Kinh tế toàn cầu đối mặt áp lực lãi vay dai dẳng

05/12/2022 08:30

Chi phí lãi vay tăng như 'chuyến tàu đến chậm' với người tiêu dùng, các công ty và chính phủ dù tổng nợ của thế giới đã giảm hơn 10.000 tỷ USD.

Tổng nợ hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ toàn cầu còn 290.000 tỷ USD, giảm so với mức kỷ lục 305.000 tỷ USD hồi đầu năm, theo báo cáo công bố hôm 22/11 của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), trụ sở tại Washington DC (Mỹ). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những rủi ro mà núi nợ này gây ra cho kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính lại đang tăng.

Lý do là nhiều người vay phải đối mặt với sự gia tăng không ngừng về lãi suất, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác thắt chặt tiền tệ với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ nhằm kiềm chế lạm phát.

Sean Simko, Trưởng bộ phận quản lý danh mục đầu tư thu nhập cố định toàn cầu tại SEI Investments, ví chi phí lãi vay tăng là "chuyến tàu đến chậm" với người tiêu dùng, công ty, và chính phủ.

"Bạn sẽ chứng kiến nó tăng dần. Rồi đột nhiên nó sẽ hiện ra trước mặt bạn. Khi chúng ta nhận ra mối họa thì đã quá muộn", ông mô tả.

Phần lớn nợ hộ gia đình là từ vay mua bất động sản - lĩnh vực rủi ro nhất. Lãi vay mua nhà là cố định hoặc thả nổi tùy từng quốc gia. Với những nơi lãi thả nổi, việc ngân hàng trung ương nâng lãi suất cơ bản sẽ khiến người trả nợ cảm nhận nhanh áp lực. Dario Perkins, Nhà kinh tế tại TS Lombard ở London (Anh), người vay mua nhà ở Mỹ không có nguy cơ cao nhưng nơi khác thì có.

Công ty cho vay bất động sản Romspen Investment (Toronto, Canada) đã dừng việc mua lại quỹ thế chấp lớn nhất của mình sau khi một số người đi vay ngừng thanh toán. Các hộ gia đình Canada nằm trong số những người mắc nợ nhiều nhất thế giới.

Cũng xếp hạng rủi ro cao là các nước Bắc Âu. Trong khi ở Anh, nơi lãi suất với hầu hết khoản thế chấp được thiết lập lại sau hai hoặc ba năm, các khoản thanh toán nợ đang trên đà vượt quá 10% tổng thu nhập hộ gia đình. Ở Hà Lan, Thụy Điển và Na Uy, con số này hướng tới mức 15% nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục siết chặt tiền tệ.

Tại châu Á, những người vay mua nhà ở Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan sẽ chật vật hơn, theo Jonathan Cornish, Trưởng bộ phận xếp hạng ngân hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Fitch Ratings.

Với nợ doanh nghiệp, theo IIF, các doanh nghiệp (ngoài ngành tài chính), cùng các chính phủ, là những người đi vay lớn nhất trong kỷ nguyên lãi suất thấp vừa qua. Chi phí đi vay tăng cao trong năm nay có thể làm tăng thêm số doanh nghiệp chỉ kiếm đủ tiền mặt để trả các khoản nợ - đôi khi được gọi là "công ty xác sống". Khoảng một phần năm các công ty đại chúng đã là "công ty xác sống" ngay trong thời kỳ lãi suất thấp. Giờ với chi phí trả nợ tăng, nhiều công ty mới sẽ cùng gia nhập, và một số có thể bị phá sản.

"Điều này với tôi rất giống bong bóng Internet. Mặc dù hiện nay có rất nhiều công ty đang kiếm được tiền, chúng ta có rất nhiều công ty không thuận lợi như vậy", Scott Minerd, Giám đốc đầu tư toàn cầu của Guggenheim Investments, nói.

