1h, Nguyễn Quỳnh Trang (23 tuổi, ngụ quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn ngồi bên máy tính. Cô chưa thể hoàn thành công việc mà sếp giao, yêu cầu phải nộp vào buổi sáng cùng ngày.
"Đây chắc chắn không phải công việc tôi yêu thích và có khả năng đảm đương tốt. Nếu không do dịch bệnh và cạn tiền tiết kiệm, tôi chắc chắn đã nghỉ việc từ lâu", Trang mệt mỏi, nói với Zing.
Quỳnh Trang không phải người trẻ duy nhất gặp khó khăn về cuộc sống, công việc, đặc biệt là tài chính trong bối cảnh dịch bệnh.
Mất việc làm, thu nhập, nhiều người trẻ khác phải cắt giảm chi tiêu, nhờ cậy sự giúp đỡ của gia đình. Tương lai không chắc chắn ở thành phố cũng khiến không ít người trở về quê tìm hướng đi khác.
Làm nhiều nhưng lương thấp
Gắn bó với nghề sáng tạo nội dung đã 2 năm, Quỳnh Trang từng nhiều lần muốn nhảy việc. Cô gặp khó khi liên tục phải tăng ca, thức đêm hoặc làm việc vào cuối tuần để kịp deadline.
Không những thế, mức lương của Trang là khoảng 7 triệu đồng/tháng, chỉ đủ trang trải cuộc sống một mình tại Hà Nội, khó có thể để dành.
Quỳnh Trang thường xuyên phải thức đêm để hoàn thành công việc mình không yêu thích.
Trong đợt dịch, cô còn phải chịu cắt giảm 25% lương, tình hình tài chính càng trở nên chật vật.
Trang tự nhận xét mình chính là một "zombie công sở", đi làm và ra về lặng lẽ, thực hiện nhiệm vụ một cách thiếu năng lượng, uể oải, mất tinh thần.
Cô đã gửi hồ sơ đến một vài công ty khác và được gọi đi phỏng vấn. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn căng thẳng, Trang không dám mạo hiểm nhảy việc.
"Mỗi lần tôi tính nghỉ việc thì một đợt dịch mới lại bùng phát. Đặc biệt, trải qua đợt dịch vừa rồi với nhiều tháng phải ở nhà giãn cách, tôi nghĩ rằng mình cần công việc để sống chứ không phải lựa chọn theo sở thích, đam mê. Tôi lo ngại không duy trì thu nhập ổn định sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống", Trang chia sẻ.
Suy kiệt tài chính
Dịch bệnh cũng khiến Nguyễn Thùy D. (ngụ quận 7, TP.HCM) gặp khó khăn trong vấn đề tài chính. Từ một nhân viên làm việc trong lĩnh vực sự kiện với mức lương trên 20 triệu đồng/tháng, giờ đây, cô phải nghỉ ở nhà và mất toàn bộ thu nhập.
Suốt 5 tháng qua, Thùy D. trả tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt nhờ khoản tiền tiết kiệm. Theo D., số tiền này có lẽ không thể giúp cô cầm cự thêm cho đến cuối năm.
"Ban đầu, tôi nghĩ đợt dịch này chỉ kéo dài khoảng 2-3 tháng, tôi có thể sống tốt mà không cần đi làm. Tuy nhiên, ngành sự kiện đã 'đóng băng' lâu hơn nhiều so với tôi tưởng tượng. Tôi biết nhiều đồng nghiệp của mình đã phải rời TP.HCM về quê, chờ đợi cơ hội làm việc vào năm sau", D. cho hay.
Để tạo thêm thu nhập khi ở nhà, D. làm công việc trợ lý online, hỗ trợ các công ty tại Hàn Quốc sắp xếp cuộc họp trực tuyến với đối tác ở Việt Nam. Mỗi tuần, cô liên hệ các bên liên quan và tổ chức khoảng 3 cuộc họp như vậy, được trả mức lương vài triệu đồng/tháng.
Thùy D. mất hoàn toàn thu nhập trong 5 tháng dịch bệnh tại TP.HCM.
Thu nhập này chắc chắn không phải số tiền mà D. mong muốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, kiếm được một chút tiền đã khiến cô cảm thấy yên tâm hơn nhiều.
