Các nhà phân tích tại công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance tính toán rằng, nếu thương hiệu Hoàng gia Anh được tung ra thị trường thì sẽ trị giá khoảng 67,5 tỉ bảng Anh (91,2 tỉ USD). Thương hiệu của Hoàng gia Anh là một “tài sản” lớn đối với Vương quốc Anh, bởi theo một số ước tính thì mỗi năm, Hoàng gia Anh đóng góp khoảng 1,7 tỉ bảng Anh cho nền kinh tế quốc gia.
Trước đó, theo một nghiên cứu, thì Hoàng gia Anh là thương hiệu lớn thứ 5 trên thế giới, xếp trên cả nhiều thương hiệu “khủng” khác như Microsoft, Coca-Cola, Disney, Nike… chỉ xếp sau các “ông lớn” Facebook, Amazon, Google và Apple. Nghiên cứu này được thực hiện bởi Statista, một công ty chuyên phân tích dữ liệu thị trường và người tiêu dùng. Công ty phân tích dữ liệu từ năm 2017 đến tháng 3/2021, dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cả số bài báo bằng nhiều ngôn ngữ, nhắc chính xác đến tên thương hiệu.
Tất nhiên, Nữ hoàng Elizabeth là thành viên giàu có nhất trong hoàng gia. Tại thời điểm hiện tại, khi bà băng hà, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về điều gì sẽ xảy ra với khối tài sản ròng hơn 500 triệu USD của Nữ hoàng. Theo các báo cáo, thu nhập của Nữ hoàng Elizabeth chủ yếu đến từ 3 nguồn thu nhập chính: Sovereign Grant (Trợ cấp Hoàng gia), khối bất động sản Duchy of Lancaster và các khoản đầu tư cũng như bất động sản riêng của bà.
Trợ cấp Hoàng gia là khoản tiền cố định hàng năm từ chính phủ - một khoản đủ cho những chi tiêu cần thiết như du lịch, an ninh, nhân viên và bảo vệ cung điện hoàng gia. Tờ Wall Street Journal tiết lộ, số tiền trợ cấp Sovereign Grant được cung cấp cho Nữ hoàng Elizabeth II trong năm 2019 trị giá 107,1 triệu USD. Theo thỏa thuận, Nữ hoàng Anh sẽ nhận khoản trợ cấp và đổi lại chính phủ Anh sẽ thu về ngân khố khoản tiền tương đương với 25% lợi nhuận từ Crown Estate, khối bất động sản lớn nhất của Hoàng gia.
Một nguồn quan trọng khác của hoàng gia là Duchy of Lancaster – một khối bất động sản thương mại có lịch sử từ năm 1265. Khu này tạo ra doanh thu 19,2 triệu bảng Anh (tương đương 26 triệu USD) cho Nữ hoàng trong năm tài chính gần đây. Nữ hoàng sử dụng số tiền này để chi cho các chi phí cá nhân và chính thức gồm cả việc chi tiêu của một vài thành viên khác trong gia tộc.
Nữ hoàng cũng có những tài sản cá nhân gồm lâu đài Balmoral tại Scotland và khu bất động sản Sandringham tại miền Đông nước Anh, Trường đua ngựa Ascot… Tuy nhiên, tài sản của bà không chỉ quanh bất động sản. Nữ hoàng cũng sở hữu một bộ sưu tập tem có giá trị, hàng loạt bức tranh, cổ phiếu, trang sức, xe hơi, tiền cổ… Bên cạnh những tài sản khổng lồ thì cá heo, thiên nga, rùa cho tới kỷ lục Guinness thế giới... là những thứ không ngờ thuộc sở hữu của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Theo các quy định của hoàng gia, thì người kế vị Nữ hoàng, Vua Charles III sẽ thừa kế hầu hết tài sản của nữ hoàng với tư cách là quốc vương trong đó có Sandringham và Lâu đài Balmoral. Theo Business Insider, có một điều khoản pháp lý đặc biệt được áp dụng nhằm miễn trừ khoản thuế kế thừa sẽ được áp dụng cho Vua Charles III. Việc chuyển giao tài sản này sẽ được miễn khoản thuế thừa kế 40%, theo thỏa thuận với cựu Thủ tướng John Major vào năm 1993 để tránh hao mòn tài sản của gia đình hoàng gia.
Tuy nhiên, Vua Charles III sẽ không trực tiếp thừa kế đế Công ty Hoàng gia - đế chế trị giá 28 tỷ USD mà các thành viên hoàng gia Anh như Vua George VI và Hoàng thân Philip từng gọi là “doanh nghiệp gia đình”. Công ty Hoàng gia, còn được gọi là Monarchy PLC, là một nhóm các thành viên cấp cao và gương mặt đại diện của Hoàng tộc Windsor - gia đình hoàng gia trị vì do Nữ hoàng đứng đầu.
Các thành viên cùng vận hành đế chế kinh doanh toàn cầu bơm hàng trăm triệu bảng Anh mỗi năm vào nền kinh tế Vương quốc Anh, thông qua các sự kiện truyền hình và du lịch. Nữ hoàng và 7 thành viên hoàng gia khác bao gồm Vua Charles III và Vương hậu Camilla (nữ công tước xứ Cornwall), Thái tử William và vợ Kate (nữ công tước xứ Cambridge), Công chúa Anne (con gái của nữ hoàng), Hoàng tử Edward và vợ Sophie (nữ bá tước xứ Wessex), là thành viên của công ty.
Theo Forbes, công ty này nắm giữ gần 28 tỷ USD bất động sản tính đến năm 2021, bao gồm Crown Estate (tập hợp các vùng đất và tài sản ở Vương quốc Anh thuộc về Nữ hoàng) trị giá 19,5 tỷ USD, Điện Buckingham 4,9 tỷ USD, Công quốc Cornwall 1,3 tỷ USD, Công quốc Lancaster 748 triệu USD, Điện Kensington 630 triệu USD và Crown Estate of Scotland 592 triệu USD.
Hoàng gia Anh cũng được cho là sở hữu khoảng 11.000 ha rừng ở Berkshire, Somerset và Cairngorms, đế chế năng lượng ngoài khơi trị giá 1,1 tỷ bảng, trong đó có 30 khu năng lượng gió. Tài sản Hoàng gia còn bao gồm đánh bắt cá hồi và khai thác vàng ở Scotland, hoàng gia cũng sở hữu một số cánh rừng và trang trại nuôi hàu ở đây.
Gia đình hoàng gia không thu được lợi nhuận cá nhân từ việc kinh doanh. Mục đích của công ty này là thúc đẩy nền kinh tế thông qua hiệu ứng truyền thông khi một sản phẩm được dán nhãn “royal warrants” - loại “tem” chứng nhận các sản phẩm được cung cấp cho hoàng gia, từ đó đem lại sự giàu có cho Hoàng tộc Windsor.
Do đó, Vua Charles III sẽ chỉ nhận được những tài sản cá nhân được Nữ hoàng Elizabeth II chỉ định cụ thể. Điều quan trọng là tài sản cá nhân của Nữ hoàng có quyền được trao cho người thân của mình theo cách mà bà muốn. Vì Nữ hoàng có bốn người con, nên nhiều khả năng bà sẽ chia tài sản cá nhân của mình cho cả bốn người.
Nữ hoàng cũng có thể dành một phần trong đó để trao lại cho các cháu của mình. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì trước đây Thái hậu Elizabeth Bowes-Lyon cũng đã làm điều tương tự khi tặng một số tiền khổng lồ cho chắt của mình, Thái tử William và Hoàng tử Harry, khi bà qua đời.