Đài CNBC ngày 26-11 cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tích cực theo dõi thông tin về một loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên mã là B.1.1.529 vừa được phát hiện hồi đầu tuần này. Theo trưởng nhóm nghiên cứu về COVID-19 của WHO - TS Maria Van Kerkhove, các chuyên gia đã họp và sẽ xem xét liệu sẽ xếp biến thể B.1.1.529 vào nhóm biến thể đáng quan tâm hay đáng lo ngại, sau đó sẽ đặt tên chính thức cho biến thể này.
“Chúng tôi hiện không có quá nhiều thông tin về biến thể mới. Điều chúng tôi biết lúc này là nó mang nhiều đột biến và nhiều khả năng các đột biến này sẽ làm thay đổi đáng kể cơ chế lây lan của virus” - theo bà Van Kerkhove.
Chuyên gia làm việc trong một phòng thí nghiệm dịch tễ thuộc ĐH Cambridge (Anh) hồi tháng 6. Ảnh: REUTERS
Tại sao cần quan tâm biến thể B.1.1.529?
Theo đài BBC, điều khiến biến thể B.1.1.529 khác biệt và có thể nguy hiểm hơn các biến thể trước đó nằm ở chỗ nó có tới 32 đột biến trong protein gai - bộ phận giúp virus bám vào các tế bào người. Để so sánh, Alpha có trên dưới 20 đột biến, trong khi Delta chỉ có 15-17 đột biến.
Thông thường, các đột biến khi xuất hiện ở protein gai sẽ giúp virus có khả năng lây lan nhanh hơn, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn. GS Tom Peacock thuộc ĐH Hoàng gia London (Anh) xác nhận các nghiên cứu sơ bộ do ông tự tiến hành về biến thể B.1.1.529 phát hiện biến thể này có đồng thời hai đột biến P681H và N679K làm tăng sức lây nhiễm và giảm khả năng nhận biết của kháng thể. Hai đột biến này từng xuất hiện ở các biến thể Alpha, Mu và Gamma.
“Cần phải theo dõi sát sao hướng lây lan của biến thể B.1.1.529. Đây là lần đầu tiên tôi thấy hai đột biến P681H và N679K cùng xuất hiện trên một biến thể. Cộng với số lượng đột biến khủng khiếp của nó, B.1.1.529 có thể là mối nguy lớn nhất mà con người phải đối mặt từ hồi đầu dịch đến nay” - ông Peacock cảnh báo.
Trong khi đó, GS Francois Balloux thuộc ĐH London (Anh) cho biết số lượng lớn các đột biến trong biến thể B.1.1.529 dường như đã được tích lũy từ một loạt “các đợt bùng phát nhỏ lẻ”. Do lúc này số liệu còn hạn chế nên việc dự đoán biến thể này sẽ còn phát triển tới đâu rất khó khăn, song ông vẫn hy vọng là việc có quá nhiều đột biến sẽ khiến cấu trúc của virus bất ổn, dẫn tới tự diệt theo thời gian.
Với kinh nghiệm đối phó và hiểu biết về các biến thể Alpha và Delta, thế giới cần hiểu ra là phản ứng đúng và sớm hiệu quả hơn nhiều so với hành động muộn. Dù vẫn có khả năng biến thể mới không nguy hiểm như Delta nhưng nếu dự đoán sai thì cái giá phải trả là rất đắt.
GS EWAN BIRNEY, Phó Giám đốc
Phòng thí nghiệm sinh học phân tử châu Âu
>
B.1.1.529 có thể là “siêu biến thể” từng được cảnh báo
Việc phát hiện biến thể B.1.1.529 với các đặc điểm có phần vượt trội hơn các biến thể trước đã chứng minh một kịch bản rất đáng lo ngại mà nhiều nhà khoa học đã cảnh báo thời gian qua: Các biến thể sinh ra từ chủng gốc đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn, theo tờ The Guardian. Với đà này, việc xuất hiện một “siêu biến thể” với độc tính và khả năng lây lan chưa từng thấy có thể chỉ là vấn đề thời gian. Thậm chí, GS Ravi Gupta thuộc ĐH Cambridge (Anh) còn dự đoán những “siêu biến thể” như vậy có tới 80% khả năng xuất hiện và lây nhiễm trên diện rộng trong hai năm tới.
“Từ cuối năm ngoái, giới dịch tễ học bắt đầu quan sát thấy các dấu hiệu của một hiện tượng được gọi là tái tổ hợp virus với các phiên bản khác nhau của virus SARS-CoV-2 trao đổi các đột biến và kết hợp để tạo thành một biến thể hoàn toàn mới. Quá trình tái tổ hợp này không phổ biến nhưng sẽ diễn ra ngày càng thường xuyên hơn nếu số ca nhiễm vẫn tiếp tục xuất hiện hằng ngày” - bà Gupta nói.
Đầu năm nay, chuyên gia này cũng từng công bố một nghiên cứu cho thấy quá trình tái tổ hợp cũng có khả năng xảy ra ở những người nhiễm bệnh nặng được cho dùng huyết tương chứa kháng thể diệt virus. Do hệ thống miễn dịch của họ không thể loại bỏ virus hoàn toàn, virus đã đột biến thành một biến thể mới dựa trên kháng thể đó. Bà Gupta còn đưa ra khả năng rằng việc sử dụng rộng rãi huyết tương chứa kháng thể để điều trị trong thời kỳ đầu của đại dịch là nguyên nhân thúc đẩy sự xuất hiện liên tục của các biến thể của virus SARS-CoV-2.•
Lo ngại biến thể mới, các nước bắt đầu hành động
Hãng tin Reuters cho biết các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể B.1.1.529 được ghi nhận tại Botswana vào ngày 11-11. Ba ngày sau, Nam Phi cũng ghi nhận trường hợp đầu tiên. Đặc khu Hong Kong cũng ghi nhận một ca nhiễm biến thể B.1.1.529 là một người đàn ông trở về từ Nam Phi. Người này có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 khi trở về Hong Kong nhưng lại có kết quả dương tính vào ngày 13-11 khi đang cách ly. Đến ngày 26-11, đến lượt Israel ghi nhận một ca nhiễm biến thể B.1.1.529 cũng là người về từ Nam Phi.
Hiện Anh và Israel chính thức tạm dừng các chuyến bay đến một số quốc gia châu Phi gồm Nam Phi, Namibia, Botswana, Zimbabwe, Lesotho, Mozambique và Eswatini; người từ các nước này trở về phải cách ly. Nhật đang xem xét siết chặt kiểm soát biên giới với người đến từ Nam Phi và năm nước láng giềng với nước này.
Bộ Y tế Singapore cũng vừa thông báo người không phải công dân hoặc theo diện thường trú tại Singapore và có lịch sử đi lại ở Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe sẽ không được nhập cảnh hay quá cảnh tại nước này.
Úc cho biết sẽ nghiên cứu về biến thể mới và không loại trừ biện pháp đóng cửa biên giới với người đến từ châu Phi nếu thấy nguy cơ rủi ro tăng. Liên minh châu Âu cũng đang xem xét ngừng các chuyến bay từ vùng phía nam châu Phi do lo ngại về biến thể mới.