Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), riêng trong hai tuần cuối của tháng 5/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là hơn 14.300 tỷ đồng, trong đó nhóm doanh nghiệp bất động sản là 7.000 tỷ đồng, doanh nghiệp kinh doanh nguyên vật liệu khoảng 2.600 tỷ đồng và các ngân hàng là 2.000 tỷ đồng…
Luỹ kế từ đầu năm tới nay, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận đạt gần 31.700 tỷ đồng với 7 đợt phát hành công chúng có giá trị 5.500 tỷ đồng (chiếm 17% tổng khối lượng phát hành) và 15 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị hơn 26.100 tỷ đồng (chiếm 83%).
Trong 12 ngày đầu tháng 5, các doanh nghiệp đã thực hiện mua 2.449 tỷ đồng trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn luỹ kế từ đầu năm đến nay đạt gần 53.000 tỷ đồng (tăng 48,3% so với cùng kỳ năm trước).
Trên thực tế, sau Tết Nguyên đán, nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp rất lo lắng với thông tin Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố về danh sách 54 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi cho trái chủ (trong đó có trên 30 doanh nghiệp bất động sản).
Đến tháng Năm, FiinRatings (công ty vị xếp hạng tín nhiệm nội địa) ghi nhận gần 100 tổ chức phát hành công bố chậm trả nợ trái phiếu doanh nghiệp với giá trị lên tới 128 nghìn tỷ đồng, tương đương 16% tổng quy mô trái phiếu phi ngân hàng đang lưu hành.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thị trường trái doanh nghiệp về tổng quan đã phát triển nhanh trong những năm gần đây và chiếm khoảng 12,6% GDP năm 2022. Tuy nhiên đến năm 2022, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã giảm 45% so với năm 2021, đạt 337 nghìn tỷ đồng. Sang đến quý 1/2023, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành chỉ đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng và trong tháng Tư, thị trường ghi nhận duy nhất 1 lô trái phiếu riêng lẻ phát hành thành công với trị giá 671 tỷ đồng.
Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nêu rõ khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 là gần 290.000 tỷ đồng, trong đó quý 3 lớn nhất với khoảng hơn 104.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thị trường và doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đang “chậm” khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu, gây tiềm ẩn nhiều rủi ro về áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại Nhà nước thảo luận về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới... Thủ tướng nhấn mạnh điều quan trọng là phải đưa ra các công cụ, cách thức, phương pháp để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có điều kiện, khả năng thanh toán cho các trái chủ theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường niềm tin của thị trường.
"Bộ Tài chính cần phát huy vai trò chủ động hơn nữa, thảo luận với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái chủ để tìm ra tiếng nói chung, giải pháp chung trên nguyên tắc lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng chỉ đạo.