Hôm 11/4, kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng lãi suất gia tăng đã khiến các ngân hàng trở nên dễ bị tổn thương hơn và phản ứng của ngành này sẽ gây ra rủi ro đáng kể đối với tăng trưởng toàn cầu.
Chia sẻ với CNBC, ông Pierre-Olivier Gourinchas, vị kinh tế trưởng, nhấn mạnh: “Chúng tôi quan ngại về những tác động tiềm tàng đến tăng trưởng kinh tế năm 2023 mà bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng gây ra, đặc biệt là tại Mỹ nhưng cũng có thể ở các nước khác”.
Các đợt tăng lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương đã làm tăng chi phí huy động vốn của hệ thống ngân hàng thương mại, trong khi các nhà băng cũng ghi nhận một số tổn thất về tài sản như trái phiếu dài hạn.
“Các ngân hàng đang ở trong tình thế bấp bênh hơn. Họ có những tấm đệm vốn lành mạnh, nhưng bất ổn sẽ khiến họ thận trọng hơn một chút và có thể hạn chế phần nào hoạt động cho vay”, ông Gourinchas nói.
Trong một kịch bản, IMF cho rằng các điều kiện cấp vốn của ngành ngân hàng sẽ ngày càng thắt chặt và qua đó làm thu hẹp quy mô cho vay. Ở trường hợp này, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 từ 2,8% xuống còn 2,5%.
Ông Gourinchas cho biết các mô hình của IMF cũng vạch ra một kịch bản bất lợi hơn khi hệ thống tài chính không còn ổn định.
“Ở kịch bản đó, một dòng vốn khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới sẽ cố gắng tìm đến nơi an toàn, đến trái phiếu Kho bạc Mỹ, đồng USD...các nhà đầu tư sẽ cố gắng cắt giảm rủi ro, niềm tin của công chúng sụt giảm”, vị kinh tế trưởng nói.
Trong kịch bản đó, IMF nhận thấy nền kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 1% trong năm nay. Song, ông Gourinchas lưu ý rằng khả năng xảy ra kịch bản bất lợi là khá thấp, khoảng 15%.
Cùng ngày 11/4, IMF đã công bố báo cáo tăng trưởng toàn cầu mới nhất, trong đó có dự đoán tăng trưởng trung hạn yếu nhất trong hơn 30 năm.
Sự ổn định của hệ thống tài chính đã thu hút sự chú ý của công chúng trong những tháng gần đây, sau sự sụp đổ của một số ngân hàng khu vực tại Mỹ, thương vụ thâu tóm Credit Suisse của UBS và tình trạng hỗn loạn trên thị trường trái phiếu Anh hồi mùa thu năm ngoái.
Ông Gourinchas nói với CNBC rằng cuộc tranh luận của các ngân hàng trung ương đã chuyển từ vấn đề tăng trưởng đối đầu lạm phát, sang ổn định tài chính đối đầu lạm phát .
Vị kinh tế trưởng cho biết các ngân hàng trung ương và cơ quan tài chính đã cho thấy họ có đủ công cụ để giải quyết tình trạng bất ổn.
Ông đề cập đến việc các cơ quan quản lý của Mỹ đã đứng ra bảo đảm tất cả tiền gửi cho khách hàng của Silicon Valley Bank hay việc Ngân hàng Trung ương Anh mua vào trái phiếu.
“Chính sách tiền tệ nên tập trung vào việc khống chế lạm phát, đó là khuyến nghị của chúng tôi vào thời điểm này”, ông Gourinchas kết luận.