Hiện tại, khi các biện pháp phòng dịch đã được lần lượt nới lỏng, D. nhanh chóng tìm cách gia nhập trở lại thị trường lao động.
Chưa thể làm sự kiện như trước đây, cô xem xét một số vị trí công việc có liên quan như sáng tạo nội dung, marketing hoặc truyền thông nội bộ.
27 tuổi, D. không giấu nổi sự thất vọng khi bắt đầu lại sự nghiệp và nhận mức lương đề xuất tương đương sinh viên mới ra trường.
"Nhưng tôi vẫn cần một công việc tạm thời trước khi ngành sự kiện trở lại. Thất nghiệp quá lâu, tôi suy kiệt cả về tài chính và tinh thần", D. nói.
Thắt lưng buộc bụng
Trong khi đó, Huỳnh Tuyết Linh (26 tuổi) đã chuyển chỗ ở từ quận Bình Thạnh đến TP Thủ Đức (TP.HCM) vào cuối tháng 10.
Phòng trọ cũ của cô chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 10 phút chạy xe máy. Linh từng sống một mình và chi hơn 6 triệu đồng/tháng cho tiền nhà.
Con số này bằng khoảng 1/3 thu nhập trước dịch của cô. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn do dịch bệnh, Linh bị cắt giảm lương từ công việc chính tại một công ty xuất nhập khẩu.
Các nguồn thu phụ từ việc kinh doanh online và chơi chứng khoán cũng giảm mạnh.
Cuối cùng, sau 4 tháng giãn cách chỉ ở nhà và cầm cự bằng tiền tiết kiệm, Linh phải chấp nhận cắt giảm chi tiêu, hạ mức sống để phù hợp với thu nhập hiện tại.
Cô chuyển đến sống chung trong căn hộ 2 phòng ngủ với một người bạn đại học. Vì cách xa trung tâm nên giá nhà mềm hơn. Mỗi tháng, chưa tính tiền điện nước, cô chỉ tốn khoảng 3,5 triệu đồng.
"Mình chưa bao giờ thích ở chung với người khác. Sau khi đi làm được 2 năm, mình đã dọn ra ở riêng và rất hài lòng với điều đó. Tuy nhiên, tài chính eo hẹp buộc mình phải từ bỏ lối sống cũ", Linh nói.
Phòng trọ mới của Tuyết Linh với diện tích nhỏ hơn, giá tiền tiết kiệm hơn.
Hiện tại vì vẫn chủ yếu làm việc tại nhà nên Linh chưa phải lo lắng về các khoản phí phát sinh như xe cộ, xăng dầu.
Ngoài chuyển trọ, cô gái 26 tuổi còn tìm nhiều cách khác để thắt chặt chi tiêu trong những tháng cuối năm như hạn chế mua sắm, giảm bớt các cuộc tụ họp bạn bè, đồng nghiệp, không đi du lịch, nấu ăn ở nhà thay vì đặt đồ, ăn ở hàng quán.
"Ngoài tiêu pha, mình cũng phải dành lại một chút để tiết kiệm, phòng thân. Sau đợt dịch bị giảm lương, giảm thưởng, mình không còn dám tiêu xả láng như trước. Giờ mua một cái áo 200.000-300.000 đồng, mình cũng phải tính kỹ, thực sự cần mới mua", Linh chia sẻ.
Trở về với cha mẹ
Bùi Minh Đức (24 tuổi) tốt nghiệp đại học và đi làm tại TP.HCM vào giữa năm 2019. Anh làm nhân viên sale cho một công ty chuyên sản xuất giày dép.
Thời gian đầu, Đức nhận lương cứng 6 triệu đồng và được thưởng thêm theo doanh số. Thu nhập hàng tháng không quá cao nhưng đủ để một người vừa ra trường trang trải cuộc sống ở mức cơ bản.
"Lương không cao nhưng mình cảm thấy môi trường làm việc khá tốt và có cơ hội để phát triển trong tương lai, nên lựa chọn gắn bó lâu dài", Đức kể.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến kế hoạch của chàng trai 24 tuổi hoàn toàn đổ vỡ. Công ty của anh gắng gượng qua được 1-2 đợt dịch đầu, đến đợt dịch thứ 3 phải bắt đầu cắt giảm lương và nhân sự.
