Theo cuốn "Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình phát hành năm 2020" của Tổng cục Thống kê Việt Nam đã cho thấy bức tranh xu hướng kết hôn với nhiều biến động lớn trong 30 năm trở lại đây.
Theo đó, độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới Việt Nam đã tăng từ 24,4 vào năm 1989 lên 27,9 vào năm 2020. Nam giới có xu hướng ngày càng kết hôn trễ hơn. Đặc biệt như ở TP.HCM, độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới đã xấp xỉ 30 tuổi.
Từng nghĩ đến việc kết hôn ở độ tuổi trẻ hơn, nhưng…
Điển hình cho số liệu trên là anh Nguyễn Minh Hoàng (34 tuổi, kinh doanh cây kiểng ở 553 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã chọn kết hôn ở tuổi 32 tuổi.
"Tôi kết hôn trễ vì trước đây bản thân đã trải qua khá nhiều mối tình. Khi ấy, tôi vẫn còn ham chơi, lo cho sự nghiệp và cảm thấy mình chưa sẵn sàng để lập gia đình. Tuy nhiên, đến khi tôi gặp vợ hiện tại (năm tôi 31 tuổi), tôi cảm thấy đủ can đảm để từ bỏ cuộc sống độc thân và cùng cô ấy xây dựng mái ấm. Chúng tôi có sự tương đồng khá lớn về mặt cảm xúc và suy nghĩ”, anh Hoàng nói.
Anh Hoàng là con trai một gia đình nên anh từng có suy nghĩ sẽ kết hôn ở độ tuổi trẻ hơn, bởi sức ép từ phụ huynh.
“Tuy nhiên, quan điểm của tôi là kết hôn đúng người quan trọng hơn là kết hôn sớm. Và tôi cảm thấy kết hôn sau 30 tuổi là một quyết định thực sự đúng đắn. Ở độ tuổi này, tôi thấy mình chững chạc và trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành động. Nhờ đó mà bản thân biết cảm thông và chăm lo cho người bạn đời của mình hơn. Sự chín chắn ngoài 30, cũng giúp tôi suy nghĩ thấu đáo hơn khi lựa chọn bạn đời, không còn quá bồng bột, cảm xúc nhất thời như hồi còn đôi mươi”, anh Hoàng cho hay.
“Bên cạnh đó, tài chính của tôi ở độ tuổi này cũng tương đối ổn định. Tôi có nhà, có công việc tốt và một số kênh đầu tư đem lại thu nhập khá cao,... điều đó giúp cho gia đình không phải thiếu thốn, tránh được những mâu thuẫn về mặt chi tiêu”, anh Hoàng nói thêm.
Cũng giống như anh Hoàng, anh Nguyễn Văn Lộc (35 tuổi) ngụ tại 451/11/22 Tô Hiến Thành, P.14, Q.10, TP.HCM, cũng lập gia đình ở tuổi 33 sau hơn 4 năm tìm hiểu một nửa của đời mình.
Anh Lộc cho hay anh bắt đầu yêu ở đôi mươi nhưng bản thân vẫn chưa muốn kết hôn. Tại thời điểm đó, một số người thân còn gắn mác anh là ế, khó tính.
“Tôi kết hôn trễ không phải do ế, mà là vì tôi muốn xây “nền móng” vững chắc về kinh tế, tài chính, để từ đó không gây áp lực cho phụ huynh và con của mình sau này cũng đủ đầy hơn. Với lại, tôi suy nghĩ nếu cuộc sống hôn nhân không hài hòa về mặt tình cảm và vật chất thì khó mà ổn định lâu dài được" anh Lộc nói.
Anh Lộc chia sẻ thêm: “Kết hôn trễ, tôi thấy mình chín chắn hơn trong hôn nhân, ít xảy ra cãi vả, tài chính cũng ổn định từ đó tôi thuận lợi lo cho gia đình. Hai người không phải sống hôm nay lo nồi cơm ngày mai".
Kết hôn trễ có nhiều lợi thế?
Chị N.T.N (32 tuổi, làm viên chức ở Q.11, TP.HCM) vừa mới lên xe hoa vào đầu năm 2022 cùng người chồng lớn hơn mình 2 tuổi.
Chị N. cho rằng kết hôn sớm hay muộn là tùy theo quan niệm của mỗi người. Đôi khi chị thấy bạn bè xung quanh vội kết hôn sớm rồi tan vỡ và hối tiếc khiến bản thân cũng cảm thấy lo lắng. “Tôi kết hôn trễ vì một phần thích cuộc sống tự do, muốn chuẩn bị một nền tảng thật tốt khi bước vào hôn nhân”, chị N. chia sẻ.
Chúng tôi hỏi chị N.: "Là phụ nữ nếu kết hôn trễ có áp lực về việc sinh con hay không?" Chị N. tâm sự: "Nếu tôi sinh con ở độ tuổi muộn sẽ có rất nhiều bất cập và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Tuy nhiên, những áp lực từ đâu thì mình phải giải quyết từ đó, quan trọng là tôi thuyết phục gia đình tôn trọng quyết định của mình. Song song đó, hiện nay cũng có rất nhiều phương pháp y học tiên tiến nên tôi cũng không quá lo lắng".
Ngoài vấn đề tài chính, chị N. cho rằng thời gian sẽ giúp chị và chồng mình trưởng thành về nhiều mặt. "Ở từng độ tuổi mà khả năng xử lý tình huống của đối phương cũng sẽ dần lớn và hoàn thiện hơn. Khi bước sang tuổi 30, tôi không còn đặt ra những hình mẫu đàn ông mà bản thân hướng đến, thay vào đó tôi xác định thứ mình sẽ cần tìm kiếm ở người bạn đời. Đó là người đồng hành cùng tôi để vượt qua khó khăn, chông gai, hơn là sự đẹp đẽ, hào nhoáng bên ngoài”, chị N. nói.
Trong khi đó, chị Đặng Mạch Minh Trang (26 tuổi), làm việc tại Công ty truyền thông đa phương tiện GDL JSC, đường Võ Thị Sáu, Q.3 (TP.HCM) cũng lựa chọn phương án… đám cưới trễ.
“Kết hôn là quyết định khá quan trọng trong đời của mỗi người nên với tôi thì cần xem xét nhiều khía cạnh để đi đến quyết định kết hôn. Ngoài việc cần một người đồng hành có chung chí hướng và hợp với mình thì theo ý kiến chủ quan của tôi cần có sự chuẩn bị về kinh tế ổn định nơi an cư lập nghiệp", Trang chia sẻ.
Theo chị Trang, chị và bạn trai của mình mong muốn hai người sẽ kết hôn khi cô bước sang tuổi 30. “Tính cách tôi khá tự do. Với lại tôi là người đam mê du lịch nên tôi muốn dành thêm vài năm để trải nghiệm. Bên cạnh đó, với tôi vấn đề kinh tế không phải là tất cả nhưng đó là nền tảng vững chắc cho bản thân và gia đình mình sau này”, cô gái 26 tuổi nói.
“Việc kết hôn trễ, giúp chúng tôi tích lũy đủ kinh nghiệm sống, từ đó hai vợ chồng sẽ có cách cư xử, hành động tinh tế hơn trong các tình huống gia đình. Kinh tế sẽ vững chải hơn để con cái có thể thụ hưởng được môi trường sống, học tập và phát triển tốt nhất. Ngoài ra, có kinh tế ổn định thì có thể lo cho 2 bên gia đình...”, Trang chia sẻ.