Không để giá hàng hóa 'lên nhanh, xuống chậm'

03/08/2022 11:20

Dù giá xăng, dầu đã giảm 4 lần liên tiếp, giá xăng trong nước đã về mức hơn 24.000 đồng/lít, nhưng nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn than thở về nhiều mặt hàng thiết yếu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chú thích ảnh Nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu vì giá nhiều loại hàng hóa vẫn cao. 

Ngóng giá hàng hóa giảm để đời sống bớt khó

Giá xăng trong nước đã có 4 kỳ điều chỉnh giảm liên tiếp. So với cuối tháng 6/2022, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 7.279 đồng/lít; E5 RON 92 hạ 6.680 đồng/lít; dầu diesel giảm 6.110 đồng/lít.

Nhiều tiểu thương tại các chợ Hà Nội cho biết: Dù giá xăng dầu hạ nhiệt, nhưng các mặt hàng thịt lợn, thịt gà, thịt bò, rau cỏ không giảm, thậm chí còn tăng. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 2/8, chị Thu Hương - chủ Nhà hàng Bể cá (Hà Nội) lo lắng: “Giá nhiều mặt hàng tăng, không hiểu vì sao. Mặt hàng thịt lợn khan hiếm hơn nên giá vẫn đứng ở mức cao nhiều tháng nay; giá rau, củ quả tăng. Đặc biệt dù giá xăng dầu giảm nhưng phí cước gửi đồ từ Hà Nội tới Thành phố Hồ Chí Minh tăng gấp đôi. Nếu như trước khi, Nhà hàng Bể cá chuyển đồ thực phẩm cho khách hàng từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 550.000 đồng thì mới đây hết hơn 1 triệu đồng tiền cước”.

Tại chợ Cầu Giấy, giá các loại rau củ quả thiết yếu như: Rau muống, rau cải... đều điều chỉnh tăng thêm một giá, từ 4.000 đồng/bó tăng lên 5.000 đồng/bó. Tại một số chợ “cóc” Hà Nội, một số mặt hàng rau củ cũng tăng giá, ví dụ giá cải chip tăng từ 20.000 lên 25.000 đồng/kg; hành lá tăng từ 40.000 - 50.000 đồng lên 60.000 đồng/kg trong khi đầu năm là 20.000 đồng/kg. Hoặc mặt hàng sữa, giá mỗi thùng sữa tăng hơn 10.000 đồng; giá một thùng mì tăng hơn 10.000 đồng so với trước…

Chú thích ảnh Giá thịt lợn đắt đỏ, sức mua chậm.

Trong ngày 2/8 tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội, giá thịt lợn giảm từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, tùy loại. Theo đó, giá sườn non, ba chỉ, bắp giò, nạc vai còn 130.000 đồng/kg; mông sấn 110.000 - 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng cho rằng, dù đã giảm đà tăng kể từ đầu tháng 7 đến nay, nhưng đây vẫn là mức giá cao so với trước kia. Tại chợ quận Long Biên (Hà Nội, so với tuần trước, giá trứng tăng 2.000 - 3.000 đồng/10 quả so với tuần trước. Theo đó, giá trứng gà, trứng vịt từ 35.000 - 37.000 đồng/chục quả; trứng gà so 40.000 đồng/chục quả.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thịt lợn vẫn ở mức rất cao, ở chợ phổ biến mức 110.000 - 170.000 đồng/kg, còn trong siêu thị giá từ 170.000 - 260.000 đồng/kg. Đặc biệt, ngay cả khi giá lợn hơi hạ nhiệt, giá ở ngoài chợ vẫn giảm chậm hơn nhiều. Một số chuyên gia thương mại tính toán: Giá thịt lợn ở cửa chuồng ra đến “bàn ăn” hiện chênh nhau từ 1,5 - 1,7 lần. Mặc dù nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành điều tiết giá cả, cung cầu mặt hàng thịt lợn song việc chuyển biến còn chậm.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, không chỉ giá thịt lợn mà hầu hết các loại thực phẩm khác trên thị trường Việt Nam đều có độ trễ sau khi giá xăng dầu điều chỉnh vì tâm lý của các doanh nghiệp, tiểu thương đều muốn đợi xem đà giảm của xăng, dầu có bền vững không rồi mới điều chỉnh giảm giá sản phẩm. “Giá xăng dầu chỉ chiếm phần nhỏ (khoảng 10%) là ảnh hưởng trực tiếp đến giá lợn hơi. Còn yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất chính là giá các sản phẩm thức ăn chăn nuôi”, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết.

