Hồ sơ cho thấy, Công ty CP Phú Đức Chính mới được thành lập năm 2009. Theo giấy phép kinh doanh lần đầu, cổ đông Công ty này gồm: ông Phạm Quang Đức (ở số 3227 A khu phố 4 phường Phước Trung, thị xã Bà Rịa - nay là thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu), ông Phạm Phong Phú (số 1510 đường Cách mạng tháng Tám, phường Phước Nguyên, thị xã Bà Rịa) và ông Phạm Văn Chính (ở số 405 đường Cách mạng tháng Tám). Trụ sở Công ty lấy luôn nơi thường trú của ông Phạm Đức Chính.
Cũng trong năm 2009, Công ty Phú Đức Chính làm thủ tục xin cấp phép khai thác mỏ đá xây dựng lô 14 A núi Thị Vải.
Đến tháng 5/2011, sau thời gian dài tranh chấp vì Công ty Nguyên Hoàng cho rằng mình xin cấp phép trước và có đất sẵn, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã quyết định cấp phép cho Công ty Phú Đức Chính khai thác mỏ đá này với trữ lượng hơn 9 triệu m3.
Theo hồ sơ, từ năm 2009 đến năm 2015, trong thời gian làm thủ tục để khai thác, Công ty Phú Đức Chính đã thay đổi giấy phép kinh doanh 8 lần. Theo đó, cổ đông sáng lập của công ty có sự thay đổi. Các ông Phạm Quang Đức, Phạm Phong Phú và ông Phạm Đức Chính dần dần giảm phần trăm cổ phần nắm giữ. Trong giấy phép kinh doanh (GPKD) khi thay đổi, có sự tham gia của bà Lê Thị Ngọc Oanh (ở Thành phố Hồ Chí Minh) với 25% cổ phần.
Từ lần thứ 7 thay đổi GPKD vào tháng 9/2015 đến nay, Công ty CP Phú Đức Chính không còn thấy sự xuất hiện tên của 3 cổ đông sáng lập. Ông Phạm Đức Chính không còn làm Giám đốc mà thay vào GPKD là chỉ duy nhất 1 người đảm nhiệm chức vụ này và là đại diện pháp luật của Công ty Phú Đức Chính là Nguyễn Tài Thiện (ở Phủ Lý, Hà Nam).
Phóng viên đã liên hệ với ông Phạm Đức Chính qua điện thoại thì ông này trả lời rằng từ lâu không biết gì về hoạt động công ty Phú Đức Chính. Ông này nói rằng mọi việc do ông Thiện đảm nhiệm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Phạm Phong Phú (1 cổ đông sáng lập) cũng đã không còn tham gia cổ phần trong công ty Phú Đức Chính. Khi chúng tôi liên hệ qua điện thoại, ông Phú tỏ ra rất bức xúc và phẫn nộ vì cho rằng mình bị giả mạo chữ ký và bị mất cổ phẩn. Ông này hẹn gặp chúng tôi để trao đổi thông tin cụ thể nhưng sau đó không hiểu lý do gì lại né tránh.
Một điều khó hiểu là biên bản đối chiếu công nợ tiền mua đất vào năm 2016 do ông Long cung cấp. Nội dung: chuyển nhượng đất nông nghiệp và trồng cây lâu năm 5,4 ha của ông Long để thực hiện dự án khai thác mỏ đá Lô 14 A núi Thị Vải.
Người đứng ra chi trả tiền chuyển nhượng lại là cá nhân các ông Lê Thanh Bình, Lê Văn Chính, Trần Đức Thanh, bà Phạm Thị Phương Thi. Sự việc diễn ra tại Công ty TNHH Lê Chính (một doanh nghiệp lớn về khai thác mỏ tại địa phương) và ông Lê Văn Chính (người tham gia chuyển nhượng đất) là Giám đốc của doanh nghiệp này.
Như vậy, mỏ đá của Công ty Phú Đức Chính lại do 1 doanh nghiệp (hoặc cá nhân khác) đứng ra trả tiền giải phóng mặt bằng khai thác. Hơn nữa, Công ty Phú Đức Chính lúc này cũng không thấy sự tham gia của cổ đông sáng lập.
Trong đơn tố cáo của mình, ông Hoàng Long cho rằng "Công ty Phú Đức Chính đã được bán cho Công ty Lê Chính" (dù chưa có kết luận cụ thể nhưng việc ông Long hoài nghi về hoạt động của Công ty Phú Đức Chính là có cơ sở - phóng viên).
Liên quan đến thủ tục cấp phép dự án, vào giữa năm 2014, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có quyết định cho Công ty Phú Đức Chính thuê 19,5 ha (tổng diện tích mỏ được cấp phép là 35,5 ha). Trong đó, 13 ha là đất do Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý.
Trước đó, vào tháng 1/2012, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép giảm 16 ha rừng phòng hộ theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cho Công ty Phú Đức Chính thực hiện dự án khai thác đá. Ông Hoàng Long cho rằng, đây là đất rừng phòng hộ được xác định theo chương trình 327 của Chính phủ. Việc không bồi thường cho người dân nhưng lại giảm rừng giao đất cho doanh nghiệp liệu có phù hợp quy định pháp luật?
Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin!