 ngày 6/12/2018. Tuy nhiên, với câu hỏi “Khi điều chỉnh giảm diện tích đất lúa đã giao trước đó, UBND tỉnh có giải trình với HĐND tỉnh hay không?”, ông Vinh không phản hồi (!).
Đánh giá tác động môi trường “có vấn đề”
Theo tài liệu của phóng viên Báo Đầu tư, ngày 27/8/2018, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định 2591 phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn. Thế nhưng, sau khi Newland Quảng Nam đổ đất san nền, thi công hạ tầng kỹ thuật, thì ngập úng cục bộ xảy ra.
Kết quả tính toán được tổng hợp tại các bảng 3.25 đến 3.27 của hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án thể hiện tổng diện tích ngập lụt sau quy hoạch (sau đầu tư) giảm hơn so với hiện trạng ở tất cả các trường hợp, do phần diện tích xây dựng của Dự án chiếm chỗ. Điều đó đồng nghĩa, chiều sâu ngập lụt sau quy hoạch sẽ lớn hơn so với hiện trạng.
Thuyết minh tính toán thủy lực, thủy văn do Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng và Môi trường Nam Phương lập có tính toán xác định phạm vi và chiều sâu ngập tăng thêm so với trước quy hoạch, nhưng chưa được đưa vào Báo cáo đánh giá tác động môi trường để tổ chức thẩm định, phê duyệt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho rằng, cần tổ chức đánh giá bổ sung tiêu chí chiều sâu ngập khi thực hiện quy hoạch để có đề xuất giải pháp giảm ngập cho các khu vực phụ cận của Dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Đó là chưa kể, khu vực đầu tư xây dựng Dự án có diện tích lưu vực tập trung dòng chảy lũ rất lớn. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, hệ thống thoát nước dọc (hướng Tây - Đông) chưa tương xứng và vị trí lắp đặt chưa thuận lợi để đảm bảo tiêu thoát hết lưu lượng lũ do mưa lớn gây ra, nên đã làm gia tăng mức ngập so với trước khi đầu tư xây dựng, gây ngập cục bộ tại một số vị trí.
Trong khi đó, dòng chảy từ thượng nguồn suối Tây Yên thường xuyên bị tắc nghẽn tại vị trí cầu Ông Trang 1 và cầu Ông Trang 2; khẩu diện cống tiêu dưới tuyến đường từ Quốc lộ 1A vào khu vực Dự án chưa đảm bảo, nên làm tăng áp lực tiêu thoát tại cầu Ông Trang 2 (cầu phía Nam) và hạn chế dòng chảy về cầu Ông Trang 1 (cầu phía Bắc), làm dâng mực nước về thượng nguồn suối Tây Yên và tràn qua khu vực chợ Chiên Đàn cũ, gây ngập tăng thêm cho khu vực này.
Ngoài ra, qua quan sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số cống tiêu được thi công có cao trình đáy cống cao hơn cao trình mặt ruộng tự nhiên, nên chưa đảm bảo tiêu cạn nước tại các cánh đồng phía Tây khu vực Dự án, không đảm bảo điều kiện cho nhân dân canh tác trong vụ đông - xuân năm 2021 - 2022.
Thực tế trên phần nào mở ra dấu hỏi về năng lực thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án của UBND tỉnh Quảng Nam. Và không phải “ngẫu nhiên” mà ngày 17/9/2021, UBND tỉnh này chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2591/QĐUBND ngày 27/8/2018, yêu cầu Newland Quảng Nam bổ sung đánh giá khả năng ngập lụt khu vực xung quanh khi đầu tư hoàn thành Dự án vào Báo cáo đánh giá tác động môi trường, lấy ý kiến cộng đồng dân cư liên quan và tổ chức đánh giá bổ sung, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh (nếu có) để đảm bảo hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân khi đầu tư hoàn thành Dự án.
Tổ chức kiểm tra hiện trường, rà soát hồ sơ, vận động người dân…
UBND tỉnh Quảng Nam vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đánh giá ngập úng Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn để yêu cầu Công ty Newland Quảng Nam bổ sung đánh giá tiêu chí chiều sâu ngập khi thực hiện quy hoạch, đề xuất giải pháp giảm ngập cho các khu vực phụ cận của Dự án; tổ chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu có).
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Phú Ninh, Công ty Newland Quảng Nam và các sở, ngành liên quan kiểm tra thực địa khu vực lân cận dự án và thực tế hiện trường thi công, rà soát các hồ sơ pháp lý để điều chỉnh, bổ sung đảm bảo hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân; báo cáo UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, Giám đốc Công ty Newland Quảng Nam khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan làm việc với cộng đồng dân cư các thôn Thạch Hòa, Đàn Hạ, Đàn Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh để công khai các hồ sơ, tài liệu, đề xuất phương án khắc phục các tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Dự án và tuyên truyền, giải thích, vận động các hộ dân chấp hành chủ trương đầu tư dự án, đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
(Còn tiếp)