Ông Ninh cho biết, việc tiết giảm sản lượng điện mặt trời chủ yếu do quá tải lưới nội vùng ở Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung. Vào mùa nắng nóng, buổi trưa cao điểm phát điện của các dự án điện mặt trời dẫn đến thừa nguồn, quá tải đường truyền buộc phải cắt giảm.
Trong các giờ thấp điểm trưa không thể dừng giảm các nguồn khác mà bắt buộc phải cắt nguồn năng lượng tái tạo, nếu tính theo tỉ trọng mà không phải theo công suất đặt năng lượng tái tạo ứng với giờ thấp điểm trưa thì tỉ trọng lên tới 50-60%, đặc biệt các ngày cuối tuần.
"Năm 2021 do tăng trưởng phụ tải không cao nên huy động nhiệt điện than, khí sẽ ở mức thấp. Cụ thể nhiệt điện than chỉ huy động tối đa 6.000 giờ và điện khí khai thác từ 5.000-5.500 giờ. Tổng khai thác năm 2021 tương ứng 125 tỷ kWh đối với than và 34 tỷ kWh đối với khí. Sản lượng này cũng tương đương với năm 2020 dù chúng ta có thêm các nhà máy than khác cũng như khả năng cấp khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam năm 2021 cao hơn năm 2020" - ông Ninh cho biết.
Trong bối cảnh như vậy, để giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia kiến nghị năm 2021, EVN tập trung khai thác cao thuỷ điện để hỗ trợ cao điểm phụ tải chiều (17h00-18h00) khi điện mặt trời không phát và huy động thấp nhiệt điện than để giảm thiểu cắt giảm công suất điện mặt trời, nguy cơ hụt nước các hồ thuỷ điện so với kế hoạch.
Đồng thời, Trung tâm cũng đề nghị các nhà máy thủy điện nhỏ, tập trung ưu tiên phát điện trong cao điểm sáng (6h00-8h00) và chiều (17h00 – 20h00) của hồ thuỷ điện, hạn chế phát điện trong các khung giờ còn lại như 11h00 -13h00 chiều để giải toả công suất điện mặt trời.Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng nhận, định năm 2021 sẽ không thực hiện mua điện của Trung Quốc.
Đồng thời, trong năm 2021, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ kWh năng lượng tái tạo thay vì con số 365 triệu kWh trong năm nay (gấp 3,56 lần).