Khó quản lý biệt phủ, homestay trên đất nông nghiệp

23/12/2022 16:35

Trong vài năm trở lại đây, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, có hàng loạt công trình nhà ở, biệt phủ, homestay, quán cà phê… được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Trong đó, nhiều công trình có quy mô lớn, được xây dựng trong thời gian dài, nhưng chính quyền địa phương không xử lý kịp thời.

Mặc dù khu 3ha ở xã Gào thành phố Pleiku, của ông Lê Sỹ Đại (trú tại Hà Tĩnh) đang là đất trồng cây lâu năm, được quy hoạch đất thương mại-dịch vụ tầm nhìn đến 2030, không được phép chuyển đổi, nhưng chủ đất đã xây dựng trái phép một cụm công trình gồm 4 nhà gỗ, 4 chòi lục giác và gần chục căn nhà xây kiên cố cùng hệ thống đường bê tông nội bộ... Quá trình xây dựng bắt đầu từ năm 2020 và đến nay, UBND xã Gào đã lập 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính kèm theo hình thức bổ sung buộc phục hồi nguyên trạng đất.

Thế nhưng, sau mỗi lần nhận quết định xử phạt, ông Đại càng tiếp tục xây dựng thêm. Ngày 9/12 vừa qua, khi cụm công trình chuẩn bị hoàn thiện, UBND xã Gào mới gửi văn bản lần đầu tới UBND thành phố Pleiku, đề xuất cưỡng chế.

biet-phu-1671782365.jpg Công trình của ông Lê Sỹ Đại xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Gào, Thành phố Pleiku. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Ông Dương Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Gào cho biết: “Trong quá trình xử lý, UBND xã cũng đã tiến hành lập biên bản, xử phạt; đề xuất UBND thành phố ra quyết định xử phạt. Một số lần UBND xã mời làm việc, nhưng chủ đất viện lý do không có mặt tại địa phương, nên không gặp được, xuống tận nơi cũng không gặp được, lúc xuống kiểm tra cũng không có người làm việc, không gặp được người nhà”.

Tương tự, tại Tổ 5, phường Thắng Lợi, Thành phố Pleiku, cụm công trình vi phạm của ông Vũ Trung Anh và các hộ lân cận tại tổ 5 cũng được xây dựng trên đất nông nghiệp từ 2021, ngay sát khu vực quy hoạch đất ở. Tới nay, cụm công trình vi phạm có tổng diện tích gần 300 m2, gồm nhiều nhà cửa, tường rào. Mới đây, theo tin báo của người dân, UBND Thành phố Pleiku phát hiện tại khu vực đất nông nghiệp ven đường Tô Vĩnh Diện (Phường Hoa Lư). Cùng với đó, có hàng loạt quán cà phê, nhà ở kiên cố xây trái phép, được báo chí phản ánh, người dân thông tin trong thời gian dài.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc chưa kịp thời phát hiện, phát hiện lại khó xử lý triệt để được các công trình vi phạm. Trong đó, có nguyên nhân chủ quan thuộc về năng lực cán bộ cấp cơ sở và những nguyên nhân khách quan từ sự cố ý vi phạm của người dân.

cong-trinh-vi-pham-1671782782.jpg Một công trình vi phạm tại đường Tô Vĩnh Diện, phường Hoa Lư. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

“Thời gian là không quá 24h từ lúc lập biên bản phải gửi văn bản đề nghị lên. Nhưng đề nghị lên thì điều khoản còn đang ở mức chung chung, trên lại gửi văn bản xuống nữa thì muộn. Một trường hợp vi phạm, nhưng mình phải làm nhiều lần, rất là khó khăn cho phường, trong khi việc cũng nhiều, cán bộ tiếp cận khó, pháp luật thay đổi liên tục. Tâm lý người dân đang ỉ lại, có 1 phần thái độ chống đối, họ theo lối tư duy ngày xưa, họ chỉ công trình này, công trình nọ, công trình kia để so sánh” - ông Nguyễn Văn Tùng nói.

Theo báo cáo của UBND thành phố Pleiku, từ ngày 1/1/2020 đến 31/8/2022, trên địa bàn đã có 84 vụ vi phạm hành chính về đất đai-xây dựng bị xử phạt, và buộc phục hồi nguyên trạng trước đó. Nhưng đến nay, chỉ có 42 vụ được xử lý xong.

Ông Mai Văn Hoàn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Pleiku cho biết: “Ở đây, đặt ra vấn đề quản lý của chính quyền địa phương. Tất nhiên, các xã, phường nắm hết, những một số không quan tâm chú ý. Mới đầu, tưởng là làm những công trình đơn giản thôi nhưng mà sau khi phát hiện ra thì đã to rồi, vượt thẩm quyền phải chuyển lên thành phố, UBND thành phố thực hiện giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND xã, phường, người ta lại không quan tâm tới việc này”.

cong-trinh-vi-pham-2-1671782838.jpg Công trình vi phạm của ông Vũ Trung Anh, ở tổ 5, phường Thắng Lợi. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Tại Kỳ họp thứ 9, Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai khoá XII (nhiệm kỳ 2021-2026) vừa qua, chất vấn về tình trạng vi phạm xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, một số đại biểu nêu quan điểm: Nhiều công trình lớn, được xây dựng trong thời gian dài, nhưng công tác phát hiện không kịp thời, xử lý không triệt để. Tới khi công trình hoàn thiện, cưỡng chế tháo dỡ sẽ gây thiệt hại nguồn lực xã hội.

Ông Lương Thanh Bình- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai cho biết: “Việc quản lý quỹ đất này tại các địa phương, trách nhiệm chủ yếu là của UBND các địa phương. Về trách nhiệm của ngành, để chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế nêu trên, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành liên quan và các địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm”.

Tăng cường công tác quản lý và chấn chỉnh vi phạm về lĩnh vực đất đai, giữa năm 2022, UBND thành phố Pleiku đã thành lập đoàn thanh tra chuyên đề về công tác xây dựng, đất đai tại các xã, phường có nhiều công trình vi phạm, gây bức xúc trong dư luận. Dự kiến, đến đầu năm 2023, thành phố sẽ thông báo cụ thể về kết quả xử lý các công trình xây dựng trái phép và xử lý trách nhiệm lãnh đạo các xã thiếu sâu sát thực tế, để tình trạng này xảy ra và kéo dài./.

Bạn đang đọc bài viết "Khó quản lý biệt phủ, homestay trên đất nông nghiệp" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).