Thực tế, giá xăng không phải là thủ phạm duy nhất khiến hàng hóa, thực phẩm tăng giá. Tùy ngành nghề, chi phí xăng dầu sẽ chỉ chiếm khoảng 3,5 đến 3,6% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. “Giá xăng giảm liên tiếp trong các kỳ điều hành vừa qua chỉ tạm thời làm giảm sức ép lên doanh nghiệp, góp phần ngăn chặn đà tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng... chứ chưa thể giúp doanh nghiệp trở về trạng thái hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả để hạ nhiệt giá hàng hóa tiêu dùng”, chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình chia sẻ.

“Giá xăng giảm, các mặt hàng khác không giảm ngay cũng là điều dễ hiểu vì tâm lý của người tiêu dùng đã chấp nhận mặt bằng giá mới và hoàn toàn phụ thuộc vào người bán. Trong khi, hệ thống phân phối bán lẻ của Việt Nam chủ yếu là chợ truyền thống, do tư thương quyết định, cơ quan quản lý khó có thể can thiệp về điều chỉnh giá cả. Việc điều chỉnh giảm giá không thể thực hiện trong một sớm một chiều, bởi  khi giá đầu vào tăng, các doanh nghệp cũng phải điều chỉnh và mất một khoảng thời gian nhất định giá mới ra đến thị trường. Có thể giá xăng dầu phải giảm 1 - 2 tháng, khi đó mới tác động đến giá hàng hóa bán ra trên thị trường”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý Nhà nước phải can thiệp ngay từ đầu; cần tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá, bao gồm giá xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục

Giá 'neo' cao do yếu tố thị trường

Đại diện Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết: Việc giảm giá xăng dầu sẽ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá cả hàng hóa, nhất là hàng hóa, dịch vụ sử dụng xăng dầu làm đầu vào chính trong sản xuất. 

Tuy nhiên hiện nay, theo quy định của Luật Giá, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý, điều tiết sự vận động của giá cả thị trường thông qua phương thức gián tiếp là chủ yếu. Nhà nước chỉ còn định giá trực tiếp một số ít hàng hóa dịch vụ độc quyền, tài nguyên quan trọng, hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước. “Giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu có biến động tăng do nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ...”, đại diện Cục Quản lý giá chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế  - ông Vũ Vinh Phú cũng nêu nghịch lý thị trường hiện nay hoạt động phân phối không công bằng. Cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều trong khi bản thân nhà sản xuất chưa chắc đã hưởng lãi nhiều còn người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. Vì vậy, nếu có giải pháp quản lý hiệu quả hơn thì câu chuyện "té nước theo mưa", hay giá cả hàng hóa "lên nhanh, xuống chậm" sẽ khó chấm dứt.

"Nền kinh tế thị trường của Việt Nam có sự quản lý của Nhà nước nên không thể lấy lý do để thị trường quyết định mọi thứ cũng như để các doanh nghiệp phân phối lớn, các siêu thị lớn gây ảnh hưởng không lành mạnh. Các cơ quan quản lý của Nhà nước, trong đó có các đơn vị như quản lý thị trường, cần làm tốt hơn nữa vai trò trọng tài để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như lợi ích của người tiêu dùng", ông Vũ Vinh Phú cho biết.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. Trong đó một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có biến động tăng như: Giá thịt lợn và một số loại thịt gia cầm tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao; giá thủy hải sản tươi sống tăng do giá nhiên liệu tăng; giá trứng các loại tăng do đang vào mùa sản xuất bánh Trung thu; giá dịch vụ vận tải tăng do vào mùa cao điểm du lịch...

Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và và các bộ, ngành liên quan chủ động tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả năm cũng như thường xuyên cập nhật theo sát tình hình thực tế báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát. 

Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành kiến nghị các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, qua đó góp phần ổn định mặt bằng giá cả, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm, còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá từ biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng do Nhà nước quản lý, nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt… có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ. Đây cũng là thách thức với công tác quản lý điều hành giá.

Bạn đang đọc bài viết "Không để giá hàng hóa 'lên nhanh, xuống chậm'" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).