"Mình từng nuôi hy vọng lương sẽ tăng dần theo số tháng đi làm, nhưng do dịch bệnh nên số tiền mình nhận được cứ ít dần qua từng đợt".
Tháng 4/2020, Đức được công ty trả đúng 4 triệu đồng, mức lương thấp nhất anh nhận được từ lúc đi làm cho đến nay. Với khoản tiền này, Đức không đủ để trả tiền trọ và xăng xe, chưa tính đến ăn uống, chi tiêu khác.
"Nhận lương xong, mình stress, mất ngủ mấy ngày liên tục. Chưa bao giờ mình cảm thấy chán nản, mệt mỏi như lúc đó".
Một tuần sau, Đức xin nghỉ việc, trả phòng trọ rồi dọn đồ về quê ở Đắk Lắk.
"Cha mẹ rất buồn khi nghe chuyện nhưng cũng động viên mình suy nghĩ tích cực, chờ dịch bệnh yên ổn rồi tìm công việc mới", anh nói.
Nhiều nghệ sĩ trẻ tại TP.HCM cũng rơi vào cảnh khó khăn, mất thu nhập do dịch bệnh. Ảnh: Phương Lâm.
Tuy nhiên, với Đức, việc thất nghiệp và phải trở về quê sống dựa vào người thân chỉ sau hơn một năm ra trường đi làm là thất bại không dễ để vượt qua. Nó như một "cú vấp" khiến anh trở nên khép mình, tự ti.
"Mình rất sợ cảm giác phải trở về thành phố, tìm kiếm công việc, nỗ lực làm lụng nhưng cuối cùng lại trắng tay vì dịch bệnh hay một điều gì đó tương tự".
Tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng thấy
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê về tác động của đại dịch đến tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng đầu năm tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao chưa từng thấy.
“Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng”, cơ quan thống kê đánh giá chung.
Trong quý III, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 47,2 triệu người, giảm 2,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Giãn cách xã hội kéo dài khiến thị trường lao động giảm nhiệt và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Trái lại, lao động ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng, chủ yếu do số lao động mất việc tại các tỉnh thành phía Nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành nông nghiệp.
Áp lực tài chính đe dọa người trẻ
Còn đối với chuyên gia Vương Nguyễn Toàn Thiện (Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố), đại dịch Covid-19 đã khiến tình trạng mất việc làm, giảm thu nhập của con người trở nên phổ biến.
Hàng triệu người trẻ trên khắp thế giới cũng đang lao đao vì mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.
Theo anh, nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow (1908-1970) đã đưa ra tháp các nhu cầu căn bản của con người từ thấp đến cao bao gồm: nhu cầu sinh học, nhu cầu an toàn, nhu cầu tương tác - tình cảm, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu khẳng định bản thân.
Tình trạng thất nghiệp, mất thu nhập không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu cơm ăn áo mặc, cảm giác an toàn, các mối quan hệ xã hội, mà còn tác động tiêu cực đến khả năng được tôn trọng và thể hiện mình của mỗi cá nhân.
"Vấn đề tài chính và thu nhập không ổn định đe dọa con người. Điều này có thể làm cho họ cảm thấy mất tự tin vào bản thân, không còn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội và có nguy cơ đưa đến các bất ổn về mặt sức khỏe tâm thần như stress, lo âu, trầm cảm", chuyên gia Thiện nói.
Đặc biệt, vị chuyên gia nhấn mạnh trong tiến trình phát triển tâm lý xã hội được đưa ra bởi nhà tâm lý học người Đức Erik Erikson (1902 - 1994), thanh thiếu niên là giai đoạn tuổi đang tập trung xây dựng sự nghiệp và gia đình riêng.
Sự thất bại trong sự nghiệp, đổ vỡ tài chính có thể khiến nhóm đối tượng này mất đi mối tương quan gắn bó thân mật với người xung quanh. Từ đó, họ có thể trở nên cô lập, thu mình, mất tự tin.
"Gánh nặng tài chính là một áp lực có thật và ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống con người nói chung và cuộc sống thanh thiếu niên nói riêng.
Để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn đó, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần ổn định, tâm lý tích cực là một điều quan trọng. Nền tảng tinh thần tốt sẽ giúp thanh thiếu niên có khả năng đương đầu với nghịch cảnh và tìm ra những giải pháp phù hợp", anh cho hay.