UBND huyện Nhơn Trạch đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về tình hình triển khai các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện và đề xuất thu hồi chủ trương đầu tư một số dự án chậm triển khai. Theo báo cáo đến thời điểm hiện tại huyện Nhơn Trạch có 214 dự án trong đó dự án thuộc thẩm quyền UBND tỉnh là 134 dự án và thẩm quyền UBND huyện là 80 dự án. Đặc biệt kiến nghị xử lý chủ trương đầu tư đối với dự án chậm triển khai: Trong đó năm 2021 toàn huyện có 12 dự án kiến nghị xem xét thu hồi chủ trương đầu tư, 1 dự án kiến nghị rà soát năng lực chủ đầu tư để xử lý theo quy định. Đến nay UBND tỉnh Đồng Nai đã có ý kiến chỉ đạo và thông báo không còn hiệu lực pháp lý văn bản thỏa thuận địa điểm đối với 6 dự án và 1 dự án chưa có ý kiến là dự án bến cảng tổng hợp, hệ thống kho bãi hàng hóa 21ha tại xã Phước Khánh cửa Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam.
Đồng thời UBND huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo xử lý đối với các dự án còn lại gồm các dự án của Công ty TNHH La Mã, Công ty CP Tập đoàn Đại Viễn Dương, Công ty CP Địa ôc Toàn Thành, Công ty CP Văn Lang, Công ty CP BĐS Dân Xuân, Công ty TNHH Địa ốc Chợ Lớn.
Năm 2022, UBND huyện Nhơn Trạch cũng kiến nghị thu hồi chủ trường đầu tư, thông báo hết hiệu lực pháp lý với 14 dự án. Trong đó kiến nghị thu hồi chủ trương đầu tư đối bới 10 dự án gồm: Dự án đầu tư khu dân cư có diện tích 6,62ha của DNTN Vạn Thịnh Phong. Dự án khu dân cư có diện tích 9,5 ha của Công ty CP địa ốc Quốc Hương. Dự án khu nhà ở, biệt thự nghỉ dưỡng rộng 8,166ha của Công ty TNHH TM và ĐT Long Đức. Dự án đầu tư khu dân cư theo quy hoạch rộng 35 ha của Công ty TNHH Khu đô thị Phước Thiền (trước đây là công ty CP LICOGI 16). Dự án Khu dân cư đô thị rộng 46ha của công ty TNHH Địa Ốc Phú Nhuận. Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư rộng 40ha của Công ty CP Đt Địa ốc Khang An - Nhơn Trạch. Dự án Khu đô thị du lịch rộng 130 ha của Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa. Dự án xây dựng kho xăng dầu rộng 20ha của công ty CP vật tư Xăng dầu (COMECO), Dự án đầu tư kho bãi đậu xe đầu kéo rộng 8,94ha của Công ty TNHH Thương Mại Hào Bằng. Dự án Khu du lịch sinh thái rộng 250,55ha của Công ty TNHH Bất động sản Thái Thành.
Và 4 dự án kiến nghị xem xét xử lý gồm: Dự án khu dân cư đô thị rộng 46,5ha của Công ty TNHH Kinh doanh nhà Khang Việt Hưng. Dự án khu dân cư rộng 11,9ha của Công ty TNHH Địa ốc Minh Khang. Dự án Khu dân cư đô thị rộng 16,17ha của Công ty CP xây dựng và PT địa ốc Sài Gòn (trước đây của Mai Hương cũ) và dự án Khu du lịch sinh thái rộng 24,49hacủa Công ty CP Tập đoàn Đại Viễn Dương.
UBND huyện Nhơn Trạch đã công bố danh mục sử dụng đất có 16 dự án thuộc xã Long Tân bị hủy quyết định thu hồi đất do quá 3 năm chủ đầu tư không tiến hành triển khai thu hồi đất và thực hiện dự án theo quy định của pháp luật. Các dự án bị hủy thu hồi đất đa số là khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật.
