Nhận định này được Ngân hàng HSBC đưa ra trong báo cáo mới công bố. Các chuyên gia tại đây nhận định lạm phát nhiều khả năng sẽ giảm dần ở khu vực ASEAN, đồng nghĩa áp lực giá tăng tới ít nhất là nửa đầu năm 2023.
HSBC cũng dự báo trong quý I đầu năm, CPI so với cùng kỳ của Việt Nam đạt 4,6%, quý II và quý III đạt lần lượt 3,7% và 3,6% Quý IV dự báo lạm phát đạt 4%. Cả năm đạt 4%.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1 tăng mạnh 0,5% so với tháng trước, chủ yếu do giá thực phẩm và đồ uống tăng.
CPI nhóm lương thực và thực phẩm tăng 0,8% so với tháng trước trong khi CPI nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,1% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết. CPI nhóm giao thông tăng 1,4% so với tháng trước do giá xăng dầu trong nước hồi phục vào tháng 1.
Tính theo năm, CPI của Việt Nam trong tháng 1/2023 tăng 4,89% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Các tổ chức trong nước hầu hết có chung nhận định lạm phát sẽ cao nửa đầu 2023 do một số yếu tố như tăng lương cơ sở. "Khi lương cơ sở tăng, lạm phát cũng có xu hướng tăng do tâm lý tăng lương gắn với tăng giá hàng tiêu dùng của một bộ phận người kinh doanh tạp hóa, bán lẻ", các chuyên gia của VNDirect mới đây nhận định.
Ngoài ra, nhiều khả năng Chính phủ sẽ tăng giá một số dịch vụ công thiết yếu như điện, y tế, học phí trong năm nay. Một yếu tố khác nữa phải kể đến tác động của việc USD mạnh lên đối với nguyên liệu nhập khẩu nhiều khả năng còn kéo dài đến quý III mặc dù hàng hóa toàn cầu đã đạt đỉnh.
Nhận định khác với HSBC, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế - Vĩ mô, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng lạm phát ở Việt Nam đã qua đỉnh.
"Lạm phát năm 2022 tăng dần qua từng quý và đến tháng 1 năm nay lên đến đỉnh điểm 4,89% so với cùng kỳ. Nếu tính so với cùng kỳ, tháng 1 là đỉnh lạm phát, từ tháng 2 trở đi, lạm phát sẽ giảm dần và xuống mức 3-3,5% trong vòng 2-3 tháng tới. Nguyên nhân do sức cầu tiêu dùng hiện khá yếu", ông nói và dự báo lạm phát trung bình cả năm 2023 ở dưới mức 3,5%.