Có 3 công ty chứng khoán bị phạt vì liên quan tới trái phiếu của Tân Hoàng Minh
Chiều 19/9, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề công bố Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, từ tháng 10/2021 đến nay, UBCKNN đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tổng cộng 30 đoàn thanh, kiểm tra đối với 21 công ty chứng khoán và 9 tổ chức phát hành. Trong đó, có nội dung thanh, kiểm tra liên quan đến việc thuân thủ quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP .
Kết quả, qua kiểm tra 21 công ty chứng khoán (gồm 7 công ty chứng khoán kiểm tra, thanh tra định kỳ và 14 công ty chứng khoán thanh, kiểm tra đột xuất), có 6 công ty chứng khoán vi phạm quy định liên quan đến việc cung cấp dịch vụ TPDN riêng lẻ.
Cụ thể, Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities, VISE) bị xử phạt 250 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán TPDN riêng lẻ, cung cấp dịch vụ đại lý lưu ký, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ khi chưa được UBCKNN cấp phép.
Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công (TCSC) bị xử phạt 50 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật về việc mua lại trái phiếu trước hạn.
Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) vi phạm quy định cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán TPDN.
Ba công ty chứng khoán khác là Chứng khoán Everest (EVS), Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) và Chứng khoán An Bình (ABS) bị kiểm tra đột xuất liên quan đến vụ việc Tân Hoàng Minh. Qua đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện các hành vi vi phạm không đảm bảo thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, có thể kiểm chứng được; đồng thời vi phạm các quy định về công bố thông tin.
"UBCKNN đang tiến hành các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 công ty nêu trên theo quy định", ông Điền thông tin.
Đối với doanh nghiệp, qua thanh, kiểm tra 9 tổ chức phát hành thì có tới 8/9 tổ chức vi phạm. Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group và Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup chào bán trái phiếu ra công chúng nhưng không đăng ký với UBCKNN theo quy định. UBCKNN đã xử phạt 600 triệu đồng với mỗi doanh nghiệp trên và yêu cầu thu hồi trái phiếu phát hành, hoàn trả tiền mua trái phiếu cho nhà đầu tư nếu nhà đầu tư có yêu cầu.
Cùng với đó, qua kiểm tra đột xuất Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Bất động sản Seaside Homes theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, kết quả cho thấy cả hai doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định của Nghị định 153, bị xử phạt 70 triệu đồng.
Ngoài ra, bốn tổ chức phát hành sau qua thanh tra định kỳ đã bị phát hiện vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin gồm: Công ty cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai, Công ty cổ phần Tân Phú Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi, Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC. Hiện Bộ Tài chính đang xem xét xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, theo kết quả rà soát đối với nội dung đơn của nhà đầu tư, UBCKNN đã xử phạt Công ty cổ phần Đầu tư Công nghiệp Việt Hưng vi phạm về công bố thông tin không đúng thời hạn.
Khi được hỏi, vai trò giám sát của cơ quan quản lý ở đâu mà để xảy ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực trái phiếu đến vậy, trong đó có vụ quy mô tới 10.000 tỷ đồng như vụ Tân Hoàng Minh, đại diện UBCKNN cho biết, vụ việc của Tân Hoàng Minh, cơ quan công an đang điều tra và sẽ có công bố sai phạm cho dư luận xã hội. Quan điểm của Bộ Tài chính là ai sai người đó chịu trách nhiệm, bảo vệ thị trường, bảo vệ nhà đầu tư tuân thủ đúng pháp luật.
Trả lời thêm, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính nêu quan điểm, TPDN riêng lẻ vốn chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là những người có kiến thức thị trường, có khả năng phân tích rủi ro; nhưng qua những sai phạm vừa qua thì thấy có phần lỗi của nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành khi đã bất chấp cảnh báo, lách luật để tham gia sản phẩm tài chính rủi ro cao như TPDN.
"Trên thực tế có hàng trăm nghìn doanh nghiệp phát hành, không một cơ quan quản lý nào có khả năng giám sát trực tiếp nên với Nghị định 65, chúng tôi chủ yếu thực hiện hậu kiểm và "nắm" đầu mối là các công ty chứng khoán, nếu có dấu hiệu sai phạm thì kiểm tra tiếp xuống doanh nghiệp phát hành. Khi phát hiện ra những vi phạm sẽ xử phạt nghiêm minh", ông Dương nói.