Trong đó, một số dự án có diện tích đất lớn bị hủy như: Khu dân cư Long Tân 1 có diện tích 95ha; Khu dân cư thương mại kết hợp với thương mại dịch vụ cấp vùng 88ha do Công ty CP Lắp máy điện nước và Xây dựng làm chủ đầu tư.
Khu dân cư Long Tân 46ha chủ đầu tư là Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng Khang Việt Hưng; Khu dân cư 34ha có chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Sao Mai; Khu dân cư đô thị The Lake 35ha chủ đầu tư Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu 3L Sài Gòn; Khu dân cư 29ha do Công ty CP Khu công nghiệp Miền Nam thực hiện…
Đáng chú ý, Nhơn Trạch không phải địa phương duy nhất thông báo hủy bỏ các dự án chậm tiến độ ở Đồng Nai.
Tháng 8/2022 UBND huyện Long Thành cũng có thông báo hủy bỏ hàng loạt dự án khu dân cư, khu đất đầu tư BT trong đó: trên địa bàn huyện có 16 dự án khu dân cư, tái định cư bị hủy do quá thời hạn chưa triển khai thực hiện. Trong đó, có nhiều dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015-2018 như: Khu dân cư An Thuận giai đoạn 3, khu dân cư TT Long Thành, khu tái định cư trạm khuyến nông, khu tái định cư Long Đức, khu tái định cư Công ty Nhị Hiệp, khu nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp…
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 8 khu đất đầu tư BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) bị hủy vì không thực hiện được do Chính phủ yêu cầu ngưng thực hiện các dự án theo hình thức BT là lấy đất đổi hạ tầng kỹ thuật.
Nhiều chủ đầu tư xin dự án rồi bỏ đó, chờ tăng giá để chuyển nhượng
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/12/2021, có 2.210 dự án với tổng diện tích đất hơn 16 ngàn ha đã được HĐND tỉnh thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất. Trong số này, có 1.670 dự án đầu tư công và 540 dự án ngoài ngân sách với diện tích đất thu hồi.
Trong khi đó, tại cuộc họp vào giữa tháng 6, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã báo cáo HĐND tỉnh thông qua danh mục hủy 995 dự án với tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 7.000 ha. Được biết, đây là các dự án sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất, chưa được giao đất, cho thuê đất theo quy định.
Ngoài ra , tỉnh có 1.215 dự án còn hiệu lực thực hiện với tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 8.300 ha. Trong số này, có 612 dự án với diện tích đất cần thu hồi hơn 1.500 ha đã thực hiện xong.
Trước đó, trong tháng 6, HĐND tỉnh này thông báo, năm 2022 tiến hành hủy bỏ 62 dự án BĐS có tổng diện tích hơn 1.000 ha nằm trong danh mục thu hồi đất từ năm 2015 - 2019 nhưng không tiến hành xây dựng.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2005 - 2015, việc lựa chọn nhà đầu tư, cấp phép cho các dự án BĐS trên địa phương còn dễ dàng, nên doanh nghiệp ồ ạt về Đồng Nai đề xuất và đầu tư hàng trăm dự án.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, hàng loạt dự án vẫn chưa hoàn thành do chủ đầu tư không đủ khả năng hoặc xin cấp phép dự án rồi để đó, đợi giá đất tăng sẽ tìm doanh nghiệp khác chuyển nhượng lại dự án bằng hình thức bán cổ phần, góp vốn.
Thậm chí, có những dự án đã được chuyển nhượng qua tay 3 - 4 chủ đầu tư nhưng vẫn chưa hoàn tất thủ tục, thu hồi đất để khởi công xây dựng.
Do đó, hiện tại, Đồng Nai đang cho rà soát lại tất cả dự án bất động sản trên địa bàn, đối với những dự án kéo dài nhiều năm không triển khai do nhà đầu tư chỉ mua “chờ thời” để nhượng lại, không đủ khả năng về tài chính để thực hiện sẽ tiến hành thu hồi để mời gọi những doanh nghiệp có đủ năng lực và có tâm để thực hiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.