Moody's Analytics tính toán rằng tỷ lệ vỡ nợ với trái phiếu doanh nghiệp trên toàn cầu được xếp hạng "rác" sẽ tăng gần gấp đôi vào năm tới. Barclays nhận xét thị trường trái phiếu doanh nghiệp cấp cao trị giá 6.700 tỷ USD của Mỹ có những dấu hiệu cho thấy tình trạng vỡ nợ có thể sẽ đạt mức tồi tệ nhất trong 5 thập kỷ qua.

Các nhà đầu tư thậm chí còn lo lắng hơn về châu Á, nơi sức mạnh của USD đã khiến các khoản nợ bằng USD trở nên cao hơn. Giá trái phiếu do các nhà phát triển bất động sản ở Indonesia phát hành đã tăng chóng mặt, trong khi tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang kỷ lục. Tại Hàn Quốc, công ty xây dựng công viên giải trí Legoland tại địa phương đã không thanh toán được khoản nợ vào tháng 10, một sự kiện hiếm gặp ở quốc gia này.

Với nợ công, các nước giàu nói chung có thể đủ khả năng trả lãi nhiều hơn cho khoản nợ công trong một thời gian, mặc dù các nhà đầu tư lo lắng về Italy và Anh. Mối nguy hiểm nghiêm trọng hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là những nước vay nợ bằng USD.

Các chính phủ nước giàu vay bằng đồng tiền của chính họ nên thường không phải đối mặt với những khó khăn tức thời mà các hộ gia đình hoặc doanh nghiệp gặp phải khi lãi suất tăng. Nhưng điều đó không có nghĩa họ an toàn, với nước Anh gần đây là ví dụ.

Kế hoạch giảm thuế của cựu Thủ tướng Liz Truss đã phản tác dụng, gây ra sự sụt giảm trái phiếu chính phủ khi các nhà đầu tư hoảng sợ về gánh nặng nợ công. Bà Truss từ chức và thị trường Anh đã ổn định, nhưng chính phủ mới vẫn phải đối mặt với việc tăng gấp đôi chi phí lãi vay vào năm tới.

Trong số các nền kinh tế phát triển, nợ công của Italy khiến các nhà đầu tư lo lắng nhất. Các khoản thanh toán lãi của chính phủ đang trên đà vượt quá 7% GDP vào năm 2030, một con số không bền vững, theo ước tính của Bloomberg Economics.

Mỹ cũng có thể phải đối mặt với những vấn đề chính trị gây đau đầu về nợ. Với việc đảng Cộng hòa sẵn sàng nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 1, có khả năng xảy ra một cuộc chiến gây chấn động thị trường về việc tăng trần nợ liên bang.

Nhiều nước đang phát triển đã ở giữa các cuộc khủng hoảng nợ công. Sri Lanka và Zambia đã vỡ nợ, trong khi Ai Cập hoặc Pakistan nằm trong số ít các quốc gia khác có nguy cơ bị kiện. IMF ước tính hơn một nửa số quốc gia có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh túng quẫn hoặc bên bờ vực nợ nần.

Một điểm sáng đối với kinh tế toàn cầu là những bên đi vay ngày nay có một số nguồn lực để hạn chế tác động của chi phí trả nợ gia tăng. Các nền kinh tế mới nổi đã tăng dự trữ ngoại hối và nhiều hộ gia đình đã tiết kiệm tiền trong đại dịch. Các doanh nghiệp cũng công bố thu nhập cao trong quá trình phục hồi. Cùng với đó, các nhà hoạch định chính sách đã học được từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ và có các công cụ để can thiệp khi căng thẳng gia tăng.

Nhìn chung, mức độ thiệt hại có thể phụ thuộc vào việc các ngân hàng trung ương đẩy lãi suất cao như thế nào. Một chiến thắng nhanh chóng trước lạm phát, hoặc một quyết định chấp nhận mức giá cao hơn mục tiêu một chút, sẽ cho phép họ ngừng thắt chặt tiền tệ. Hiện tại, họ có vẻ sẽ tiếp tục nâng lãi.

"Trước khi họ đến đích, tôi nghĩ có khả năng họ sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính", Minerd phát biểu.

Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế toàn cầu đối mặt áp lực lãi vay dai dẳng" tại chuyên mục Kinh Tế Thế Giới. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).