Khi thị trường chứng khoán trở thành kênh tích sản

17/11/2021 11:57

Các kỷ lục về thanh khoản và số lượng tài khoản gia nhập được thiết lập, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận bước nhảy vọt, trở thành một kênh tích lũy tài sản của các nhà đầu tư.

Cú nhảy vọt về chất của thị trường

Số liệu tại ngày chốt danh sách cổ đông trong đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của Công ty Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán VND) hồi giữa năm 2021 cho thấy, số lượng nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu VND xấp xỉ 12.880 cổ đông. Con số này gấp gần 2,5 lần so với thời điểm cuối quý I/2020. Nếu khối lượng giao dịch những ngày tháng 3/2020 chỉ quanh mức vài trăm ngàn đơn vị/phiên, thì mức bình quân trong 10 phiên gần đây nhất đã vọt lên 9,35 triệu đơn vị/phiên.

Không riêng VND ghi nhận bước nhảy vọt, mà 3 sàn giao dịch chứng khoán tập trung của Việt Nam đều đã xác lập những kỷ lục mới về số lượng nhà đầu tư tham gia, cùng sự sôi động trong mỗi phiên giao dịch.

Quy mô nhà đầu tư đến cuối tháng 10/2021 đạt hơn 3,82 triệu tài khoản, tương đương 3,9% tổng dân số. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, số tài khoản tăng thêm đã là 1,09 triệu đơn vị, bằng cả 4 năm trước đó cộng lại. Mục tiêu 5% dân số - từng có thời gian bị xem là khó khả thi với những bước chuyển mình chậm chạp giai đoạn trước đây - đang tiến gần hơn với tốc độ gia nhập thị trường 100.000 tài khoản mới/tháng hiện nay. Thanh khoản thị trường cũng liên tục nhảy vọt và gần đây nhất, đã xác lập kỷ lục mới hồi đầu tháng 11 với 1,9 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị giao dịch gần 52.150 tỷ đồng, tương đương 2,3 tỷ USD.

Câu chuyện về đầu tư chứng khoán cũng trở thành chủ đề thường xuyên trong các cuộc gặp tại nhà hàng, quán xá. Nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước nhiều tuần nay là bên mua ròng lớn, “cân” hết giao dịch bán ròng của khối ngoại. Tiền gửi của dân cư cập nhật đến tháng 9/2021 đã có tháng thứ hai giảm liên tiếp. So với thời điểm đầu năm, trong khi tổng phương tiện thanh toán tăng 6,35%, thì tăng trưởng tiền gửi của dân cư lại chỉ khiêm tốn ở mức 2,92%.

Chứng khoán trở thành kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn như một kênh thay thế tiết kiệm đã ở mức vùng lãi suất rất thấp. Từ mục đích ban đầu là tìm một kênh đầu tư mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt hơn, với không ít nhà đầu tư, hơn một năm rưỡi qua là khoảng thời gian để hiểu và lựa chọn thị trường cổ phiếu nói riêng và chứng khoán nói chung làm nơi tích lũy tài sản và phân bổ một phần trong danh mục đầu tư.

Nhiều công ty chứng khoán triển khai các buổi chia sẻ/hội thảo trên nền tảng trực tuyến hay xây dựng các ứng dụng về kiến thức căn bản của thị trường chứng khoán Việt Nam. Các sản phẩm chứng chỉ quỹ cũng phổ biến hơn, trở thành lựa chọn khác cho nhà đầu tư muốn tham gia thị trường chứng khoán mà không cần trực tiếp lựa chọn cổ phiếu cơ sở.

Tỷ lệ tài khoản chứng khoán trên tổng dân số hiện nay là con số mơ ước của vài năm trước, nhưng vẫn còn khiêm tốn khi nhìn ra các nền kinh tế xung quanh, như chỉ ngang tỷ lệ người dân Đài Loan (Trung Hoa) có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân từ hơn 30 năm trước.

Kênh kết nối vốn cho doanh nghiệp

Bước nhảy lớn lần này xuất hiện khi thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào những năm của tuổi 20. Những cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên sàn từ 21 năm trước. Tới đây sẽ là dấu mốc 1/4 thế kỷ kể từ ngày thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt những nền móng đầu tiên cho việc xây dựng thị trường.

Dòng tiền gia nhập thị trường chứng khoán đã khuấy động thị trường thứ cấp - nơi giao dịch cổ phiếu giữa các nhà đầu tư từ giữa năm 2020. Với hiệu ứng lan tỏa, sau đó, thị trường sơ cấp cũng trở nên sôi động. Hàng loạt đợt tăng vốn thực hiện trong năm 2021 đã được các nhà đầu tư tham gia, hấp thụ phần lớn lượng cổ phiếu phân phối.

