Hóa giải bất ổn của thị trường lao động trước Tết

21/12/2022 14:07

Những tưởng thị trường lao động sẽ duy trì ổn định tới hết năm, nhưng ở thời điểm trước Tết Nguyên đán lại đang có dấu hiệu bất ổn khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu ra, dẫn tới nguy cơ giãn việc, giảm giờ làm hay nghiêm trọng hơn là người lao động phải nghỉ Tết sớm… Điều này đòi hỏi giải pháp căn cơ để giữ ổn định thị trường lao động trong thời gian tới.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho hay, hiện cả nước có 528 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do giảm đơn hàng với số lao động bị tác động là hơn 637.000 người; trong đó, hơn 53.000 người lao động thiếu việc làm, tương đương khoảng 8% số lao động bị ảnh hưởng. Dự báo, trong 3 tháng tới, thị trường sẽ giảm khoảng 75.000 lao động.

Lo lắng trước tình trạng giảm, giãn việc

Những con số thống kê sơ bộ đến giữa tháng 12 của Bộ LĐ-TB&XH đã cho thấy, tình hình lao động việc làm trong một tháng trở lại đây có nhiều khó khăn do một số ngành giảm đơn hàng dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, lao động phải nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động.

tinh-trang-cat-giam-lao-dong-gian-viec-giam-gio-lam-lao-dong-phai-nghi-viec-luan-phien-dang-xuat-hien-nhieu-hon-1671604913.jpg
Tình trạng cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, lao động phải nghỉ việc luân phiên đang xuất hiện nhiều hơn.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), cho hay đầu ra của doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn, hàng tồn kho ở thị trường Mỹ, EU rất lớn, khiến doanh nghiệp phải giảm công suất xuống 80%, công nhân nghỉ việc luân phiên, hầu như không phải làm tăng ca. Do vậy, doanh nghiệp cũng không có nhu cầu tuyển thêm lao động mới.

Theo phản ánh, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long đã gửi tâm thư đến toàn thể cán bộ nhân viên, nhằm chia sẻ về những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp đang gặp phải, cũng như kế hoạch tái cơ cấu sắp tới.

Để Tân Long Group tiếp tục đứng vững, phát triển, đạt được mục tiêu của mình trong tương lai, năm 2023, phía doanh nghiệp này quyết định sẽ tái cơ cấu toàn bộ hệ thống, bao gồm: tổ chức lại lao động, sàng lọc và tinh giản bộ máy nhân sự, điều chỉnh thu nhập - giảm lương.

"Tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đến những cán bộ nhân viên nằm trong danh sách phải thôi việc trong đợt này do tái cơ cấu, cũng như những cán bộ nhân viên còn ở lại phải bị giảm mức thu nhập của mình để chia sẻ khó khăn, giúp Tân Long Group có thể hoàn thành công cuộc tái cấu trúc này", Chủ tịch Trương Sỹ Bá nêu trong thư.

Người lao động phải nghỉ Tết sớm cũng xuất hiện trong bài phát biểu của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 vừa diễn ra cho thấy tình trạng lao động nghỉ việc, cắt giảm giờ làm có xu hướng gia tăng...

Để giữ ổn định thị trường lao động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo, phối hợp với các địa phương chủ động, thường xuyên nắm tình hình về hoạt động sản xuất, kinh doanh, về tuyển dụng, sử dụng lao động, cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp; Chủ động có giải pháp cơ cấu lại lao động, phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra, đặc biệt trong dịp Tết.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp vượt qua thách thức, bảo đảm việc làm, thu nhập và tập trung chăm lo đời sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão.

Cần sự chia sẻ của doanh nghiệp với người lao động

Chia sẻ với VnBusiness, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết tại thời điểm 9 tháng năm 2022, lợi nhuận đạt 1.186 tỷ đồng, vượt hơn 24% so với kế hoạch được giao. Nhưng, từ tháng 8, thị trường có dấu hiệu xấu và từ tháng 9, thị trường dệt may đổi chiều đi xuống. Trong những tháng đầu quý IV, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may đơn hàng giảm mạnh, thông tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục được đưa về, đặc biệt là các đơn vị sợi.

“Điều này phần nào khiến kết quả hoạt động của một số đơn vị trong Tập đoàn chững lại. Trong bối cảnh nhiều khó khăn “bủa vây”, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của Vinatex ước đạt mức doanh thu hợp nhất là 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch”, Vinatex cho biết.

Đáng chú ý, trước bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành phải cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng thì các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex chưa phải thực hiện việc giảm lao động trực tiếp bằng việc hoãn hay cắt giảm hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Vinatex cho hay người lao động sẽ không có tăng ca, làm thêm giờ mà giảm khoảng 20% giờ làm so với bình quân những tháng cao điểm của những năm trước. Vinatex vẫn lo đủ đơn hàng sản xuất để người lao động có việc làm từ 40 - 48 giờ/tuần.

Đại diện Vinatex cũng cho biết, tính trung bình trên toàn hệ thống của Vinatex, thu nhập bình quân của người lao động năm 2022 ước đạt 9,67 triệu/người/tháng, tăng 14% so với năm 2021. Điều này là do các đơn vị thành viên của Vinatex vẫn cố gắng duy trì chế độ lương thưởng cho người lao động trong Tết Nguyên đán 2023 nhằm duy trì và ổn định nguồn lao động.

“Hiện tại, 100% các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex đều đảm bảo tháng lương thứ 13 cho người lao động, một số đơn vị lớn như: Hòa Thọ, Dệt May Huế, Hanosimex, Phong Phú… đều có chi thêm ít nhất từ 0,5 – 2 tháng lương cho người lao động ngoài tháng lương thứ 13. Đây là nỗ lực rất lớn từ phía các doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay”, đại diện Vinatex cho hay.

Đại diện Vinatex nhấn mạnh: "Trong quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, chúng tôi luôn xác định có 2 nguồn tài sản quý nhất của doanh nghiệp cần phải bảo vệ là lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng. Bằng các biện pháp triệt để nhất, Vinatex sẽ đảm bảo ổn định nguồn lao động, giữ vững mối quan hệ với khách hàng để khi thị trường phục hồi sẽ nhanh chóng tổ chức sản xuất, chớp lấy các cơ hội từ thị trường".

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc bảo đảm đủ số lượng lao động và đủ kỹ năng lao động cần thiết cho quá trình phục hồi kinh tế đang là thách thức đặt ra với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

“Trong hai năm qua, chúng ta đã phải đối mặt với gián đoạn nguồn cung lao động tại một số thời điểm do hệ lụy của dịch COVID-19. Khó khăn về đơn hàng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2022 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm của một bộ phận người lao động. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa từ phía cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường, cố gắng đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Đây là cách bền vững để phát triển nguồn lực trong chính doanh nghiệp, giúp người lao động cống hiến nhiều hơn”, bà Minh chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết "Hóa giải bất ổn của thị trường lao động trước Tết" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).