Để chủ động nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023, thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường, thực hiện tốt nhất việc phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn hàng hợp lý, chất lượng tốt, an toàn, giá cả ổn định. Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường; đồng thời, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Năm nay, người tiêu dùng tập trung chọn mua những mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm chất lượng, đặc biệt là coi trọng nguồn gốc xuất xứ, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ Organnic và được dán tem xác nhận “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”. Khảo sát thực tế tại siêu thị tự chọn 83 Mạnh Phương (thành phố Hưng Yên), thời điểm này, hàng hóa liên tục được sắp xếp và bày lên kệ để đón khách. Theo đó, những quầy kệ kinh doanh hàng hóa thiết yếu được ưu tiên trưng bày ở những vị trí lối đi thuận lợi nhất để khách hàng quan tâm và mua sắm, mẫu mã cũng được cập nhật khá bắt mắt. Dịp này, siêu thị tăng dự trữ 10% - 30% so với ngày thường, tăng trung bình 15% - 20% so với cùng kỳ năm trước, với tổng giá trị hàng hóa lên tới hàng tỷ đồng.
Toàn tỉnh hiện nay có trên 100 chợ dân sinh cùng hàng chục siêu thị và hàng trăm cửa hàng tiện ích. Thời điểm này, tại các đại lý phân phối, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiểu thương các chợ trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động số lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Ở các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, các shop mỹ phẩm, quần, áo từ thành thị đến nông thôn đã bày bán đa dạng nhiều mặt hàng với giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định. Theo các chủ kinh doanh, năm nay Tết Nguyên đán đến sớm và gần với Tết Dương lịch nên kế hoạch hàng hóa cũng được chuẩn bị từ sớm.
Hơn nữa, trong những năm gần đây, xu hướng người dân thường mua sắm Tết sớm nên các mặt hàng, như: Áo, quần, đồ gia dụng, trang trí, hàng gia vị, thực phẩm công nghiệp..., lượng khách mua tăng dần. Anh Nguyễn Văn Hiệu, chủ cơ sở kinh doanh Hiền Châm tại thị trấn Trần Cao (Phù Cừ) cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã nhập về nhiều loại hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các chi phí sản xuất tăng nên một số hàng hóa tăng giá nhẹ nhưng lượng hàng hóa cơ bản vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong dịp Tết”.
Để bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường hàng hóa, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch bảo đảm các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh triển khai Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; Cục Quản lý thị trường Hưng Yên chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm vi phạm gắn với mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường; tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết.
Sau hơn một tháng triển khai Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, từ ngày 15/11/2022 đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện và xử lý 20 vụ vi phạm kinh doanh thương mại với tổng số tiền thu phạt nộp ngân sách Nhà nước trên 1 tỷ đồng. Tiến hành tiêu hủy hàng hóa vi phạm, không bảo đảm chất lượng trị giá gần 56 triệu đồng.
Đồng chí Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ mua sắm Tết cổ truyền của Nhân dân, sở đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… trong tỉnh để nắm tình hình, kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh thương mại chủ động nguồn hàng hóa dự trữ (ưu tiên hàng Việt Nam, nhất là hàng Việt Nam chất lượng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng hàng dự trữ phục vụ Tết); bảo đảm hàng hoá có chất lượng, đa dạng về mẫu mã, phong phú về hình thức, chủng loại, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị trường Tết; triển khai hoạt động tri ân khách hàng thông qua các chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là hàng Việt Nam, hàng hóa được sản xuất trong tỉnh. Hàng hóa năm nay đa dạng, phong phú, đáp ứng đủ nhu cầu của Nhân dân trong dịp Tết, bảo đảm không đứt gãy, thiếu hụt hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2023./.