Như trường hợp đợt phát hành mới cổ phiếu VND với tỷ lệ chào bán 1:1, hơn 99,7% cổ phiếu đã được cổ đông hiện hữu mua. Gần 620.000 cổ phiếu còn lại đã nhanh chóng được hấp thụ hết. Với giá phát hành lớn hơn 40% so với mệnh giá, công ty chứng khoán này đã thu về 3.113 tỷ đồng. Ngoài VNDirect, nhóm các công ty chứng khoán cũng huy động được nguồn vốn dài hạn giá trị lớn lên tới hàng ngàn tỷ đồng nhờ kênh chứng khoán, như MBS, SSI, SHS, VIX hay tới đây là HSC. Nhu cầu vốn lớn của các công ty chứng khoán nhằm đáp ứng sự phát triển của thị trường đã được bổ sung tương đối nhanh chóng, đồng thời giúp mở rộng cơ hội đi vay để tận dụng đòn bẩy tài chính để gia tăng nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.

Số lượng các đợt chào bán ra công chúng, bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu, đã tăng lên đáng kể trong nửa cuối năm 2021. Thay vì đi qua trung gian tài chính, qua kênh tín dụng, chứng khoán đang đảm nhận nhiều hơn vai trò kết nối vốn giữa doanh nghiệp (bên cần vốn cho hoạt động đầu tư kinh doanh) và nhà đầu tư (bên tìm kiếm cơ hội sinh lời với tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhờ chênh lệch giá cổ phiếu và cổ tức).

Vẫn cần thêm nguồn cung hàng chất lượng

Là một trong hai doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, REE Corp hồi tháng 10/2021 đã cán mốc vốn hóa tỷ USD. Tại ngày chào sàn với giá tham chiếu 16.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của doanh nghiệp này chỉ vỏn vẹn 240 tỷ đồng. Hơn 20 năm trên sàn cũng là khoảng thời gian để REE Corp mở rộng quy mô tài sản, nhất là bằng các hoạt động mua bán và sáp nhập. Nguồn vốn chủ sở hữu cũng được bổ sung thêm qua các đợt phát hành và tích lũy lợi nhuận.

Bản thân doanh nghiệp niêm yết này cũng như các tổ chức trên sàn đã trưởng thành hơn, tăng quy mô vốn điều lệ và nâng cao năng lực tài chính để mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị.

Tuy nhiên, thị trường vẫn cần thêm nguồn cung hàng, đặc biệt là cổ phiếu của các doanh nghiệp chất lượng. Còn không ít công ty đại chúng vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán tập trung.

Tính đến giữa tháng 11/2021, số lượng doanh nghiệp có quy mô vốn hóa thị trường vượt 1 tỷ USD đã tăng lên 60 doanh nghiệp. Con số trên đã tăng rất nhanh, từ 38 tổ chức vào cuối năm 2020. Cuối năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có 16 doanh nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD trở lên, với tổng giá trị vốn hóa chưa đến 1,2 triệu tỷ đồng.

Cũng phải lưu ý rằng, chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán là một trong các tiêu chí mang tính chất định lượng để xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán. Như theo tiêu chí của Công ty Morgan Stanley Capital International (MSCI) - công ty uy tín trong lĩnh vực cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính và xây dựng các chỉ số tham chiếu cho các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu để đo lường hiệu quả hoạt động đầu tư - đề ra năm 2021, thị trường phải có ít nhất 3 tổ chức niêm yết thỏa mãn đủ điều kiện để vào chỉ số tiêu chí, gồm vốn hóa không thấp hơn 2,34 tỷ USD, vốn hóa cổ phiếu tự do chuyển nhượng không thấp hơn 1,17 tỷ USD và giá trị giao dịch/giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng (ATVR) đạt thấp nhất 15%. Bên cạnh đó, còn là các tiêu chí về hạ tầng và khung pháp lý.

Một trong các mục tiêu mà Bộ Tài chính đề ra và cam kết thúc đẩy các giải pháp từ nhiều năm qua là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, từ thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trong các bảng xếp hạng MSCI và FTSE. Cánh cửa nâng hạng thị trường mở ra không chỉ thu hút vốn đầu tư ngoại, mà còn là động lực đưa thị trường phát triển tốt hơn, kéo thêm doanh nghiệp chất lượng lên sàn.

Nhân dịp 25 năm Ngày Truyền thống ngành chứng khoán (28/11/1996 -28/11/2021), Báo Đầu tư Chứng khoán - một ấn phẩm của Cơ quan Báo Đầu tư - phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp - kênh đầu tư sinh lời và tích sản”.

Tọa đàm diễn ra từ 8h30-11h30 ngày 18/11/2021, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ hàng đầu.

Bạn đang đọc bài viết "Khi thị trường chứng khoán trở thành kênh tích sản" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).