Khi ngân hàng "bán bia kèm lạc"

12/09/2022 10:47

Trong thị trường bảo hiểm thương mại, cụm từ "bancassurance" (phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng) đã không còn xa lạ.

khach-hang-vay-von-tai-ngan-hang-phai-duoc-huong-toan-bo-quyen-loi-cua-goi-vay-ngay-ca-khi-co-mua-bao-hiem-hay-khong-1662949572.jpgKhách hàng vay vốn tại ngân hàng phải được hưởng toàn bộ quyền lợi của gói vay, ngay cả khi có mua bảo hiểm hay không

Điều này giúp khách hàng có nhu cầu tham gia bảo hiểm có thêm cơ hội được tiếp cận, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm mở rộng thị trường. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến phản hồi trái chiều về kênh phân phối này.

Cả khách và nhân viên đều khó

Một ngày đầu tháng 9, trong vai người dân có nhu cầu vay tiền ngân hàng, chúng tôi tới một ngân hàng thương mại trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương). Sau khi biết nhu cầu vay tiền có thế chấp tài sản, một nhân viên của ngân hàng đã tư vấn cho chúng tôi khá kỹ về khoản vay, tiền lãi theo quy định. Tuy nhiên, nhân viên này cũng nói rõ với chúng tôi khoản vay này có lẽ sẽ bị giải ngân chậm hơn so với bình thường do phía ngân hàng đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm. Khi thấy chúng tôi tỏ vẻ mong muốn được giải ngân nhanh thì nhân viên này đã gợi ý chúng tôi có thể tham gia bảo hiểm nhân thọ với ngân hàng để có cơ hội được giải ngân vốn nhanh hơn. Người nhân viên này sau khi chia sẻ những lợi ích khi chúng tôi tham gia bảo hiểm nhân thọ còn cho biết có thể được giảm lãi suất hoặc nhiều ưu đãi khác từ phía ngân hàng...

Từ sự việc trên có thể thấy, dù không ép khách hàng phải mua bảo hiểm, nhưng việc "gợi ý" như trường hợp ở trên cũng khiến cho khách hàng khó có thể từ chối. Điều này dễ làm người ta liên tưởng cách bán hàng kiểu "bia kèm lạc". Kiểu như mua thêm lạc sẽ được cốc bia đầy hơn và ngược lại. Nhưng "đĩa lạc" này lại quá lớn với nhiều khách hàng và nhiều người không có nhu cầu.

Dù không có số liệu thống kê chính thức, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên thì việc gợi ý khách hàng mua bảo hiểm thương mại để được hưởng ưu đãi khi vay vốn vẫn diễn ra ở nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Điều này giúp cho ngân hàng có thêm nguồn thu nhập từ hoa hồng và phí bảo hiểm. Không chỉ thu được phí từ bảo hiểm, các ngân hàng còn có thể khai thác thêm nhiều dịch vụ khác từ nguồn khách hàng của bảo hiểm.

Không chỉ người vay bị ép, chính các nhân viên ngân hàng cũng phải chịu sức ép khi bị giao chỉ tiêu bán bảo hiểm. Chị V.T.H.D. (32 tuổi) ở phố Vũ Văn Thanh, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) là nhân viên tín dụng của một ngân hàng thương mại được 6 năm. Chị D. bị giao chỉ tiêu bán được 100 triệu đồng/năm với các hợp đồng của công ty bảo hiểm bên ngân hàng đã ký. "Bản thân công việc của chúng tôi đã quá nhiều áp lực, căng thẳng, lại phải đèo bòng thêm chỉ tiêu bán bảo hiểm nên thực sự quá sức với nhiều người. Hơn một năm trở lại đây chúng tôi không bị giao chỉ tiêu gắt gao như trước nhưng anh chị em trong phòng giao dịch vẫn phải chia nhau gánh để đủ chỉ tiêu...", chị D. ngao ngán nói.

Bản chất bảo hiểm rất tốt, nhưng sự kết hợp của bảo hiểm và ngân hàng đi kèm với sức ép chỉ tiêu đã làm cho hình ảnh của cả bảo hiểm và ngân hàng xấu đi. Bởi nhiều khách hàng thật sự khó khăn, cần tiền mới phải tìm đến ngân hàng, nhưng lợi dụng điều đó để bán bảo hiểm kiếm lời thì có lẽ ngành ngân hàng đã tự làm mất đi giá trị của mình.

Làm sạch môi trường tín dụng

Như đã đề cập ở trên, dù nhân viên ngân hàng hiện không ép song mua bảo hiểm sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như thời gian giải ngân nhanh, hưởng mức lãi suất ưu đãi… Chưa kể nếu từ chối mua, rất có thể khách hàng sẽ vấp phải thái độ chẳng mấy tích cực từ nhân viên ngân hàng, thậm chí là sự từ chối thẳng thừng với lý do hết hạn mức tăng trưởng tín dụng. 

Một lý do khác cũng khiến cho người vay tiền e ngại khi mua bảo hiểm với các ngân hàng là việc bồi thường khi họ xảy ra rủi ro. Với các nhân viên tư vấn, có lẽ chính họ cũng chưa hiểu hết về các sản phẩm bảo hiểm, các điều khoản trong hợp đồng để giới thiệu cho khách hàng. Bản thân các khách hàng khi đặt bút ký vào hợp đồng bảo hiểm cũng chỉ để mong sớm được vay tiền mà chưa tìm hiểu kỹ nên khi gặp rủi ro, để được bồi thường các khách hàng sẽ gặp không ít khó khăn...

Để chấn chỉnh tình trạng ngân hàng ép khách mua bảo hiểm, ngày 13.1.2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN, trong đó đề cập việc tăng cường quản lý việc bán bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng.

Tại Hải Dương, Ngân hàng Nhà nước tỉnh ngày 27.1 đã ban hành chương trình hành động của ngành ngân hàng năm 2022, trong đó nêu rõ các tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết để xây dựng môi trường tín dụng lành mạnh, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, nắm bắt thông tin để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp ép khách mua bảo hiểm khi cấp tín dụng.

Nhìn nhận một cách khách quan, việc ngân hàng tham gia mạng lưới kinh doanh bảo hiểm là một chiến lược kinh doanh tiềm năng, qua đó giúp ngân hàng có thêm lợi nhuận. Song cần tách bạch giữa bán bảo hiểm và bán sản phẩm ngân hàng.

Bạn đang đọc bài viết "Khi ngân hàng "bán bia kèm lạc"" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).