Khối nợ xấu của MBBank “phình to” hơn 1.700 tỷ đồng

11/08/2022 10:18

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nợ xấu của MBBank đạt 4.975,7 tỷ đồng, tăng 1.707,4 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương tăng tới gần 52,3%. Thế nhưng bộ “đệm” của nhà băng này là chi phí dự phòng lại giảm mạnh.

Theo báo cáo tài chính (BCTC), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, HOSE: MBB) có chất lượng tín dụng đáng lo ngại khi nợ xấu tăng vọt.

Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2022, tổng nợ xấu của MBBank đạt 4.975,7 tỷ đồng, tăng 1.707,4 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương tăng tới gần 52,3%. So với đầu năm, Nợ nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) của MBBank tăng 38,2% lên mức 1.981,3 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) tăng 15% lên mức 1.538,2 tỷ đồng; Đáng chú ý, Nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) tăng vọt lên 1.826,8 tỷ đồng, tăng gần 2,3 lần so với đầu năm, tăng hơn 3,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của MBBank tăng từ 0.9% đầu năm lên 1.2%.

Ngoài ra, Nợ nhóm 2 (Nợ dưới tiêu chuẩn) của MBBank tăng 2,3 lần so với quý 2/2021 lên mức 5.668,2 tỷ đồng.

4521-h-1660120748.jpg
MBBank có đổi rủi ro lấy lợi nhuận khi nợ xấu tăng vọt 52,3% nhưng lại giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng?
 

Dù khối nợ xấu “phình to” hơn 1.700 tỷ đồng, thế nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của MBBank lại giảm mạnh xuống còn 1.374,8 tỷ đồng, giảm 31,6% so với hồi đầu năm, giảm gần 43,5% so với cùng kỳ. Nhờ vậy lợi nhuận sau thuế của MBBank trong quý 2/2022 đạt gần 5.986,5 tỷ đồng, tăng 75,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý 2/2022, nguồn thu chính của MBBank là thu nhập lãi thuần tăng 36,7% so với cùng kỳ, đạt hơn 8.969,4 tỷ đồng.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm nhẹ 1,86% xuống còn hơn 1.010,4 tỷ đồng; Hoạt động kinh doanh ngoại hối thu được khoản lãi gần 471,6 tỷ đồng, tăng 46,5%, do tăng thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng. Lãi từ hoạt động khác giảm gần 12% xuống còn 566,7 tỷ đồng.

Trong kỳ, MBBank dành ra 3.860,5 tỷ đồng cho chi phí hoạt động, tăng 25% so với quý 2/2022. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận của MBBank đạt mức 4.793,8 tỷ đồng, 75,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, MBBank trích lập hơn 3.500 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 17% so với cùng kỳ, nhờ vậy nhà băng này thu được khoản lãi trước thuế hơn 11.896 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của MBBank tăng 8% so với đầu năm, lên mức 658.274,4 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 14% lên mức gần 415.457 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3,2% lên mức gần 396.910 tỷ đồng.

Theo ghi nhận, lãi suất tiền gửi MBBank áp dụng với khách hàng cá nhân có kỳ hạn gửi 1 tháng và 2 tháng, lãi suất ngân hàng áp dụng lần lượt là 2,9%/năm và 3%/năm. Hai kỳ hạn gửi 3 tháng và 4 tháng cùng được ấn định lãi suất là 3,4%/năm. Và ở kỳ hạn 5 tháng, lãi suất tiền gửi được giữ nguyên ở mức 3,55%/năm.

Ngân hàng MBBank áp dụng lãi suất 4,44%/năm cho khách hàng lựa chọn gửi tiết kiệm nhận lãi trước tại kỳ hạn 6 tháng.

Lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 7 tháng và 8 tháng đang được niêm yết ở mức 4,4%/năm trong khi tại kỳ hạn 9 tháng có lãi suất là 4,6%/năm. Hai kỳ hạn gửi tiếp đó 10 tháng và 11 tháng có cùng lãi suất là 4,7%/năm.

Lãi suất áp dụng với hình thức trả lãi trước cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng là 5,39%/năm.

Ngân hàng MBBank áp dụng lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng lần lượt là 5,7%/năm và 5,6%/năm. Với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất Ngân hàng MBBank ghi nhận được là 6,1%/năm.

Tại kỳ hạn 24 tháng, lãi suất với hình thức nhận lãi trước được niêm yết là 5,75%/năm. Khoản tiết kiệm có kỳ hạn 36 tháng có lãi suất ghi nhận được là 6,6%/năm. Đối với hai kỳ hạn gửi dài nhất là 48 tháng và 60 tháng, lãi suất tiền gửi đang được triển khai ở cùng mức 6,4%/năm.

 
 
 
 
 
 

Bạn đang đọc bài viết "Khối nợ xấu của MBBank “phình to” hơn 1.700 tỷ đồng" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).